Vì sao nhan sắc Việt “thăng hạng” trên đấu trường quốc tế?

Google News

Danh sách top 10 của giải thưởng Timeless Beauty (Vẻ đẹp vượt thời gian) vừa được công bố có 2 đại diện Việt Nam là H'Hen Niê và Nguyễn Phương Khánh. Trong đó, H'Hen Niê dẫn đầu top 10 Hoa hậu đẹp nhất 2018.

Danh sách top 10 của giải thưởng Timeless Beauty (Vẻ đẹp vượt thời gian) vừa được công bố có 2 đại diện Việt Nam là H'Hen Niê và Nguyễn Phương Khánh. Trong đó, H'Hen Niê dẫn đầu top 10 Hoa hậu đẹp nhất 2018, vượt qua cả đương kim Hoa hậu Thế giới Vanessa Ponce. Thành tích của những người đẹp này đã giúp nhan sắc Việt thăng hạng trên đấu trường quốc tế.
Là một người đào tạo, chuyên đưa người đẹp Việt đến với những cuộc thi nhan sắc trên thế giới và giành được giải cao, “ông trùm chân dài” Phúc Nguyễn đã thẳng thắn chia sẻ băn khoăn: Sắc đẹp Việt “lên ngôi”: Thực chất hay ăn may?
Chào Phúc Nguyễn, anh đánh giá như thế nào về nhan sắc Việt trên đấu trường sắc đẹp thế giới trong năm 2018?
Có thể khẳng định rằng, 2018 là một năm mà sắc đẹp Việt có vị trí rõ ràng trên đấu trường nhan sắc thế giới. Chẳng qua từ trước đến nay, chúng ta chưa khai phá và đầu tư một cách nghiêm túc, đó cũng là lý do mà những năm trước các đại diện Việt Nam chưa thể đạt được kết quả cao. Nhưng quả thật, 2018 là một năm mà sắc đẹp Việt có sự "bùng nổ" rõ rệt và rất lớn. Tôi tin chắc rằng, nhan sắc Việt trong tương lai có thể sẽ trở thành đối thủ "đáng gờm" của các quốc gia khác.
Vi sao nhan sac Viet “thang hang” tren dau truong quoc te?
 Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn.

Cụ thể, anh nhận xét thế nào về trường hợp cô gái gốc Ê Đê - H'Hen Niê lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới và được ca ngợi khá nhiều trong thời gian vừa qua?
Thực ra, việc H'Hen Niê lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới là điều bất ngờ dành cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, đó không đơn thuần là sự bất ngờ mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh để các chuyên gia trong lĩnh vực sắc đẹp có thể xây dựng và vạch ra chiến lược rõ ràng hơn.
Từ trước đến nay, chúng ta cứ nghĩ là mình tìm một vẻ đẹp hoàn hảo, tìm một người tài sắc vẹn toàn nhất để dự thi trên đấu trường sắc đẹp thế giới là được, nhưng thực chất, để có thể đạt kết quả cao, được đánh giá tốt thì cần phải có một màu khác nữa, đó là nguồn cảm hứng và sự chân thật, mộc mạc. Khác với những cô gái khác, H'Hen Niê có những nét rất riêng, đó là một lợi thế, là "điểm cộng" của H'Hen Niê. Đó là điều mà chúng ta còn thiếu hụt, chưa khai thác được với những thí sinh trước từng dự thi ở các đấu trường sắc đẹp thế giới.
Coi như đây là bài học để từ nay về sau, các chuyên gia sẽ có cái nhìn rộng hơn về tiêu chí đào tạo và lựa chọn thí sinh tham dự các cuộc thi mang tầm quốc tế.
Theo anh, H'Hen Niê có ưu điểm nào nổi trội nhất khiến cô ấy được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao như vậy?
Tôi cho rằng, đó là tâm hồn trong sáng. Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với H'Hen Niê và tôi cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị, trong sáng và chân thật trong con người cô ấy. Chính những vẻ đẹp đó đã khiến H'Hen Niê tỏa sáng. Thế nhưng, không thể phủ nhận một điều rằng, phía sau thành công của H'Hen Niê là một đội ngũ, ekip quá tuyệt vời.
Vi sao nhan sac Viet “thang hang” tren dau truong quoc te?-Hinh-2
 Top 5 Miss Universe 2018 H'Hen Niê.
Có ý kiến cho rằng, vì người phiên dịch không truyền tải được đầy đủ nội dung, ý nghĩa trong câu trả lời ứng xử của H'Hen Niê nên cô ấy mới phải dừng lại ở top 5 và họ cũng không phục kết quả này. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Cho dù phục hay không phục thì kết quả cũng đã được công bố rõ ràng rồi, nên giờ mình có nói gì cũng không thay đổi được. Chúng ta nên chấp nhận và bằng lòng với kết quả đó. Con người mà, cứ đạt được vị trí này rồi nhưng lại muốn hơn thế nữa. Đối với tôi và các chuyên gia sắc đẹp ở Việt Nam, chúng tôi mãn nguyện với kết quả này.
Anh có nghĩ rằng việc lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới chỉ là "đòn bẩy" để H'Hen Niê phấn đấu và sẽ đạt được kết quả cao hơn tại một cuộc thi nhan sắc khác mang tầm quốc tế trong tương lai?
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó vì những thành tích H'Hen Niê đạt được đã quá tuyệt vời rồi, cho nên chúng ta không cần phải nghĩ thêm rằng, sau này cô ấy sẽ đi thi ở cuộc thi nào khác và giành kết quả cao hơn.
Là người đưa rất nhiều người đẹp lên vị trí đỉnh cao ở các cuộc thi nhan sắc, anh cho rằng, điều gì quan trọng nhất trong việc chấm giải thí sinh là gì?
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất chính là sự thuyết phục, nghĩa là thí sinh có ngoại hình thuyết phục không, ứng xử thuyết phục không, phong cách sống có thuyết phục không, kỹ năng có thuyết phục không,... Đó là những tiêu chí mà Ban giám khảo nhìn vào để lựa chọn và chấm giải.
Anh từng chia sẻ, Hoa hậu Phạm Hương là "viên ngọc thô" mà bản thân ưng ý nhất. Liệu đến nay, sau sự xuất hiện của H’Hen Niê và Phương Khánh, quan điểm đó của anh có bị thay đổi không?
Tôi không thay đổi quan điểm của mình bởi mỗi thời một khác, mình không thể lấy kết quả ra để so sánh. Tôi không lấy kết quả của năm 2018 là H'Hen Niê lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, Phương Khánh đăng quang Hoa hậu Trái đất để so sánh với kết quả từ những năm 2015, 2016. Đến nay, tôi vẫn rất quý trọng và phục Phạm Hương.
Anh nghĩ sao khi ngày càng có nhiều các cuộc thi hoa hậu diễn ra, khá nhiều người cho rằng, việc này sẽ khiến khán giả thấy nhàm chán và các cuộc thi Hoa hậu đang dần bị "bão hòa"?
Đối với những người chưa tìm hiểu sâu về các cuộc thi sắc đẹp, họ sẽ thấy nhà nhà hoa hậu, người người hoa hậu nên họ đưa ra nhận định đó. Nhưng với những người có chuyên môn, có tìm hiểu, họ sẽ thấy "level" đối với những cuộc thi gần như không thay đổi.
Cụ thể, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ,... đều tác động vào thị trường, tác động vào nghệ thuật, tác động vào showbiz một cách mạnh mẽ và không thay đổi. Tôi cho rằng, đó là giá trị chân thật. Điều tôi muốn nói là chúng ta phải có cái nhìn chân thật và phù hợp với luật pháp Việt Nam. Còn những cuộc thi ở nước này, nước kia hoặc không hợp với luật pháp Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta nên coi đó như những cuộc chơi và đừng vơ đũa cả nắm.
Anh nghĩ sao về việc, sau mỗi cuộc thi sắc đẹp kết thúc, người đăng quang ngôi vị Hoa hậu luôn phải đối mặt trước loạt tin đồn như "mua giải", rồi có đại gia "chống lưng",...?
Tôi cho rằng, chuyện Hoa hậu bị đồn mua giải hoặc có đại gia “chống lưng” đều được xem như là câu cửa miệng, câu chuyện đời thường, chính vì vậy, dù cuộc thi có uy tín đến mức độ nào, mang tầm trong nước hay quốc tế thì câu chuyện về tin đồn mua giải cũng chẳng bao giờ dứt.
Không có Phạm Hương, Phương Khánh,… sẽ không có tôi của ngày hôm nay
Về phía bản thân, anh gặp những khó khăn như thế nào khi đảm nhận vai trò đưa các người đẹp lên vị trí đỉnh cao của các cuộc thi nhan sắc?
Điều khó khăn duy nhất chính là sự chênh nhau về tư duy và quan điểm sống bởi tôi và các người đẹp gần như là hai người thuộc hai thế hệ khác nhau. Tôi gần bước sang tuổi 40, trong khi các bạn thí sinh toàn trong độ tuổi từ 18 đến 20, khoảng cách tuổi tác khiến chúng tôi có cách sống khác nhau.
Chẳng hạn, tôi luôn đặt ra những tiêu chí sống như coi trọng nhân lễ nghĩa thì các bạn trẻ dường như lại hơi hời hợt với vấn đề này, họ cũng chưa có đủ kinh nghiệm sống, chưa nhận ra được hậu quả về lối sống của bản thân, cho nên chúng tôi đã gặp không ít khó khăn khi làm việc chung với nhau. Phong cách sống khác nhau làm cho mối quan hệ giữa người đào tạo và thí sinh hoặc bầu show và một hoa hậu luôn luôn có những rạn nứt.
Vậy anh thấy mình được và mất gì khi làm công việc này?
Cái được lớn nhất của tôi khi làm việc này chính là sự ủng hộ của công chúng, công chúng công nhận mình là một chuyên gia đào tạo. Mình được bạn bè trong giới chuyên môn công nhận khả năng, đánh giá chiến lược của mình là thông minh, xuất sắc. Cái được tiếp theo là danh tiếng. Nếu như không có Phạm Hương, Hoàng My, Phương Khánh, thì tôi sẽ không được mọi người biết đến. Đó là những cái được của một người đào tạo người mẫu như tôi.
Gần như 90% số lượng người mình đào tạo ra sẽ “mất”. Ví dụ mình đưa họ từ một người bình thường, có thể là tầm thường trở thành một nhân vật của công chúng, trở thành một nhân vật của thế giới, lúc đó họ chỉ là một “bản vẽ” chưa có đủ kinh nghiệm sống, vốn sống. Họ kiêu hãnh và được tung hô, thậm chí họ sống trong hào quang và hào quang đó đã biến họ thành một con người khác. Một khi họ đã nổi tiếng rồi, hào quang, cơ hội và mối quan hệ đến với họ quá nhiều, cho nên họ không có thời gian để suy nghĩ về những mối quan hệ cũ trước đó. Tôi cho rằng, đó là cái “mất” lớn nhất.
Liệu có phải anh muốn ám chỉ đến hai chữ “vô ơn”?
Tôi chỉ có thể nói rằng, hào quang đã lôi họ đi và họ có một cuộc sống bay bổng, họ được ca tụng, được tung hô, được chào đón, lúc đó họ sẽ quên đi nguồn gốc xuất phát của họ trước đó là gì chứ tôi không nói là họ vô ơn, “ăn cháo đá bát”.
Vậy tại sao anh vẫn theo đuổi công việc này khi mà anh đã biết rất rõ kết cục về sau ra sao?
Đối với một chuyên gia đào tạo hay với một bầu show, đó là thử thách mà họ muốn chinh phục và vượt qua. Đó cũng đam mê, yêu nghề, thậm chí là sự háo thắng của bản thân bởi khi đào tạo một người bình thường trở nên nổi tiếng dù mang tầm quốc tế hay trong nước thì họ cũng chứng minh được khả năng của bản thân, chứng minh được danh tiếng của mình. Tất cả chỉ đơn giản thế thôi.
Những lúc bị “quên lãng” như thế, anh có thấy chạnh lòng không?
Trước đây thì có nhưng bây giờ thì không vì đơn giản, mọi thứ khó có thể thay đổi được. Sự chênh nhau về thế hệ sẽ không bao giờ có thể hòa hợp hay hài lòng về nhau được. Một người đứng ở lầu 1, một người đứng ở lầu 10 đã có cái nhìn khác nhau rồi. Cho nên mình không nên để bản thân phải chạnh lòng, không nên để cảm xúc cá nhân xen vào công việc mà ngược lại, mình buộc phải bỏ đi sự chạnh lòng thì mới có thể tồn tại được trong giới showbiz này.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Theo Vũ Toàn/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)