>>> Mời quý độc giả xem trailer phim "Ngày ấy mình đã yêu". Nguồn Youtube: |
|
Hôm 29/7, hình ảnh một đôi trai gái quan hệ tình dục trong rạp chiếu phim CGV bị phát tán trên mạng. Sự việc đã được CGV Việt Nam xác nhận. Đơn vị này nhận trách nhiệm xử lý nhân viên phát tán hình ảnh.
Nhưng theo nhiều khán giả, sự việc khó có thể dừng lại ở phạm vi một đơn vị phát hành phim mà nên nhìn nhận ở khía cạnh rộng hơn: việc bảo vệ hay xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng từ một đơn vị bất kỳ.
|
Bức ảnh gây xôn xao các trang mạng xã hội. |
Ở đây, CGV hay nhân viên của CGV đã vi phạm những quyền gì và khách hàng bị phát tán ảnh có thể làm gì để bảo vệ bản thân? Về vấn đề này, Zing.vn hỏi ý kiến các luật sư ở TP.HCM.
CGV có trách nhiệm thông báo về camera cho khán giả
Một luật sư và chuyên gia tư vấn luật giấu tên phân tích về sự việc ở khía cạnh pháp lý. Theo anh, Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ 3 quyền gồm Quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, Quyền đời sống riêng tư và Quyền hình ảnh.
Luật sư này phân tích: "Trong đó, Quyền hình ảnh không quy định rằng phải xin phép nếu muốn thu thập hình ảnh mà chỉ quy định phải xin phép khi sử dụng hình ảnh đó. Vì thế, việc đặt camera và thu thập hình ảnh có thể không vi phạm Quyền hình ảnh. Nhưng nó có thể vi phạm Quyền đời sống riêng tư".
Theo đó, Quyền đời sống riêng tư ghi rõ: "2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác".
Theo luật sư, trong trường hợp khách hàng cho rằng đó là thông tin đời sống riêng tư của họ và bị thu thập, lưu giữ thông qua hệ thống camera mà họ không đồng ý thì bắt buộc CGV phải chứng minh điều ngược lại: rằng công ty đã thông tin cho khán giả biết việc có camera trong phòng chiếu.
Nếu CGV không chứng minh được điều đó thì việc thu thập hình ảnh của khán giả là sai, với điều kiện khán giả khẳng định đây là "đời sống riêng tư".
|
Sau vụ việc, nhiều cư dân mạng cho rằng họ chưa từng biết về việc rạp chiếu phim có gắn camera. Ảnh: Zing.vn. |
Khi đó, khán giả có quyền yêu cầu hủy bỏ hình ảnh đó và bồi thường thiệt hại, nếu có. Nhưng việc chứng minh thiệt hại, hoặc ít nhất là xác định rõ số tiền thiệt hại, để yêu cầu bồi thường là rất khó.
Trong tình huống ngược lại, CGV chứng minh được họ đã thông báo về camera cho khách hàng thì hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định nhiều về trách nhiệm bảo vệ thông tin, hình ảnh về người khác đã được thu thập có thông báo.
Như vậy, trách nhiệm của CGV trong trường hợp này còn gây tranh cãi do có nhiều giả thiết và quan trọng hơn, khách hàng bị phát tán ảnh chưa lên tiếng.
Quan điểm của luật sư như sau: "CGV mặc nhiên có nghĩa vụ phải bảo vệ hình ảnh khách hàng, trừ khi có thoả thuận miễn trừ trách nhiệm. Nhưng tiếc rằng luật Việt Nam lại không rõ ràng và chưa có một án lệ nào liên quan về vấn đề này".
Khán giả bị phát tán hình ảnh cần làm gì?
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM), khách hàng bị tung ảnh nóng có nhiều việc cần làm nếu muốn bảo vệ hình ảnh và danh dự cá nhân.
"Đầu tiên, khi xác định hình ảnh của mình bị tung lên các trang mạng trái với ý chí chủ quan của mình, người có hình ảnh bị tung phải xác lập ngay chứng cứ hình ảnh của mình bị tung lên các trang mạng nào", luật sư Phát nhận định.
"Sau khi xác lập các chứng cứ nêu trên, tùy vào mức độ tổn hại của mình, người bị tung ảnh có thể làm đơn trình báo lên cơ quan công an nơi mình cư trú, để công an xác minh, điều tra làm rõ", anh cho biết.
Tùy thuộc vào độ nhạy cảm của hình ảnh làm ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, họ có thể nhờ cơ quan công an khởi tố tội "làm nhục người khác".
Nếu thiệt hại chưa đến mức khởi tố, người bị tung ảnh có thể tập hợp chứng cứ để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) do "xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác", theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Nhưng người bị tung ảnh cần xác định địa chỉ của bị đơn, tức người có hành vi tung ảnh, thì mới có thể tiến hành khởi kiện.
Còn về trách nhiệm của CGV, luật sư Lê Trung Phát nhấn mạnh nhiều hơn vào hành vi cá nhân của nhân viên CGV đã phát tán hình ảnh. "Tất nhiên, việc lắp đặt camera cần có sự thông báo cho khách hàng biết, bởi nó đang ghi lại hành ảnh của cá nhân", anh nói.
"Nhưng hành vi tung ảnh ko phải là sai phạm của công ty CGV trong quá trình làm việc mà chỉ là hành vi chủ quan của nhân viên, không nhân danh công việc, nên CGV không có nghĩa vụ bồi thường hành vi do nhân viên của mình gây ra".
|
Hiện tại, người bị tung ảnh vẫn chưa lên tiếng về sự việc. Ảnh minh họa: Fandango. |
Theo luật sư này, CGV nên đứng ra làm cầu nối để làm việc giữa các bên, nhân viên và người bị tung ảnh. Trong trường hợp phải bồi thường cho bên bị hại, thì CGV nên đứng ra hỗ trợ bồi thường.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết “bí mật đời tư” là những chuyện kín đáo, chuyện muốn che giấu, không muốn ai biết.
Nhân viên trong rạp chiếu phim CGV đã chụp lại hình ảnh của khách và chia sẻ hình ảnh ra bên ngoài, đã xâm phạm bí mật đời tư của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra, người chụp lại hình ảnh “nhạy cảm” của người khác và đưa cho người thân quen sử dụng đưa lên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 2 điều 64 Nghị định 174/2013. Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Hoặc cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Trường hợp các hình ảnh “nhạy cảm” của khách được các cơ quan chuyên môn giám định là thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy thì những người làm ra và đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích phổ biến cho người khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.