Vụ việc một lần nữa là hồi chuông hối thúc các cơ quan chức năng tăng cường quản lý đối với nghệ sĩ vi phạm các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.
Thực tế trên đòi hỏi Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL cần sớm lập “danh sách đen” những nghệ sĩ vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý mạnh tay hơn.
Thù lao làm mờ mắt
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III do Bộ VHTT&DL tổ chức vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Cục Văn hóa cơ sở nhận được nhiều câu hỏi về tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Trước đó, tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật nhiều làm “nóng” các cuộc họp, diễn đàn, mạng xã hội. Thậm chí, vấn đề này đã được các đại biểu đem ra chất vấn lãnh đạo Bộ TT&TT tại Quốc hội (vào ngày 4/11/2022). Điều này cho thấy, việc nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, phát ngôn không chuẩn mực không chỉ là câu chuyện, hiện tượng bình thường… mà dần trở thành một vấn nạn.
Về tình, nghệ sĩ nhận làm quảng cáo cũng vì để có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Đồng thời, nghệ sĩ cũng không đủ khả năng để thẩm định chất lượng sản phẩm. Vì vậy, họ vô tư khi nói về sản phẩm theo kịch bản và nhận về một khoản thù lao. Nhưng nhìn tổng thể, không ai có thể bênh vực cho việc quảng cáo bất chấp, nhất là với sản phẩm liên quan đến sức khỏe người sử dụng.
Đối với các nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng lớn, chúng ta đưa ra những chế tài pháp lý chặt chẽ hơn, bởi họ có ảnh hưởng đến định hướng người tiêu dùng. Dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung cũng đưa ra quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín, nghĩa là chúng ta không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có uy tín khác. Người có uy tín đó sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL Ninh Thị Thu Hương
Đây là vấn đề về nhận thức, về đạo đức; không ai biết việc dùng sản phẩm lâu dài sẽ gây ra tác hại, hậu quả ra sao. Nếu người sử dụng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền mất tật mang thì lời xin lỗi, hứa hẹn đền bù… có khắc phục được hậu quả, thiệt hại gây ra?
Trong thời đại 4.0, việc mua bán hàng online thịnh hành, hàng hóa vàng thau lẫn lộn, người mua thường phải cân nhắc nhiều trước khi chi tiền mua sản phẩm. Vì thế, không phải tự nhiên mà cụm từ "người tiêu dùng thông thái" ra đời. Không thiếu những trường hợp người tiêu dùng mua thuốc, thực phẩm chức năng… vì nghệ sĩ mình yêu thích quảng cáo.
Ở đó, danh tiếng của các ngôi sao, nghệ sĩ, người nổi tiếng là lý lẽ thuyết phục mạnh mẽ công chúng về chất lượng, uy tín của một sản phẩm dịch vụ. Người dân, khán giả tin vào danh tiếng, uy tín nghệ sĩ để mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ mà không kiểm chứng chất lượng.
Từ khi công nghệ phát triển, không ít nghệ sĩ dần dần khai thác chính tên tuổi của mình bằng những hợp đồng livestream bán hàng cho các thương hiệu. Và có những người không xác định được mình là người kinh doanh hay nghệ sĩ, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm và như thế nối tiếp những bất cập... Đây có thể xem là vấn đề về đạo đức nghệ sĩ.
Theo TS Cao Ngọc, nhà phê bình sân khấu: nghệ sĩ hiện đang có nhiều nguồn thu nhập hơn ngoài lĩnh vực chính của họ là biểu diễn, sáng tác. Khi người nghệ sĩ nổi tiếng, bản thân họ trở thành thương hiệu, được nhiều nhãn hàng mời quảng bá cho sản phẩm của mình. Một số nghệ sĩ vì lợi nhuận, vì thu nhập đã không ngần ngại quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội. Những nghệ sĩ này đã vi phạm quy tắc ứng xử văn hóa - quy tắc cần thiết cho những gương mặt đại diện văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Về lý, những nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, với những sản phẩm về sức khỏe thì sự trung thực và đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Trong kinh doanh, lợi nhuận là cần thiết nhưng còn tùy vào mặt hàng và mức độ ảnh hưởng. Các đơn vị quản lý trên không gian mạng cũng cần có trách nhiệm trong vấn đề này. Những video quảng cáo liệu đã được kiểm duyệt đầy đủ? Việc các nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm chỉ là bề nổi của hệ thống quản lý còn khá lỏng lẻo, khi chưa có nhiều quy chuẩn và biện pháp xử lý đủ sức nặng.
Xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật
Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT đang phối hợp xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Chúng tôi mong muốn quy trình này cùng với các quy định pháp luật, xử phạt hành chính liên quan tới lĩnh vực của ngành, một lần nữa sẽ tạo ra ý thức trách nhiệm của chủ thể tham gia, nhất là những nghệ sĩ có tác động lớn đến xã hội. Từ đó, họ ý thức được hành vi, sứ mệnh của mình khi thực hiện các hoạt động, nhất là những hoạt động có liên quan đến quảng cáo, phát ngôn trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VHTT&DL Nguyễn Thanh Sơn
Theo đó, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng… thì ngoài xử lý theo quy định pháp luật, hai bộ đưa vào diện xem xét kiểm soát hạn chế hình ảnh, hoạt động. Quy trình xử lý sẽ là Bộ TT&TT lập một danh sách nghệ sĩ vi phạm.
Bộ VHTT&DL dựa trên danh sách này và mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật, sẽ có hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình để kiểm soát sự hiện diện của những nghệ sĩ này, từ sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đến các hoạt động xã hội.
Theo nghệ sĩ Trung Dân: “Với những nghệ sĩ khi vướng vào những hoạt động quảng cáo sai sự thật hay có những hành vi vi phạm pháp luật khác thì cần phải bị "phong sát". Là người của công chúng, theo tôi, không cần các nghệ sĩ phải hoàn chỉnh 100%, chỉ cần sống trong khuôn phép và đừng vi phạm pháp luật là đẹp rồi. Tất nhiên, nghệ sĩ cũng sẽ có lúc mắc sai lầm hay sa ngã. Nhưng, từ sa ngã lần đầu thì phải biết rút kinh nghiệm để thay đổi thì xã hội, công chúng, nhà nước có thể tha thứ. Còn nếu chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì đã trở thành bản chất”.
Thực tế việc xây dựng “danh sách đen” với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật không mới, là điều nhiều quốc gia đã thực hiện. TS Cao Ngọc chia sẻ, ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc có những chế tài khá mạnh với các hành vi quảng cáo sai sự thật như phạt hành chính rất nặng, cấm tham gia quảng cáo. Nhật Bản cũng yêu cầu nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khách quan.
Hai từ nghệ sĩ rất lớn lao, tự hào và đáng được trân trọng, nhưng nó dễ làm nghệ sĩ chúng ta ảo tưởng, nếu như chính nghệ sĩ không biết tôn trọng và bảo vệ thành quả nghệ thuật.
Đạo diễn Đường Minh Giang
Tại Trung Quốc đã có quy định cụ thể nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng và nghệ sĩ giải trí. Quy định này nhằm tạo cơ chế để những người nổi tiếng khi quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà họ quảng bá.
Còn theo các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho một đầu mối quản lý và kiểm tra để giám sát và đánh giá các quảng cáo từ nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng. Nhà nước cũng cần có hình phạt nghiêm khắc và khoản bồi thường phù hợp cho những người vi phạm quy định về quảng cáo.
Đó có thể là phạt tiền cao, cấm hoạt động quảng cáo hay thu hồi các lợi ích kinh tế, thậm chí là đình chỉ hoạt động nghệ thuật hoặc quảng cáo của nghệ sĩ. Đồng thời với các biện pháp trên, cần tăng cường tư vấn và giáo dục cho nghệ sĩ và người nổi tiếng về đạo đức quảng cáo, trách nhiệm của họ khi phát ngôn, ứng xử trước công chúng.