>>> Mời quý độc giả xem video "Nghệ sĩ Bùi Cường và những điều dang dở". Nguồn VTC: |
|
Từ công nhân điện rẽ hướng sang nghiệp diễn viên
Trước khi đăng ký vào ĐH Sân khấu & Điện ảnh khóa 2, NSƯT Bùi Cường đã tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện rồi về làm việc ở Xí nghiệp Điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội).
Trong thời gian công tác tại đây, ông tham gia đội kịch công nhân thành phố và từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn "Anh Tư".
|
NSƯT Bùi Cường và những vai diễn để đời. |
Trước khi đăng ký vào trường Điện ảnh, ông cũng đắn đo nhiều lắm, mặc dù được một đạo diễn động viên là nên đi thì vì rất có năng khiếu. Lý do nghệ sĩ Bùi Cường do dự là khi đó ông đã bước vào tuổi 25, cũng không còn trẻ để bắt đầu học đại học. Đến ngày cuối cùng, ông mới nhờ người yêu (là vợ ông bây giờ) đi nộp hồ sơ hộ.
Bùi Cường vẫn nhớ hôm thi tuyển, ông diễn vở kịch "Dạy em". Khi đó, đạo diễn Phạm Văn Khoa - thành phần ban giám khảo và cũng là đạo diễn sau này mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo - đã thử phản xạ của Bùi Cường và ông phản ứng rất nhanh, rất chân thật nên trúng tuyển.
Bối rối khi đóng cảnh nóng trong "Làng Vũ Đại ngày ấy"
Là sinh viên già nhất lớp nên Bùi Cường cũng bị hạn chế. Chàng lớp trưởng của lớp diễn viên năm ấy tốt nghiệp xong được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi các bạn cùng lớp liên tục được mời đi đóng phim từ lúc học đại học thì Bùi Cường mất tới 3-4 năm mà chưa có một vai diễn nào gây ấn tượng.
Cơ hội cuối cùng cũng đã tới. Một buổi sáng, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gọi Bùi Cường đến bảo rằng muốn mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo trong "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ngay lập tức, Bùi Cường nhận lời đạo diễn Phạm Văn Khoa nhưng trong lòng cũng vừa mừng vừa lo.
Rồi Bùi Cường nghiên cứu kịch bản và thấy có hai điều đặc biệt ở Chí Phèo, một là dáng đi say rượu, hai là giọng cười đầy riêng biệt của Chí. Ông mất rất nhiều công sức để tập tiếng cười nghẹn ở cổ họng mà ông ví như con chó bị hóc xương. Hay nhiều lần phải uống đến say mềm để có được dáng đi chuệch choạng.
Tuy nhiên, kỷ niệm khiến ông nhớ nhất trong lúc quay Làng Vũ Đại ngày ấy là khi ông và NSƯT Đức Lưu (vai Thị Nở) cùng nhau đến gặp nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên.
Bùi Cường nhớ như in cảm giác đau rát khi bôi loại thuốc đặc trị của phụ nữ sau sinh lên mặt giả làm sẹo. Hôm diễn thử xong, ông còn bị bảo vệ cơ quan đuổi ra vì hóa trang quá xấu đến nỗi không nhận ra.
|
"Cảnh nóng" trong "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ảnh: T.L. |
Phân cảnh vồ ngực người mẫu đóng thế cho nghệ sĩ Đức Lưu khi đang nằm tênh hênh ở bụi chuối cũng từng khiến Bùi Cường phải "dở khóc dở cười" vì phải "rút kinh nghiệm" đến mấy lần. Sự bối rối của ông và bạn diễn khi đóng cảnh ái ân tới nay vẫn làm ông thấy ngại ngùng.
Chết vai Chí Phèo
Công sức cuối cùng cũng đã được đền đáp. Thành công của vai diễn Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" giúp hình ảnh của Bùi Cường đến được với đông đảo khán giả.
Con đường điện ảnh rộng mở, Bùi Cường thử sức với những vai diễn tiếp theo như Mộc trong phim "Không có đường chân trời", Năm Hòa trong phim "Biệt động Sài Gòn"… Sau 15 năm gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Bùi Cường "lấn sân" sang lĩnh vực đạo diễn.
|
NSƯT Bùi Cường trong "Biệt động Sài Gòn". |
Vai Chí Phèo còn mang lại cho nghệ sĩ Bùi Cường Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983). Ngoài ra, ông cũng đạt Huy chương Vàng dành cho đạo diễn (phim "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" - năm 2004), Giải Nhất phim đầu tay của Hội Điện ảnh Việt Nam (năm 1996) với phim "Người đàn bà không con"...
Biết ơn vai diễn Chí Phèo, song NSƯT Bùi Cường không phủ nhận, có lúc ông thấy chạnh lòng vì mình giống như bị “đóng đinh” với hình ảnh này. Ông nói: "Có lúc nghĩ cũng chạnh lòng vì tôi đóng không ít phim hay, làm đạo diễn cũng nhiều thế mà khán giả chỉ nhớ tới duy nhất Chí Phèo. Nhưng thôi nghiệp diễn có một vai diễn để đời cũng là một sự may mắn".