Gây tranh cãi
"Bão ngầm" vừa chiếu tập cuối cùng sau 4 tháng lên sóng truyền hình. Bộ phim nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Phim không chỉ tập trung khai thác quá trình phá án, làm nhiệm vụ của đội trinh sát mà còn bóc tách những khía cạnh đời tư, tình cảm của các chiến sĩ công an.
Phần đầu phim thu hút bởi vụ vận chuyển ma túy khả nghi trên đèo Mũi Ngựa và những pha hành động của các trinh sát. Phần giữa phim lại gây nhiều tranh cãi khi xoáy sâu mối quan hệ tay ba của Hạ Lam, Hải Triều, bác sĩ Hùng.
Cuối phim, lực lượng công an tiến vào sào huyệt của tổ chức buôn ma túy xuyên quốc gia, truy bắt tên trùm Quách Đại Đức.
|
Hải Triều và Hạ Lam chia tay sau khi nữ thiếu úy nảy sinh tình cảm với đối tượng mà cô cần theo dõi, điều tra. Ảnh: CMH. |
Kéo dài 72 tập, "Bão ngầm" gây tranh cãi khi nhiều tình tiết thiếu thuyết phục, còn non và chưa đắt giá.
Bên cạnh dàn diễn viên gạo cội như NSND Nguyễn Hải (vai thượng tá Tuất), NSND Trần Nhượng (vai thiếu tướng Hoạch), NSƯT Nguyễn Trọng Hải (vai đại tá Hà), "Bão ngầm" mất điểm vì dàn diễn viên trẻ diễn xuất chưa tới.
Đóng vai cặp đôi đang yêu nhưng "phản ứng hóa học" giữa Hải Triều (Hà Việt Dũng) và Hạ Lam (Cao Thái Hà) được nhận xét là gượng gạo, khiên cưỡng. Giọng lồng tiếng của nhân vật Hạ Lam cũng khiến người xem có cảm giác cứng nhắc, thiếu chân thật.
Đoạn giữa phim, "Bão ngầm" gây tranh cãi khi để các chiến sĩ trẻ sa ngã, lơ là nhiệm vụ. Hải Triều được xây dựng là nhân vật bản lĩnh, lý trí nhưng vẫn lên giường với đồng nghiệp khi uống say.
Hạ Lam được xây dựng rơi vào lưới tình với đối tượng điều tra quá nhanh và dễ dàng.
Việc sa đà vào khai thác yếu tố tình cảm, tình tay ba giữa Hạ Lam - Hải Triều - bác sĩ Hùng cũng khiến "Bão Ngầm" bị chê không có được đường dây phá án chân thực, đủ sức nặng.
|
Việc Hạ Lam yêu bác sĩ Hùng gây tranh cãi, bất bình nhưng cũng góp phần khiến bộ phim thêm gay cấn khi thân phận thật của cô có thể bị bại lộ bất cứ lúc nào. Ảnh: CMH |
Đề tài có sức hút
Từ lâu, phim hình sự vẫn có một sắc màu riêng và vị thế quan trọng trong bức tranh tổng thể phim truyền hình Việt Nam. Giữa "cơn bão" dòng phim tâm lý, gia đình, mảng đề tài phá án được đánh giá gai góc hơn, khó làm hơn. Cũng vì lý do thiếu kịch bản, khó sản xuất, nên phim hình sự được coi là "của hiếm" trên màn ảnh.
Năm 2017, tác phẩm "Người phán xử" gây được tiếng vang lớn, khai phá vùng đất tiềm năng cho đề tài phim hình sự, phá án. Phim phản ánh thế giới "xã hội đen” bằng chính những con người sống trong xã hội ấy, đồng thời xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an mưu trí, dũng cảm.
“Mặt nạ gương”, "Sinh tử", "Mê cung" cũng tạo dấu ấn khi không còn đi theo lối mòn, phát triển kịch bản, mở rộng những tình tiết liên quan đến gia đình, tâm lý nhân vật.
"Bão ngầm" có được thành công như hiện tại là nhờ sức hút của trận chiến giữa thiện - ác, chính - tà giữa lực lượng công an nhân dân và giới tội phạm quy mô lớn.
"Bão ngầm" đề cập đến mảng đề tài đắt giá, hấp dẫn. Bên cạnh đó, những pha hành động, sự nam tính mạnh mẽ của tuyến nhân vật công an hình sự... cũng mang đến món ăn tinh thần mới mẻ cho khán giả giữa "cơn bão" phim gia đình.