Phí ATM: Thu sai phải trả lại

Google News

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam: Mức phí giao dịch ATM thu thế nào thì phải có sự thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng.

- "Thu phí giao dịch qua thẻ ATM là cần thiết. Tuy nhiên, việc các ngân hàng thương mại lén lút thu phí của khách hàng trong thời điểm này đang thể hiện cách làm ăn chộp giật kiểu buôn thúng bán mẹt", PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chia sẻ với phóng viên.
[links()]

Thu phải có sự thỏa thuận

Thưa ông, vừa qua có thông tin các ngân hàng thương mại lén thu phí giao dịch thẻ ATM của khách hàng. Quan điểm của ông thế nào về việc thu phí này?

Tôi cho rằng, thẻ ATM là một hình thức dịch vụ của ngân hàng. Đã là dịch vụ thì phải đóng phí. Nhưng mức phí đó như thế nào thì phải có sự thỏa thuận giữa người cung cấp và người sử dụng. Phải có một cơ quan trung gian để giải quyết xem giá nào là hợp lý, phải tạo ra sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc thu phí này.

Thứ nữa, người tiêu dùng cũng đừng có nghĩ mình được sử dụng miễn phí dịch vụ mãi được. Tư tưởng bao cấp ấy không phù hợp với cơ chế thị trường, không thể cứ thấy bị thu phí là giãy nảy lên. Cần nhớ, anh được ngân hàng phục vụ cơ mà, được tiêu pha thuận lợi, được đảm bảo an toàn, không lo mất cắp tiền. Việc thu phí là để tái đầu tư nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Nghĩa là, việc thu phí này là cần thiết?

Đúng thế. Trên thế giới người ta cũng làm thế từ lâu rồi. Nhưng vấn đề là thu ở mức nào, thu lúc nào thì không thể một bên áp đặt được. Vì đã là thị trường thì bao giờ cũng phải có sự thỏa thuận.

Bất tuân mệnh lệnh

Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng, các ngân hàng thương mại đã được hưởng lãi suất từ chính tiền gửi của khách hàng rồi thì không thể thu phí giao dịch thẻ ATM?

Đó là cách lập luận của người ta thôi. Còn về phía ngân hàng, tôi tin rằng tiền lãi đó không đủ cho họ trang trải sang cả những khoản xây dựng hệ thống ATM, mua máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, thuê người phục vụ các cây ATM này đâu. Bởi nếu đủ thì trên thế giới người ta cũng đã chẳng phải thu phí rồi.

Ông vừa nói đến việc thu phí này phải có sự thỏa thuận. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại dường như đang ở "chiếu trên" khi đưa ra mức phí này và tự ý thu mà không hề báo trước, phớt lờ cả chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước?

Nói là "chiếu trên" thì cũng không hẳn, song đúng là họ đang tự đề ra phí rồi tự thu với nhau mà không hề báo trước, không hề có sự giải thích, thương lượng với khách hàng.

Theo ông, điều gì đã khiến cho các ngân hàng thương mại "tự tác" như thế?

Do chính sách quản lý trong hệ thống ngân hàng của của chúng ta hiện nay. Ngân hàng Nhà nước chỉ dùng mệnh lệnh hành chính trong quản lý, điều hành. Mà trong kinh tế thị trường thì không thể dùng mệnh lệnh hành chính mãi được, vì mệnh lệnh đó không phản ánh đúng thực tế vận động của nền kinh tế. Ví như việc đưa ra kế hoạch dư nợ tín dụng năm nay phải từ 15 - 17%, nhưng trong 6 tháng đầu năm thì có tới 5 tháng bị dư nợ âm, còn tháng 6 thì dư nợ không vượt quá 1% (!).

Thứ nữa, năng lực, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ Ngân hàng Nhà nước còn yếu kém, còn e sợ các ngân hàng thương mại, không dám động chạm đến quyền lợi của họ, dù là nhỏ nhất. Do đó, các ngân hàng thương mại đã bất tuân Ngân hàng Nhà nước. Ngay như việc Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép họ thu phí ATM mà họ vẫn thu đã chứng minh cho điều đó.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại.

Lương 2 triệu đồng, thu phí mất cả mấy bữa rau

Như ông vừa chỉ ra, việc thu phí giao dịch qua thẻ ATM là cần thiết để chất lượng dịch vụ được tốt hơn. Tuy nhiên, thời điểm này, hệ thống các cây ATM vẫn chưa có sự tiện lợi, vẫn bị hỏng hóc, sự cố... thì liệu thu phí như vậy có thỏa đáng?

Vấn đề là ở chỗ đó. Trong khi dịch vụ của anh chưa tốt mà anh đã thu phí thì rõ ràng là không công bằng. Chưa kể, đối tượng dùng thẻ chủ yếu là công nhân viên chức. Đồng lương của họ hạn hẹp, chỉ 2 - 3 triệu đồng mà bị thu phí thẻ ATM thì họ mất luôn cả mấy bữa rau. Cái đó thể hiện tầm nhìn của những nhà quản lý, lãnh đạo các ngân hàng này.

Ý ông là tầm nhìn đó "có vấn đề"?

Chứ sao nữa! Các lãnh đạo ngân hàng đang thu phí này thể hiện kiểu làm ăn chụp giật, bóc ngắn cắn dài, chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi lâu dài. Họ đang mang tư tưởng của buôn thúng bán mẹt từ vỉa hè, chợ cóc vào trong hệ thống ngân hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ tự làm hại mình, tự giết chết dịch vụ của mình khi mà họ đang có nhu cầu để phát hành thẻ rộng rãi trong nhân dân, đẩy những người lĩnh lương qua thẻ sẽ rút một lần hết lượng tiền có trong thẻ thay vì tiêu dùng đến đâu rút tiền đến đó.

Theo ông, việc thu phí đó liệu có dẫn đến phá sản các chủ trương của Nhà nước như trả lương qua thẻ ATM, sử dụng thẻ để quản lý nguồn tiền, chống lạm phát?

Cũng không đến nỗi bi quan như thế. Nhưng rõ ràng, việc thu phí của các ngân hàng thương mại thời điểm này sẽ khiến cho người ta quay lưng lại với thẻ và sẽ phải mất thời gian để lấy lại niềm tin với người dân.

Thu sai thì phải trả lại cho người ta

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang đi kiểm tra, xử lý các ngân hàng thu phí ATM sai quy định. Ông bình luận gì về động thái này?

Tôi cho rằng, việc kiểm tra đó chỉ là cho có lệ thôi, vì như tôi nói lúc nãy, Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện sự yếu kém trong quản lý, sợ sệt các ngân hàng thương mại. Chứ nói thẳng ra, việc kiểm tra ấy chẳng mất nhiều thời gian đâu! Rồi phát hiện thì xử lý như thế nào, có cấm được không hay lại tái diễn?

Nhưng chẳng lẽ, cứ vì e sợ mà để cho các ngân hàng thương mại "tự tác", còn người tiêu dùng vẫn bị móc túi?

Thế nên mới cần những cán bộ có năng lực, có trình độ và phải có bản lĩnh, phải nhìn xa trông rộng, vì lợi ích chung của toàn xã hội chứ không phải vì một nhóm nào đó.

Vậy còn với tiền phí ATM đã bị ngân hàng âm thầm thu thì theo ông nên giải quyết như thế nào?

Về nguyên tắc, anh thu sai thì phải trả lại cho người ta. Nhưng như thế cũng khó, vì phải kiểm tra lại cả hệ thống xem bao nhiêu lượt người bị trừ phí ATM? Việc làm đó rất mất thời gian. Có chăng, các ngân hàng chỉ cần dừng lại việc thu phí này cũng đã mừng rồi.

Việc thu phí thẻ ATM là cần thiết. Vậy theo ông, mức phí đó cần phải tính như thế nào và khi nào áp dụng thì hợp lý?

Để đưa ra mức phí cụ thể thì Ngân hàng Nhà nước phải kiểm tra sổ sách của các ngân hàng thương mại để biết số lượng thẻ ATM, số lần giao dịch trên thẻ rồi tính toán, đề ra mức phí. Cái quan trọng nữa là phải tạo ra thị trường thẻ cạnh tranh giữa các đơn vị cấp thẻ, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Chỉ khi có sự cạnh tranh thì mới có được mức giá hợp lý cho người tiêu dùng.

Các ngân hàng chỉ nên áp dụng phí khi mà hệ thống ATM của anh đã đạt chất lượng dịch vụ, đảm bảo sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Nguyên tắc trong cơ chế thị trường là anh sử dụng dịch vụ của tôi thì anh phải trả phí cho tôi. Mức phí đó do thị trường và do sự cạnh tranh quyết định. Mình thì không có sự cạnh tranh mà do Nhà nước đứng ra quyết định. Chết dở là ở chỗ đó. Thế nên, các ngân hàng - bên cung cấp dịch vụ mới áp đặt lên người sử dụng".
PGS.TS Nguyễn Văn Nam
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(2)

Minh Hiền

Vinh

Tôi đang dùng thẻ ATM của ngân hàng A, vừa rồi rút tại ATM của ngân hàng B. Tôi rút 5 triệu nhưng ATM của ngân hàng B chỉ cho rút tối đa mỗi lần là 2 triệu, phí giao dịch mỗi lần cả thuế là 3300đ. Vị chi tôi lấy ra 5 triệu mà phải trả phí và thuế mất 9900đ.
Đúng là thòi buổi ngòi khôn của khó, lắm phí qúa.

Minh Hiền

Trần Việt

Tôi thanh toán tiền điện cho Công ty Điện Gia lai bằng phương thức Internet Bangking (giá trị thanh toán không lớn) cung Ngân hàng VCB mà vân bị thu phí mới oan chứ???
Chào thua