Tuổi xế chiều của chàng lính trong Biệt động Sài Gòn

Google News

Aly Dũng là nam diễn viên có cảnh đời cơ cực nhất trong dàn nghệ sĩ của phim Biệt động Sài Gòn. Tuổi xế chiều, ông sống một mình trong căn nhà 9m2.

Aly Dũng là gương mặt ít được khán giả nhớ nhất trong phim "Biệt động Sài Gòn", bởi ở tác phẩm đình đám của đạo diễn Long Vân, ông chỉ đóng vai người lính. Tuy nhiên, vào tháng 5/2017, trong chương trình "Hát mãi ước mơ", cái tên Aly Dũng được khán giả nhắc đến nhiều nhất.

Ở tuổi 70, người nghệ sĩ già sống trong cảnh cô quạnh trong căn nhà 9m2, nghèo khó.

Tuoi xe chieu cua chang linh trong Biet dong Sai Gon

Aly Dũng đóng vai lính cận vệ Đại tá Sông trong "Biệt động Sài Gòn".

Tham gia chương trình "Hát mãi với ước mơ", Aly Dũng nhận được sự quyên góp tiền bạc của các đồng nghiệp. Ông đã khóc khi mọi người cố gắng vì mình. Đó là hoàn cảnh hiện tại của ông nhưng ở thời quá khứ, Aly Dũng lại từng là thiếu gia, sống trong gia đình giàu có, không lo ăn lo mặc.

Theo nghệ sĩ, ông sinh năm 1950 trong gia đình có 14 anh chị em. Cha ông là người Việt Nam, mẹ là người Ả Rập. 20 năm đầu đời, Aly Dũng sống như một thiếu gia con nhà giàu. Gia đình ông ở trong tòa biệt thự rộng lớn, có xe hơi đưa đón và người giúp việc. Cuộc sống gia đình của ông chỉ sa sút khi người mẹ qua đời, cha ông vì buồn chán mà sa vào cờ bạc, rượu chè. Rồi gia đình phá sản, người cha bỏ đi, để lại các em cho Aly Dũng chăm sóc.

Tuoi xe chieu cua chang linh trong Biet dong Sai Gon-Hinh-2

Nam nghệ sĩ tuổi xế chiều đã khóc khi đồng nghiệp hát để quyên góp tiền cho ông.

Trải lòng với VTCnews, lúc đó, Aly Dũng chỉ đủ sức chăm lo mấy đứa em nhỏ nhất, những người khác phải tự bươn chải kiếm sống. Nói về tháng ngày gian khổ nuôi em, nghệ sĩ Aly Dũng tâm sự: "Khả năng bươn chải của tôi lúc đó chỉ nuôi nổi 4 đứa em nhỏ nhất. Mấy đứa lớn thì lao ra đời tự kiếm cơm. Vì mồ côi, gia đình khánh kiệt, không được học hành nên vài đứa trở thành dân xã hội đen, chết vì nghiện ngập lúc tuổi còn trẻ.

Những đứa còn lại cũng lớn lên như cây cỏ hoang dại. Có lẽ vì thiếu ăn nên lần lượt bệnh tật qua đời. 14 đứa em tôi đã chết hết khi tôi chưa qua 60 tuổi. Giờ trong nhà chỉ còn mỗi mình tôi còn sống".

Cuộc đời của Aly Dũng thực sự bi đát khi ông kết hôn rồi có một con gái nhưng cuối cùng vợ ông ôm con bỏ đi. Kể từ đó, ông sống cuộc đời hưu quạnh đến ngày hôm nay.

Tuoi xe chieu cua chang linh trong Biet dong Sai Gon-Hinh-3

Nghệ sĩ Aly Dũng trong một vai diễn nhỏ.

Về cái nghiệp đến với phim ảnh, theo nghệ sĩ Aly Dũng chia sẻ trong lúc bán quần áo ngoài chợ trời, ông được nghệ sĩ Thành Trí phát hiện và mời đóng kịch. Sau này, ông có cơ hội tham gia nhiều đoàn kịch nổi tiếng như Cửu Long Giang, Kim Cương, Bạch Lan, đoàn kịch Vui.

Khi chuyển sang đóng phim, ông có cơ hội đảm nhận hơn 100 vai diễn, trong đó có vai tên lính cận vệ của Đại tá Sông trong phim "Biệt động Sài Gòn". Trong một chương trình truyền hình, nam diễn viên tâm sự, ông có thể đóng được nhiều dạng vai khác nhau nhưng chỉ là vai phụ, ít được mọi người biết đến.

Dù cố gắng chăm chỉ nhận show nhưng hơn 40 năm theo nghề, ông không được bằng bạn bằng bè về thu nhập. Hiện thù lao mỗi phân đoạn diễn của ông cao nhất là khoảng 200 nghìn đồng. Có tháng ông được gọi đi diễn hai hoặc ba lần, nhưng nhiều tháng không có vai nào. Ở nhà, ông thường viết kịch bản và mở lớp dạy diễn xuất cho nhiều bạn trẻ không đủ điều kiện đến trường lớp chính quy.

Nghệ sĩ Aly Dũng sống trong căn phòng 9m2.

Thu nhập thấp nên Aly Dũng có cuộc sống vất vả khó khăn, cũng trong chương trình "Hát mãi với ước mơ", khán giả được biết ông sống trong căn hộ 9m2 ở TP.HCM. Sau khi biết hoàn cảnh của Aly Dũng, nhiều khán giả quyên góp, giúp ông có tiền sữa chữa lại căn phòng này để sinh sống. Sau này, có thông tin ông đã chuyển sang căn hộ mới, nhưng do không có nguồn thu nhập nên ông dự tính bán nó đi, lấy tiền gửi ngân hàng rồi ra ngoại thành thuê phòng trọ nhỏ, tìm việc mưu sinh.

Không có cuộc sống giàu sang về mặt vật chất, cuộc sống tinh thần cô đơn không gia đình nhưng Aly Dũng vẫn dành trọn tình cảm cho nghệ thuật. Ông tâm sự: "Tôi vẫn sẽ ráng sống, bám vào nghề để có niềm hạnh phúc, để quên đi những nỗi đau. Tôi mong được sống với nghề đến hơi thở cuối".

Theo GiadinhNet

>> xem thêm

Bình luận(0)