Ký ức của bác sĩ từng cứu sống người vỡ tung cả bụng

Google News

(Kiến Thức) - BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu vẫn giữ ký ức và những tư liệu về một thời hào hùng chữa bệnh, cả trong thời chiến và thời bình.

Làm y tá, rồi bác sĩ quân y, trải qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, sau đó còn công tác nhiều năm ở Bệnh viện Quân y 354 cho tới khi về hưu, BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu vẫn giữ ký ức và những tư liệu về một thời hào hùng chữa bệnh, cả trong thời chiến và thời bình. Phóng viên Kiến thức may mắn được gặp ông để nghe ông kể về một thời thiếu thốn, hãi hùng vì đói và bom đạn nhưng quân y vẫn đạt được những thành quả kỳ diệu.

Trước khi là bác sĩ vật lý trị liệu, BS Đào Bá Vy làm ngoại khoa, tức chuyên mổ xẻ. Tuy nhiên, vì là bác sĩ quân đội, nên một bác sĩ nội - ngoại khoa đều phải rành để khi cần có thể "tác chiến". Trong những năm tháng chiến tranh ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, có những ca đặc biệt thuộc ngoại khoa mà ông không thể quên.

Đại phẫu trong cơn đói

Năm 1969 là năm khó khăn. Sự khó khăn này được BS Đào Bá Vy ghi trong nhật ký về đói ở chiến trường (mà sau này đã được in thành sách): "Ngày 24/7/1969. Họp Đảng ủy, phổ biến chỉ thị với nội dung: Khó khăn về lương thực. Tìm biện pháp chống đói. Tháng 8, tiếp tục cấp mỗi người 4,5 kg gạo/tháng. Kế hoạch ngay từ tháng 8 mỗi người ăn một ngày 0,05kg gạo"...

Trong điều kiện đói khổ như thế, có một chiến sĩ quê ở Thái Bình ở trong vòng vây của địch nên bị thương. Anh phải ở lại địa phương để y tế địa phương cắt cụt bàn tay. Nhưng vết thương bị thối, anh lại được cắt cụt đến khuỷu tay. Con đường chuyển từ đồng bằng lên trên rừng (nơi đội điều trị 84 Trị Thiên Huế đóng quân) phải mất hằng tuần. Khi đến nơi thì cánh tay anh thương binh đã hoại tử. BS Đào Bá Vy đã phải tháo khớp vai cho anh.

Tháo khớp vai là cuộc đại phẫu. Vậy mà lại đại phẫu trong điều kiện cơm ngày nửa lạng, khi cơn đói đang hoành hành, nơi chiến trường thuốc men thiếu thốn. Đang tháo khớp thì anh thương binh ngất, choáng vì mất máu. Biết anh cùng nhóm máu với mình, BS Đào Bá Vy đã cho máu. 

Vết thương sau đó phải để hở. BS Đào Bá Vy đã dùng thuốc tím sát trùng nhỏ 24/24h để diệt vi khuẩn. Rồi tiếp tục hành trình ăn cơm, cháo, rau rừng, anh thương binh được vận chuyển từ chiến trường Trị Thiên ra Bắc.

Hòa bình lập lại, theo địa chỉ của anh thương binh, BS Đào Bá Vy có viết thư về hỏi thăm thì được biết anh này nằm ở trại thương binh Vũ Thư, Thái Bình. Anh này viết thư lại cho bác sĩ và cho biết: "Khi ra Bắc, người ta vá da cho em". Biết tin, BS Đào Bá Vy thở phào nhẹ nhõm. Vậy là anh thương binh đã bình an, không vướng bom rơi đạn lạc trên đường ra Bắc, sức khoẻ ổn định. 

BS Đào Bá Vy bồi hồi tìm lại những tư liệu mà ông lưu trữ. 

Vỡ tung bụng vẫn được cứu sống

A Pời là người dân tộc Pa Kô, không may cuốc phải viên đạn 79 - loại đạn nổ 2 lần, bị thủng 8 lỗ trong ruột. BS Đào Bá Vy đã phải mổ bụng, khâu ruột. 2 ngày sau thay băng, y tá báo cáo A Pời vỡ tung cả bụng rồi. Thì ra, người dân tộc bị hạn chế về giữ gìn vệ sinh, lại trong điều kiện kháng sinh có hạn nên khi bệnh nhân trung tiện thì bụng vỡ tung. Bệnh nhân lại được lên phòng mổ, BS Đào Bá Vy lấy nước muối rửa ruột, sau đó nhét ruột vào bụng, khâu bè líu ríu. Và để phòng nhiễm trùng, ông để hở ra hai đầu, hằng ngày bơm pelixilin vào. Bơm được 5 - 6 ngày thì bom đạn ác liệt quá, ông gọi A Pời lên và nói: "Bệnh viện bị Tây đánh rồi. Bây giờ A Pời về nhà nhé. Về ăn cháo và nước cháo thôi". Trước khi A Pời về, ông còn cho bông băng, nhưng trong lòng vẫn không yên tâm.

Vài tháng sau, có việc đi từ A Vao vào A Bung (địa danh ở Bình Trị Thiên), tự nhiên ông gặp A Pời đang gùi một gùi rau lớn. Vui mừng, ông gọi lớn: "A Pời ơi". A Pời vui mừng không kém. Anh vạch áo giơ bụng ra và sau đó trao cả gùi rau gồm nhiều dọc mùng, khoai lang để cảm ơn việc bác sĩ đã cứu mình.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Hoài Hương

Bình luận(0)