NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939 tại Ba Vì, Hà Nội. Bà nổi danh với vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Nhắc đến vai diễn Thị Nở là người ta nói đến bà vì thế bà vui khi ra ngoài đường có người nhận ra mình và gọi "Thị Nở ơi".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Đức Lưu cho biết, sau khi vào trường Văn công của Tổng cục Chính trị, bà được cử sang trường Điện ảnh Việt Nam khóa I năm 1957 để học cùng với những diễn viên như: NSND Lâm Tới, NSND Trà Giang…
Sau đó bà về xưởng phim truyện (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) làm việc cho tới khi nghỉ hưu. Bà nhận định, Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy là vai diễn định mệnh của mình.
|
Ở tuổi 84, NSƯT Đức Lưu vẫn thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TPHCM để thăm con, cháu, đi từ thiện (Ảnh: Lạc Thành).
|
Thời đó, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đi tìm diễn viên đóng Thị Nở cả năm trời, có đến gần 20 người thử vai này nhưng đều bị trượt.
"Một trưa hè, khi tôi đang ở nhà trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội), thì đạo diễn Phạm Văn Khoa gõ cửa. Nhìn thấy ông ấy, tôi đã biết ngay ông đi tìm diễn viên cho phim của mình.
Sau đó, tôi và ông Khoa nói chuyện và ông ấy đưa kịch bản của phim Làng Vũ Đại ngày ấy cho tôi. Khi đọc kịch bản, tôi cảm giác như "cá gặp nước", vai Thị Nở thuộc về tôi thật là may mắn", bà kể lại.
Bà Đức Lưu nói thêm, bà được "ăn lộc" Thị Nở cả đời. Lộc chính là danh tiếng, vì từ khi vào vai này, ai cũng biết đến bà dù đó không phải là vai diễn dài.
"Lộc của tôi không phải là tiền mà cơ hội làm nghề, được gặp gỡ nhiều người. Sau khi phim Làng Vũ Đại ngày ấy được chiếu, tôi và Bùi Cường (người đóng vai Chí Phèo) được nhiều nơi mời đến nói chuyện, vì thế chúng tôi cũng được "biết mặt, biết tên" hơn.
Ngày đó, chỉ được mời đi nói chuyện thôi chứ không có thu nhập. Chúng tôi vẫn sống bằng đồng lương của nghệ sĩ do Hãng phim trả", NSƯT Đức Lưu tâm sự.
Khi phóng viên hỏi: "Nhiều người nói NSƯT Đức Lưu rất xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, vậy bà có làm hồ sơ đợt này không?".
Nữ nghệ sĩ cho phóng viên Dân trí biết, bà không làm hồ sơ xét duyệt Nghệ sĩ nhân dân vì từ khi nghỉ hưu, bà không tham gia phim ảnh, không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật để giành huy chương.
"Mấy em bên Cục Điện ảnh bảo, cô làm hồ sơ xét duyệt Nghệ sĩ nhân dân đi, bọn cháu giúp làm các thủ tục cho nhưng tôi thấy mình là Nghệ sĩ ưu tú là được rồi, nhiều người còn biết đến tôi hơn cả Nghệ sĩ nhân dân.
Tôi không quan trọng chuyện danh hiệu. Trước tôi nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cũng rất chậm vì không làm đơn xin. Tôi nghĩ cái danh không quan trọng. Thôi mình cứ là nghệ sĩ của nhân dân là được", bà bộc bạch.
|
NSƯT Đức Lưu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam vào tháng 3/2023 ở Nhà hát Lớn, Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
|
Ở tuổi 84, nghệ sĩ Đức Lưu vẫn rất mạnh khỏe và hăng hái với công tác thiện nguyện. Bà có hai con trai đều thành đạt, các cháu giỏi giang.
Trước đây, bà sống cùng con trai út ở Xã Đàn (Hà Nội) nhưng từ khi con trai vào TPHCM sinh sống, bà thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TPHCM để thăm con cháu.
"Hơn một năm trở lại đây, tôi vào TPHCM ở với vợ chồng con út. Thi thoảng, tôi vẫn ra Hà Nội thăm nhà cửa và đi từ thiện ở vùng cao. Dù đã 84 tuổi nhưng tôi không thích ngồi một chỗ. Hàng ngày, tôi dậy từ lúc 6h sáng, ngồi thiền khoảng 1 giờ, sau đó ăn sáng và đưa các cháu đến trường, chiều lại đón các cháu về.
Nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm, các cháu đi học thì bà ở nhà đọc sách, xem tivi. Bà cũng thường xuyên đi dạo phố, gặp bạn bè bằng taxi.
Bà nói: "Tôi hạnh phúc vì các con trưởng thành, các cháu nội cũng rất giỏi giang. Tôi vẫn tự học, học hàng ngày. Tôi muốn dạy các cháu mình phải luôn phấn đấu, dù mình thế nào thì cũng chưa bằng ai, cần phải rèn luyện thêm để có cuộc sống tốt đẹp hơn".
Nữ nghệ sĩ cho biết, ông xã của bà là GS.TS Trần Hạ Phương qua đời đã 10 năm nay. Đôi khi, bà cũng thấy chống chếnh nhưng không buồn. Bà thường nghe nhạc cổ điển không lời, nghe những bản nhạc cách mạng, các bài kinh Phật… mỗi khi nhớ về người bạn đời của mình.
Bà cho hay: "Ngày xưa có chồng, tôi dựa vào anh ấy nhiều. Anh ấy là người nghiêm túc, tôi ảnh hưởng từ chồng nhiều. Khi anh ấy mất, tôi tưởng không đứng dậy được, nhưng cuối cùng tôi vẫn vững vàng, dựa vào con, vào cháu mà sống.
Tôi cũng có khi cô đơn, nhưng sự cô đơn này là do ngoại cảnh. Tôi thấy xã hội phức tạp lắm. Con người giờ thực dụng, tính toán quá, tìm một người đồng cảm với mình rất khó".