Vĩ cầm buồn và tiếng ồn ào của đám đông

Google News

Chiều đầu tuần, làm một việc không nên làm, đó là nghe Sad Violin. Bản nhạc không lời “buồn bã nhất thời đại” trên vĩ cầm, như nhiều người gọi thế.

“Bao nhiêu ký ức vui buồn, bao nhiêu nỗi lòng chứa chất dồn thành cơn lốc âm thanh, thổi dạt tất cả những gì cản trở nó trên đường đi, bao trùm lên mọi vật và rứt đứt sợi dây ràng buộc cậu với ngôi nhà nơi cậu sinh ra cùng với gia đình, bố mẹ. Người cậu lắc lư theo nhịp đàn, thoắt nóng bừng, thoắt lạnh toát. Cậu kéo đàn như kẻ bị ma ám, như người lên cơn điên… Cậu không nhận thấy đám đông xung quanh, cũng chẳng hiểu mình đang ở đâu. Hai hàng nước mắt chảy thành dòng, cậu cũng không hề biết. Cho đến khi lảo đảo chực ngã, cậu mới chịu buông vĩ xuống…”.
Vi cam buon va tieng on ao cua dam dong
Hình ảnh của cụ Đỗ Bá Lý- người nghệ sĩ chơi vĩ cầm trên đường phố Hải Phòng lúc sinh thời (Ảnh cắt từ clip Vietnamnet). 
Đó, tất nhiên không phải là cậu bé bên Bờ Hồ. Mà là tiếng vĩ cầm của Paganini – thần đồng vĩ cầm người Ý, sau trở thành nhà soạn nhạc và là cầm thủ violin vĩ đại nhất trong lịch sử. Trên quảng trường Pisa những năm cuối cùng của thế kỷ 18. Trong chuỗi ngày thơ ấu bị người cha nát rượu mê cờ bạc và nợ nần “áp tải” khắp hè phố nước Ý để kéo đàn xin tiền. Một tối mùa đông, trong phòng trọ, chiếc áo duy nhất của cậu bị rút trộm. Hoảng sợ những trận đòn, cậu bỏ trốn ra ngoài đường. Để rồi tiếng vĩ cầm đau đớn lúc rạng sáng nơi hè phố đã đưa cuộc đời Paganini đến một bước ngoặt lớn.
Và tôi, trong giai điệu của Sad Violin, đã chép lại những dòng trên từ cuốn “Paganini” của nhà văn Nga Anatoli Vinogradov dày hơn 500 trang giấy ố vàng in từ ngót 40 năm trước bất chợt thấy nằm hững hờ trên giá sách.
Kinh Thánh hình như có nói cái vĩ (đàn) là “ký ức của Chúa Trời”.
Vi cam buon va tieng on ao cua dam dong-Hinh-2
Bức ảnh cụ Lý chơi đàn được người hâm mộ rửa đóng khung làm ảnh thờ (Ảnh: Vietnamnet) 
Tiếng vĩ cầm sám hối trước sinh linh 504 người vô tội của cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm ở Mỹ Lai vang lên mỗi năm vào ngày 16 tháng 3, hay tiếng vĩ cầm của ông chủ quán bún ốc Hà Nội kéo phục vụ thực khách mỗi ngày, đều cất giữ và phô bày trong nội tâm mỗi chúng ta ký ức của loài người. Đẹp đẽ và thuần khiết nhất, như Mẹ thiên nhiên chưa từng bị giẫm đạp, hủy hoại.
Patner Robot – người máy thế hệ mới của hãng Toyota (Nhật Bản) hồi năm ngoái đã biết kéo vĩ cầm với độ cao độ rung một cách khá uyển chuyển. Ban nhạc toàn robot cũng đã xuất hiện trên đất Nhật. Thế giới cũng đã xuất hiện “nhà soạn nhạc” robot mang nghệ danh Shimon. Trí tuệ nhân tạo cùng các thuật toán học máy được cài cắm vào “nhạc sĩ người Mỹ” này trên cơ sở phân tích hơn 2 triệu điệu thức, hòa âm và đoạn nhạc để sáng tác ra tác phẩm của mình!
Nhưng cái vĩ (đàn) trên tay robot, có chứa được ký ức của đấng Tạo hóa, và của loài người không?
Tôi chưa được nghe tiếng vĩ cầm của cậu bé ở Bờ Hồ, Hà Nội. Mà chỉ nghe thấy tiếng ồn của đám đông. Khắp nơi. Từ hè phố đến mạng ảo. Giá tiếng đàn của cậu được cất lên nhiều hơn, vang xa hơn, thổi dạt đi mọi thị phi đáng tiếc. Giá khi ấy với cây đàn trên tay, cậu đừng nổi giận. Giá cha mẹ cậu đừng quá tập trung vào tiếng ồn của đám đông, để xao nhãng đi tiếng đàn của đứa con mình.
Tôi cũng chưa được nghe tiếng vĩ cầm của cụ già gần cả cuộc đời chơi nhạc dạo mưu sinh trên hè phố Hải Phòng. Mấy ngày trước, trên đường cụ đã bị chiếc xe đầu kéo khổng lồ đâm chết. Cây đàn văng xuống đường, tướp máu.
Nhưng rồi trong đám tang của người nhạc công già nghèo khổ ấy, vẫn lại tràn ngập tiếng vĩ cầm. Những người chơi vĩ cầm trong thành phố đã tìm đến, lập thành một ban nhạc ngẫu nhiên. Để kéo lên những giai điệu thay lời tiễn biệt.
Ừ, vĩ cầm không buồn. Chỉ có chúng ta đem lại cho nhau nỗi buồn…
Theo Trần Tuấn/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)