Nghệ sĩ (NS) Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại TP Thủ Đức, trong một gia đình làm nông đông con. Vì ông là con thứ sáu nên mọi người thường gọi ông với cái tên Sáu Văn Hường.
|
Đạo diễn Thanh Hiệp và nghệ sĩ Văn Hường. Ảnh: NVCC
|
|
NSND Lệ Thủy và nghệ sĩ Văn Hường lúc sinh thời. Ảnh: THANH HIỆP
|
Sang trang mới nhờ gặp soạn giả Viễn Châu
Thuở nhỏ, NS Văn Hường mê nghe đài phát thanh, từ đó thuộc nằm lòng rất nhiều bản nhạc, câu hò điệu lý của đờn ca tài tử Nam Bộ. Năm 15 tuổi, ông rời quê lên Sài Gòn mưu sinh, đứng bán quạt giấy, hạt dưa trước rạp cải lương Văn Hảo (rạp Công Nhân - Nhà hát kịch TP.HCM ngày nay).
Theo đạo diễn Thanh Hiệp, lúc sinh thời, NS Văn Hường hay ôn lại chuyện xưa ông vừa đứng bán hạt dưa vừa ngân nga những câu vọng cổ. “Một lần NS Lệ Liễu đi xem hát gặp anh chàng bán hạt dưa có giọng ca mùi mẫn nên rủ ông về quán ca cổ của bà ở cầu Thị Nghè để song ca” - đạo diễn Thanh Hiệp kể.
Cũng tại quán vọng cổ hát cho nhau nghe đó, NS Văn Hường gặp được người thầy của mình, soạn giả NSND Viễn Châu, trong một lần cùng bạn bè đến quán nghe hát. Lúc đó, soạn giả NSND Viễn Châu tỏ ra bất ngờ với chàng trai trẻ có giọng hát “già”, trải đời nhưng khá hài hước. Soạn giả NSND Viễn Châu đã hướng dẫn NS Văn Hường cách ca vọng cổ hài và ông đã nhận “vua vọng cổ” Viễn Châu làm thầy.
“Nhiều bản ca cổ của ông như loạt bài ca Tư Ếch đi Sài Gòn đã trở thành bất hủ, tạo dấu ấn riêng trong lòng khán giả, khó có ai thay thế hay vượt qua được.”
Đạo diễn Hồng Dung
Sau đó, soạn giả NSND Viễn Châu đã sáng tác thể điệu vọng cổ hài, nhằm đưa vào đó sự châm biếm những tiêu cực của gia đình, xã hội, mà nhân vật Tư Ếch là điển hình cho dòng ca cổ hài do ông sáng chế.
Năm 1961, bài Tư Ếch đi Sài Gòn ra đời, đưa tên tuổi NS Văn Hường trở nên nổi tiếng, trở thành “ông vua vọng cổ hài” được đông đảo khán giả yêu mến. “Khi mới được phát hành, các bản thu đã bị chỉ trích rất nhiều nhưng sau đó lại được đông đảo khán giả đón nhận vì mang đậm tính tự sự, nói về những phận người sống tha hương…” - đạo diễn Thanh Hiệp kể.
NS Văn Hường vừa qua đời ở tuổi 90, tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vào tối 7-12 sau khi nhập viện điều trị xuất huyết não cách đây hơn 10 ngày. Tang lễ của NS Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở TP Thủ Đức, lễ nhập quan lúc 6 giờ ngày 8-12, lễ động quan lúc 8 giờ ngày 11-12, sau đó hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Nghệ sĩ Văn Hường, trường phái riêng của vọng cổ
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM vào chiều 8-12, NSND Lệ Thủy cho biết bà và NS Văn Hường gắn bó với nhau từ lúc bà mới 14-15 tuổi nên bà gọi NS Văn Hường là chú.
“Chú Văn Hường là một cây hài đặc biệt của ca cổ. Ngày xưa hài rất ít ca vọng cổ và chú Văn Hường có lẽ là nghệ sĩ hiếm hoi ca vọng cổ hài. Cái “ư hự” của chú rất đặc biệt, như một trường phái rất riêng để chú Bảy Viễn Châu (soạn giả NSND Viễn Châu - PV) khai thác những ca khúc như Tư Ếch đi Sài Gòn” - NSND Lệ Thủy chia sẻ.
Sau đó, NSND Lệ Thủy và NS Văn Hường về đoàn Kim Chung, cùng nhau hát vở đầu tiên là Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. “Lúc đó tôi vào vai Tố Tâm, chú Văn Hường hát vai Tứ Cửu. Cặp đôi này cũng là nhân vật hát nhiều nhất trong vở. Chú Văn Hường ca thể loại hài mới vọng cổ chuyển qua cách ca của chú, còn tôi khi đó 14 tuổi nên ca giọng rất thanh. Tôi nhớ là khán giả rất thích hai nhân vật này.
Từ đó, làng đĩa nhựa người ta mời chú Văn Hường và tôi thâu rất nhiều. Đôi lúc chú và tôi cùng kết hợp, tôi cũng chuyển qua hát hài cùng chú như ca khúc Chuyến xe cuối tuần hay Già Đa dạy lái Honda…” - NSND Lệ Thủy xúc động kể, đồng thời nhớ lại khi đó mình còn nhỏ nên được NS Văn Hường thương như con cháu.
Nói về chất giọng của NS Văn Hường, NSND Lệ Thủy cho rằng đó là điều lạ nhất trong làng hài ca vọng cổ. “Chất giọng của chú rất hay, rất riêng. Sau này, các NS khác như Hề Sa, Thanh Nam, Giang Châu, Phú Quý… cũng học theo nhưng chú vẫn tạo cho mình cái đặc biệt không ai có”.
Còn với đạo diễn Hồng Dung, con gái NSND Năm Châu, NS Văn Hường là tượng đài về thể loại vọng cổ hài nhiều thập niên qua. Trong mảng thu âm, ông là tên tuổi ăn khách hàng đầu của làng ca cổ một thời nhờ giọng hát đặc trưng, cách đặt câu, sắp chữ tự nhiên, nhuần nhuyễn.
Theo bà, sau này dù nhiều người theo đuổi trường phái của NS Văn Hường nhưng ông vẫn ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng nhờ các sáng tác của soạn giả NSND Viễn Châu. “Nhiều bản ca cổ của ông như Tư Ếch đi Sài Gòn đã trở thành bất hủ, tạo dấu ấn riêng trong lòng khán giả, khó có ai thay thế hay vượt qua được” - đạo diễn Hồng Dung nói.
NS Văn Hường chính là người thể hiện bài Tư Ếch đi Sài Gòn của soạn giả NSND Viễn Châu vào khoảng đầu thập niên 1960. Tiếp sau đó là loạt bài ghi dấu ấn của ông như Tư Ếch đi hội chợ, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch đi chợ, Tư Ếch, Đi hát cải lương, Ba ông thầy bói, Làm vua buồn lắm…
Năm 1972, NS Văn Hường và cố NS Thanh Hải lập đoàn hát mang tên Thanh Hải - Văn Hường. Sau ngày đất nước thống nhất, ông cộng tác với Đoàn cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), sau đó về Đoàn cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987, do lớn tuổi, ông từ giã sân khấu về mở quán NS Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM cho đến nay.