Sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng
NSND Trà Giang sinh năm 1942, là một trong những tượng đài của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bà thuộc thế hệ sinh viên khóa 1 của Đại học Điện ảnh Việt Nam (sau này là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội).
NSND Trà Giang có sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng.
Bộ phim đầu tiên Trà Giang tham gia là Một ngày đầu thu năm 1961. Năm 1962, nữ diễn viên đóng chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, mang về cho bà Huy chương Bạc LHP quốc tế Moskva, Nga.
Hàng loạt phim sau đó lưu dấu ấn của Trà Giang như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (giải "Nữ diễn viên xuất sắc" tại LHP quốc tế Moskva), Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội, Ngày lễ thánh... Bà đồng thời là nữ diễn viên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND và Hội Điện ảnh Việt Nam tôn vinh với giải Thành tựu trọn đời.
Nữ nghệ sĩ nhớ ký ức khó quên về Bác Hồ.
Trà Giang là một trong những diễn viên có đóng góp to lớn cho nền điện ảnh nước nhà. Bà nỗ lực vượt khó, đóng phim trong thời gian khổ để rồi từng bước trở thành ngôi sao sáng trong suốt thập niên 1960 đến cuối 1980. Sau tác phẩm Dòng sông hoa trắng (1989), bà chính thức rời màn ảnh.
Trà Giang cho biết bà chờ vai diễn thích hợp với mình nhưng mãi không có. Đầu thập niên 1990, đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, một loạt phim "mì ăn liền" ra đời. Bà cảm thấy không phù hợp với loại hình này nên quyết định giải nghệ.
Rời nghiệp diễn, Trà Giang luôn giữ ngọn lửa đam mê nghệ thuật. Nhiều năm qua, bà vẫn thường tham gia các lễ trao giải điện ảnh, liên hoan phim. Bà xem đây là dịp kết nối đồng nghiệp, thế hệ đàn em trong nghề, đồng thời "cho đỡ nhớ nghề”.
Trà Giang vẫn gắn bó điện ảnh ngay cả khi đã giải nghệ.
Thỉnh thoảng, nghệ sĩ tham gia các buổi chia sẻ, nhắc nhớ kỷ niệm về nghề. Bà cũng đưa ra lời khuyên cho thế hệ diễn viên đàn con, cháu khi có dịp gặp gỡ trong những sự kiện.
“Để có những bộ phim hay có sức sống qua nhiều thế hệ, ngoài kịch bản hay, tài năng và sự xả thân của đạo diễn, các diễn viên cần có quá trình đào tạo, rèn luyện và trải nghiệm gian khổ mới diễn cho ra thần thái, cá tính nhân vật”, bà từng chia sẻ.
NSND Trà Giang tìm niềm vui bên hội họa sau khi chia tay màn ảnh.
Ở tuổi 82, nữ nghệ sĩ sống một mình trong căn hộ chung cư tại TPHCM. Trà Giang nhiều năm qua khép lại giấc mơ phim ảnh để đến với miền đất mới – hội họa.
Từ suy nghĩ ban đầu dạo chơi, giờ đây bà đã có hàng trăm bức vẽ đủ thể loại, lấy cảm hứng từ phụ nữ, phim ảnh, vùng đất bà đã đi qua suốt thời tuổi trẻ.
Nghệ sĩ tếu táo bảo “vớ” được hội họa như thú vui cứu rỗi sau khi rời điện ảnh. Trà Giang không dám nhận là họa sĩ, chỉ xem mình là diễn viên vẽ. Dù vậy, đến nay bà có nhiều thành tích đáng tự hào qua 10 cuộc triển lãm nhóm, 4 cuộc triển lãm cá nhân.
Sống một mình, an yên tuổi xế chiều
Với Trà Giang, 3 điều quan trọng nhất đời mình là đóng phim, chồng và con gái. Bà tự thấy may mắn vì cuộc đời phẳng lặng, có sự nghiệp tròn đầy, gia đình viên mãn.
Bức ảnh hiếm hoi của Trà Giang bên ông xã và con gái.
Chồng bà là Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Hai người cưới nhau năm 1967, sau này bà cùng chồng chuyển vào TPHCM sinh sống với nhau cho đến khi ông Ngọc mất năm 1999.
Chồng qua đời, bà hụt hẫng, chới với vì cảm giác mình mất đi một điểm tựa. Có thời điểm bà đã một mình ngày qua ngày đối diện với nỗi cô đơn mà không cách nào thoát ra.
Lâu dần nghệ sĩ tập chấp nhận nỗi buồn, đứng lên sau vài lần gục ngã. Bà tin dẫu cuộc sống thế nào cũng phải bằng lòng. Bởi nếu cứ day dứt, vùi đầu vào quá khứ mãi, người ta chỉ tự làm khổ bản thân.
Trà Giang và con gái - nghệ sĩ piano Bích Trà.
Vợ chồng NSND Trà Giang có 1 con gái là nghệ sĩ piano Bích Trà. Từ năm 14 tuổi, Bích Trà đã sang Nga học tập và hiện là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở nước ngoài.
Cứ cách 1-2 tháng, Bích Trà lại về nước làm việc kết hợp thăm mẹ. Ở xa nhà, con gái yên tâm phần nào khi thấy đấng sinh thành vui khỏe.
"Gia đình NSND Trà Giang chính là chuyện một gia đình nghệ sĩ tiêu biểu ở Việt Nam, trong đó tất cả các thành viên trong gia đình suốt đời vì nghệ thuật. Vợ chồng chị Trà Giang đã nuôi con thành tài và tôi nghĩ rằng trong mọi sự hy sinh thì sự hy sinh vì hạnh phúc gia đình, trong đó có sự hy sinh tình cảm có lẽ là hy sinh lớn nhất và khó nhất mà không phải người mẹ nào cũng có thể vượt qua", nhà thơ Dương Kỳ Anh từng nhận xét.
Tổng kết cuộc đời hơn 80 năm, Trà Giang dùng 2 từ “mãn nguyện”. Vì nhìn đời, nhìn người qua con mắt lạc quan, nghệ sĩ tự thấy cuộc đời lúc này bình lặng, hạnh phúc.
Bà suy nghĩ tích cực, tìm niềm vui trong từng khoảnh khắc đời thường. Nghệ sĩ càng không lo nghĩ chuyện một ngày nằm xuống sẽ thế nào. Với bà, cuộc sống lúc này là đếm ngược nên cứ lo trọn cho hôm nay, không nghĩ chuyện tương lai.
“Cuộc đời mỗi người có số phận riêng, không được chọn lựa. Ta cứ tích cực, tự tạo niềm vui, hạnh phúc từ điều bình dị”, nghệ sĩ chiêm nghiệm.