Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển là người đặt nền móng xiếc Việt
Trong đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên (1984), Tạ Duy Hiển (1889 – 1967) là nghệ sĩ duy nhất của ngành xiếc được truy tặng danh hiệu cao quý này. Ông cũng là 3 nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam (tính đến nay) thuộc thế hệ sinh vào những năm đầu tiên của thế kỷ 19 (từ năm 1801 trở về sau) được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Ông cũng là người đã có công khai sinh ra nghệ thuật xiếc Việt và được hậu bối tôn vinh là "ông Tổ ngành xiếc".
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển (áo dài đen) đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương. Ảnh: LĐXVN
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển sinh ra trong một gia đình tiểu thương tại phố Cầu Đất (nay là phố Chương Dương Độ thông ra đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bố ông từng làm nghề phu xe ngựa, mẹ bán lòng lợn ở chợ. Vốn mang trong mình nhiều biệt tài thiên phú nên ông nổi tiếng từ rất sớm. Thời điểm phụ giúp mẹ bán hàng ở chợ Hàng Da, ông đã mê đắm những tiết mục nhào lộn trên không, đu bay, uốn lượn và môn xiếc thú của gánh xiếc nước ngoài. Sau này, ông đã huấn luyện ngựa dùng mõm nhặt tiền, dùng móng gõ xuống đất để đếm nhịp nhằm tạo ấn tượng để lần sau khách tìm đến xe của cha mình.
Đầu thế kỷ XX, có rất nhiều gánh xiếc nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn kiếm tiền như: Đoàn Xiếc mãi võ Sơn Đông của Trung Quốc (1912), gánh xiếc Nhật Bản (1913), sau đó là các đoàn xiếc Bostoc của Anh (1914), Weterway và Harsamtron của Anh (1922), đoàn xiếc Rodéo của Mexico (1927)... Tạ Duy Hiển rất thích xem xiếc và nhận thấy các gánh xiếc nước ngoài được công chúng hâm mộ nhiệt tình. Ông tự hỏi, tại sao người Việt không tự mở một gánh xiếc của mình.
Tượng Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển đặt trong khuôn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: LĐXVN
Gia đình Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển vốn có nghề trồng răng gia truyền nên ông đã đứng ra vay tiền mở một gánh xiếc nhỏ đặt tên là "Xiếc Việt Nam". Gánh xiếc này quy tụ con cháu trong gia đình họ Tạ tham gia. Ông vừa là chủ, vừa làm diễn viên. Gánh xiếc này có buổi biểu diễn đầu tiên tại phố Hàng Da năm 1922 với đầy đủ các tiết mục: xiếc thú, nhào lộn, đi xe đạp, đi dây, hề xiếc… So với các gánh xiếc nước ngoài, gánh xiếc của Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển thuộc dạng "sinh sau đẻ muộn" nhưng ông đã có nhiều ý tưởng sáng tạo để tự xây dựng các tiết mục biểu diễn của mình.
Ngày đó, có gánh xiếc Amstrong của Anh biểu diễn tiết mục chế giễu người Việt, nhân dân rất phẫn uất nên kêu gọi nhau tẩy chay không xem. Họ bị phá sản, buộc phải giải tán gánh xiếc. Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển vay mượn tiền bạc mua lại toàn bộ thú và đạo cụ của gánh xiếc này. Vì thế gánh xiếc của ông càng lớn mạnh, không chỉ biểu diễn trong nước mà còn sang cả Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện…
Khi doanh thu tốt, trang trải hết nợ nần, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển mua khoảng đất rộng ở số 310 Khâm Thiên để xây dựng rạp biểu diễn cố định. Ở đó hiện có một ngõ nhỏ do người dân yêu quý ông đặt tên là ngõ Tạ Duy Hiển.
Các diễn viên trong gánh xiếc của Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển biểu diễn tiết mục "Phi ngựa đánh đàn tứ" được lên tem thư. Ảnh: TL
Rồi chiến tranh, loạn lạc, ly tán, gánh xiếc cũng không dễ hoạt động. Phải đến khi miền Bắc giải phóng, sau năm 1954, gánh xiếc Việt của Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển mới trở lại. Ông bán một số tài sản mua dụng cụ và thú về huấn luyện. Ngày 16/1/1956, hai nhóm xiếc "Vũ đài thủ đô anh dũng" và "Hoa hồng đỏ" sáp nhập đã cho ra đời "Đội xiếc Trung ương" do ông Phạm Xuân Thư làm Đội trưởng.
Ngày 19/5/1958, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển sáp nhập gánh xiếc thú của mình với "Đội xiếc Trung ương", lấy tên là "Đoàn xiếc Thống nhất" do ông làm Trưởng đoàn. Tháng 9/1958, "Đoàn xiếc Thống nhất" được Bộ Văn hóa cho chuyển thành đơn vị nghệ thuật của Nhà nước, trở thành "Đội xiếc Trung ương" với biên chế 47 người, vừa diễn chung với các đội văn công, vừa củng cố xây dựng tiết mục mới. Đến thời điểm này, "Đội xiếc Trung ương" đã trở thành Liên đoàn Xiếc Việt Nam – ngọn cờ đầu của ngành xiếc Việt.
Người đầu tiên huấn luyện thú dữ thành "diễn viên xiếc"
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định, cuộc đời của Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển là một tấm gương sáng để hậu bối noi theo. Cả cuộc đời ông dành trọn vẹn cho xiếc và phát triển nghệ thuật xiếc Việt. Ông luôn nỗ lực sáng tạo để xây dựng các tiết mục xiếc mang đậm bản sắc văn hóa Việt và mãnh liệt truyền cảm hứng cũng như chỉ dạy cho các thế hệ sau.
Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Nhẫn bên tượng của cha mình. Ảnh: TL
Nghệ sĩ Nhân dân đã đào tạo ra một thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng của ngành xiếc như: Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Nhẫn (con trai), Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Hùng, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Khanh, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Kỳ, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Thúy Ngọc, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Thúy Hợi, các diễn viên Tạ Mai Anh, Tạ Thúy Phương, Tạ Duy Kiên. Tiếp nối nghiệp xiếc dòng họ Tạ làm lãnh đạo sau này còn có Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh – nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cháu nội Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển nổi tiếng là một người huấn luyện xiếc thú tài năng, bất cứ loại thú nào ông cũng khuất phục được, bởi tình thương, sự nhẫn nại và sức sáng tạo tuyệt vời. Ông có thể chinh phục từ những con thú dữ như: hổ, báo, sư tử, voi, ngựa đưa từ rừng về hay cả những đàn kiến thợ trong tổ. Ông cũng dàn dựng nhiều tiết mục xiếc mang màu sắc văn hóa dân tộc như phi ngựa đánh đàn tứ, uốn dẻo trên trống cái, voi gắp dùi gõ trống… Ở thời điểm, xiếc thú được biết đến là bộ môn xiếc với động vật hoang dã…
Trong tư liệu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn còn lưu giữ tấm ảnh Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển chụp cùng "chúa sơn lâm" nằm ngoan ngoãn dưới chân vào năm 1924. Trong hồi ký của mình, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết về các loại hình giải trí trên đất Hà Thành thập niên 30 của thế kỷ trước: "Có 3 gánh xiếc Việt Nam tổ chức theo xiếc Âu Tây. Đầu tiên là gánh Lạc Long. Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển. Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn cả vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu - Mỹ".
Tấm ảnh Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển chụp cùng "chúa sơn lâm" năm 1924 hiện đang lưu giữ tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: TL
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Nhẫn – con trai đồng thời là truyền nhân, ngày đó, hễ có bao nhiêu tiền, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển đều mua thêm thú mới và huấn luyện chúng. Ông huấn luyện chúng bằng tình thương và sự nhẫn nại. Ông xem mỗi con thú như con, như bạn của mình nên chăm sóc rất kỹ.
"Bài học đầu tiên thầy Hiển dạy học trò là những bài học cơ bản về cuộc sống, sinh hoạt đời thường. Khóa học đầu tiên với thầy Hiển là cầm chổi quét nhà, phục vụ bản thân, rồi đến việc biết quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng một con thú, hiểu được tập tính, thói quen sinh hoạt của nó. Trước khi làm một diễn viên huấn luyện xiếc thú, người nghệ sĩ phải làm một công nhân đúng nghĩa. Sau đó phải có tình yêu và đam mê với nghề để có thể đi con đường dài vì nghề này quá vất vả, cực nhọc", Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Hùng chia sẻ.
Việc Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển thuần hóa những con thú dữ như: gấu, hổ, báo, sư tử… đưa về từ rừng cũng khiến ông không ít lần bị tai nạn nghề nghiệp. Nhưng có một câu chuyện đặc biệt mà NSND Tạ Duy Hiển làm là huấn luyện cả đàn kiến. Ông có thể dạy cả đàn kiến xếp chữ.
"Trí tưởng tượng của ông rất phong phú, ông mang cả tổ kiến thợ về nhà sau đó dạy cho chúng xếp chữ. Ông làm một cái băng trắng xóa, hai bên bôi hồ vào và viết chữ gì đàn kiến sẽ đi theo hình chữ đó. Đàn kiến xuất phát đi theo đường quy định và chúng sẽ không đi ra ngoài vì bị dính hồ. Cứ thế, kiên nhẫn từng ngày, ông có thể điều khiển cả đàn kiến hành quân từ tổ này sang tổ khác và xếp chữ, đó là niềm đam mê và sự sáng tạo của bố tôi", Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Duy Nhẫn từng chia sẻ.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển mất năm 1967 do bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 78 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chia buồn: "Được biết cụ Tạ Duy Hiển vừa qua đời. Bác rất thương tiếc. Bác thân ái gởi lời chia buồn đến gia quyến cụ Tạ và Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương".