Trấn Thành: "Sinh viên Việt Nam không có đơn vị đào tạo chính thống, dùng từ dễ hiểu nhất là "ra hồn"
Vào ngày 16/8 vừa qua, tại một sự kiện về diễn xuất do Kathy Uyên tổ chức, đạo diễn, diễn viên Trấn Thành đã xuất hiện với vai trò khách mời và chia sẻ kinh nghiệm của anh với diễn viên trẻ. Khi bàn luận về diễn xuất của những diễn viên mới vào nghề, anh khẳng định: "Sinh viên Việt Nam thiệt thòi, thiếu thốn vì không có đơn vị đào tạo chính thống, dùng từ dễ hiểu nhất là "ra hồn". Nếu được đào tạo, cọ xát mình mới biết bản thân tới đâu vì nghề này rất chua chát".
Phát ngôn của Trấn Thành ngay lập tức được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi không ít khán giả cho rằng nam nghệ sĩ kêu ca về nghề quá nhiều lần bằng những ngôn từ mạnh như "khó nuốt"; "chua chát", nhiều bình luận cũng chỉ trích những nhận định về việc đào tạo diễn xuất của Trấn Thành có phần phiến diện, đặc biệt gây tổn thương cho những người từng đào tạo anh. Ở phía ngược lại, một số ý kiến bảo vệ Trấn Thành, khẳng định nếu nhìn từ thực trạng các trường Đại học tại Việt Nam, có thể thấy điều Trấn Thành nói hoàn toàn có lý.
Trao đổi với PV Dân Việt, NSƯT Công Ninh, một trong những người từng giảng dạy Trấn Thành tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM cho biết: "Tôi thấy anh Trấn Thành nói vậy hơi thiển cận và hồ đồ. Thực trạng đâu có như anh ấy nói? Làm sao 4 năm trời đào tạo chính quy như vậy lại "không ra hồn" được? Trong khi đó, Trấn Thành từng học ở trường, biết rõ trong trường đào tạo như thế nào, mỗi kỳ thi các thầy cô đều góp ý, nhận xét, phê bình kỹ lưỡng, làm bao nhiêu thứ để có một bài thi chất lượng cho học trò. Họ đều làm vì tâm huyết, vì yêu nghề chứ đâu phải để được một thứ gì đó? Phát ngôn như vậy là rất buồn cười".
Nghệ sĩ Công Ninh cho biết thêm, khi Trấn Thành mới vào trường, nam nghệ sĩ còn chưa có kinh nghiệm về diễn xuất, các thầy cô đã rất tận tình chỉ dạy anh. "Tôi nghĩ có thể Trấn Thành chỉ nói vui, nói vu vơ vậy thôi, cũng không nên coi như một việc gì quá nghiêm túc" - ông nói thêm.
PV Dân Việt cũng đã liên hệ với một số nghệ sĩ từng hoặc đang công tác tại các trường đào tạo về lĩnh vực Sân khấu - Điện ảnh, tuy nhiên họ từ chối bình luận về vụ việc vì không muốn dính vào lùm xùm. Cá biệt, một nghệ sĩ giấu tên cho rằng, đây có lẽ chỉ là cách quảng bá cho một khoá học nào đó.
Ngoài phát ngôn về việc đào tạo diễn xuất, tại sự kiện này, Trấn Thành còn gây chú ý bởi việc bất đồng ý kiến với diễn viên Ngô Thanh Vân. Trong khi Trấn Thành cho rằng: "Nếu không hợp vai thì Trấn Thành diễn cũng chết chứ không riêng các bạn. Các sao Hollywood diễn cũng chết", thì Ngô Thanh Vân bày tỏ quan điểm: "Ở thị trường Việt Nam, diễn viên chuyên nghiệp nhiều khi còn chưa có vai để đi diễn. Diễn viên trẻ làm gì có nhiều cơ hội để đi chọn. Mình muốn là diễn viên thì bất cứ vai diễn nào mình cũng phải làm được".
Nhận định về phát ngôn của Trấn Thành, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Tôi tin chắc rằng, bất cứ người làm nghệ thuật nào được đào tạo bài bản ở Việt Nam cũng cảm thấy bị xúc phạm trước nhận định thiếu suy nghĩ và thiếu hiểu biết của Trấn Thành, khi anh ta phủ nhận toàn bộ những thế hệ nghệ sĩ làm nên tên tuổi của nền nghệ thuật nước nhà.
Ngay khóa đào tạo diễn viên chính quy đầu tiên sau ngày miền Bắc được giải phóng đã tạo nên một “thế hệ vàng” gồm những tên tuổi chói sáng như: Thế Anh, Hà Văn Trọng, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Trần Minh Ngọc, Bích Lân, Xuân Chính... Sự nghiệp đào tạo nghệ thuật đã cung cấp cho nền nghệ thuật Việt Nam những tài năng được ghi nhận ở cả hai cơ sở đào tạo lớn là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM”.
PGS.TS Nguyễn Đình Thi cho rằng, có vẻ như nam diễn viên này rất thích tạo scandal bằng những phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm. Năm 2017, dư luận đã rất đồng tình khi Đài Truyền hình Vĩnh Long cấm sóng Trấn Thành bởi anh này đã để lại những dấu ấn không đẹp từ khi làm vở Tô Ánh Nguyệt ở nước ngoài, rồi liên tục diễn hài tục, hài nhảm…