Giới nghệ sĩ có thể hiểu nôm na là những người làm nghệ thuật. Nhưng không phải tất cả những tiếng thở dài của dư luận thời gian qua đều do giới nghệ sĩ của nhiều bộ môn tạo thành. Con sâu làm sầu nồi canh là vậy. Cho nên, hãy dùng từ “giới showbiz” cho đúng người đúng việc.
Không phải bây giờ mà từ ngàn xưa, những ai có năng khiếu về nghệ thuật đều nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của người đời. Ngay cả anh chèo đò nghèo Trương Chi mà cũng khiến cô tiểu thư cành vàng lá ngọc Mỵ Nương chỉ nghe tiếng sáo mà mê đắm đó hay sao.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vướng ồn ào tự nhận là 'vua' khi đặt tên phim về mình.
Khi thời đại chuyển mình, giới nghệ sĩ cũng chuyển mình. Dẫu có thăng có trầm nhưng đến lúc này, những người hoạt động trong giới showbiz cũng có được vị trí xã hội và vẻ hào quang rực rỡ mà người thường không có được. Từ chỗ là một nghề, rồi dần dà khái niệm “người của công chúng” ra đời giúp cho các ca sĩ, nghệ sĩ trở thành tấm gương để người khác noi vào.
Một kiểu tóc của ca sĩ cũng có thể mở ra một trào lưu của cả thế hệ. Một phát ngôn của một nghệ sĩ có nhiều fan chỉ qua một đêm có thể là câu cửa miệng của hàng triệu người, nhất là giới trẻ. Mạng xã hội nở rộ đã tạo nên một sự cộng hưởng vô cùng lớn về vai trò của người nghệ sĩ đối với xã hội. Một ca sĩ, MC… không còn là cái nghề đơn thuần mà vô tình trên vai họ còn có sứ mệnh khác: người công chúng. Đã là người công chúng thì phải đẹp, nói phải hay, cách ăn cách nói phải từ tốn đàng hoàng để người khác trông vào.
Tuy vậy, cái gì cũng có cái giá của nó. Đã là người nổi tiếng, đi kèm là mức sống giàu sang, nhà lầu, xe hơi… đủ cả. Đó cũng là lý do vì sao người ta nhìn vào giới nghệ sĩ mà ao ước và phấn đấu, bởi sự hào quang mà định mệnh trao ai có duyên, có tài mới được nhận.
Lẽ thường, khi người ta có cái may mắn hơn bao người khác, càng phải biết trân trọng, giữ gìn và làm cho nó tốt đẹp hơn. Vậy mà chẳng hiểu từ khi nào có không ít nghệ sĩ cho rằng mình là “mẹ của thiên hạ”, khán giả chỉ nên vỗ tay tán thưởng chứ không có được cái quyền chê bai người đứng trên sân khấu. Rồi từ bao giờ, một ca sĩ chưa từng đem vinh quang về cho đất nước Việt Nam khi so kè bạn bè năm châu bốn biển nhưng vẫn mạnh dạn nhận là “vua”, là “king”, là “ông hoàng”.
Trong nghệ thuật, việc xếp ai là “nhất” vốn khá nhạy cảm bởi cảm thụ nghệ thuật tuỳ vào cảm nhận của mọi người. Với tôi, ca sĩ A là đỉnh nhưng với người khác, anh ta chẳng là gì cả. Cho nên, nếu không có thành tích gì vượt trội mà xưng là vua, là chúa thì… tự tin đến mức ảo tưởng.
Như đã nói ở trên, vinh quang của người nghệ sĩ (dễ thấy nhất ở ca sĩ, MC) mang đến cho họ cuộc sống xa hoa mà không phải dân thường nào cũng có. Tất nhiên, để có được điều đó, họ phải phấn đấu hết sức mình, cống hiến trí tuệ và lao động không ngừng. Tuy vậy, điều đó là đáng tự hào hơn là khóc than hay biện hộ rằng cuộc sống đó khó nuốt, vất vả…
Vậy nếu có lựa chọn lại, liệu những ai “đang khóc nhè trên nhung lụa” có chọn một cuộc sống bình thường hay không. Cái gì cũng phải có cái giá tương xứng. Anh không thể đòi hỏi vừa sống giàu sang nhưng lại đòi an nhàn như người lao động bình thường. Đó là quy luật của xã hội.
Vậy thì, do đâu mà một bộ phận nghệ sĩ trong showbiz đang khiến dư luận phẫn nộ như thế? Phải chăng sự ngưỡng vọng quá mức của chính khán giả khiến cho “những thần tượng” có quyền phán xét và suy nghĩ có phần trịch thượng, lệch lạc. Đã đến lúc khán giả phải thể hiện vai trò của mình trong mối quan hệ cộng hưởng này chứ không chỉ là người xem và thần tượng một cách bất chấp.
Thích vẻ đẹp, thích giọng hát thì ai cũng có “gu” của riêng mình nhưng đừng đẩy đi quá xa đến mức cuồng, khi ấy vô tình đặt người thần tượng ở một vị trí tối cao, dễ sinh ra sự kiêu ngạo.
Chẳng ai muốn làm “mẹ thiên hạ” trong mối quan hệ khán giả - nghệ sĩ nên cần lắm một sự bình đẳng như sự tự nhiên vốn có. Anh hát hay khán giả vỗ tay khen, thế thôi ! Còn những giáo điều khác hãy để những người có chuyên môn lên tiếng.