Phòng làm việc của anh Thắng tại Rạp Xiếc Trung Ương chỉ rộng khoảng 16m2. Tại đây, anh trưng bày hàng loạt huy chương, bằng khen, những bức ảnh chụp ảnh với bạn diễn trăn trong gần 40 năm làm nghề.
Ngồi giữa những ký ức của chính cuộc đời mình, anh Thắng viết nốt những dòng kịch bản cuối cùng trong một vở xiếc, chưa được tiết lộ, nhưng đã được anh ấp ủ thực hiện suốt ba tháng nay. Vẫn vóc dáng cao lớn của "chàng Thạch Sanh đánh chằn tinh" trong tuổi thơ của đám trẻ 9X, vẫn mái tóc đặc trưng, có phần đuôi tóc dài chạm gáy. Anh Thắng đứng lên, gần ngay bức ảnh đã chụp cách đây hơn 10 năm, để thấy khuôn mặt, thần thái và phong độ của anh chẳng hề thay đổi.
Năm 1991, cái tên Tống Toàn Thắng lần đầu xuất hiện cùng xiếc trăn và gắn liền với hình tượng Thạch Sanh từ đó. Năm 1993, truyền thông Thụy Sỹ phát sốt với người đàn ông Việt Nam để bốn con trăn quấn quanh người, cùng loạt biệt danh quốc tế như "crazy man", "snake man"… Năm 2019, Tống Toàn Thắng là một trong hai nghệ sĩ xiếc đầu tiên tại Việt Nam được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Đó là những gì khán giả thấy.
"Tôi chỉ gục ngã khi ánh đèn sân khấu đã tắt"
Rumani, Đông Âu, ngày Chủ Nhật mùa đông năm 2003.
Trước buổi biểu diễn, anh Thắng dậy sớm, đi bộ ra quán Internet gần nơi ở để nhận tin tức từ Việt Nam, như thường lệ. Lúc đó khoảng 8h sáng, chỉ có một chiếc mail duy nhất, nhưng anh đã phải mở đi mở lại vì không tin nổi vào mắt mình, trước dòng chữ: "Bố mất rồi anh ơi".
Gần 20 năm ngồi kể lại buổi biểu diễn cuối cùng tặng bố ở quảng trường Rumani, đôi mắt anh Thắng vẫn ngấn lệ. Anh nhớ khi đó mình đã định bỏ lại tất cả để bay về Việt Nam, anh đã khóc không thể dừng trước khi được bác sĩ cho uống thuốc an thần. Nhưng rồi vì bố, và vì khán giả, người nghệ sĩ đã gói ghém mọi thứ riêng tư để bước lên sân khấu, trong hình tượng chàng Thạch Sanh khỏe mạnh, đầy năng lượng.
"Hàng nghìn khán giả vỗ tay tán thưởng tôi nhưng không ai biết, ngay khi tấm màn gió khép lại, tôi đã bật khóc", nghệ sĩ Tống Toàn Thắng kể lại.
Với anh Thắng, việc kiểm soát cảm xúc của bản thân là yếu tố quyết định sự chuyên nghiệp của người nghệ sĩ. Vì theo anh, khán giả luôn xứng đáng được thấy những gì đẹp nhất, tốt nhất trên sân khấu.
Vào nghề từ năm 1978, NSND Tống Toàn Thắng sớm nhận ra chân lý này khi may mắn được tham gia nhiều buổi biểu diễn quốc tế vòng quanh nước Mỹ, Đông Âu, Châu Á… những năm anh chỉ mới 25-27 tuổi. Dù thành danh sớm, nhưng con đường làm nghề của anh không trải đầy hoa hồng.
Năm 1986, đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, xóa bỏ bao cấp. Những nghệ sĩ xiếc như anh bị cắt bỏ nhiều phần chế độ, nhiều người phải bỏ nghề đi xuất khẩu lao động để kiếm sống. Lúc đó, tiết mục mà anh Thắng tham gia có 4 thành viên thì 2 người bỏ ngang. Anh rơi vào trạng thái khủng hoảng, cả về kinh tế và tinh thần.
Một buổi sáng, anh Thắng vô tình xem được hình ảnh một cô gái bị trăn cuốn quanh người trên cuốn tạp chí của Nga. Anh khao khát được thực hiện một tiết mục tương tự, tại Việt Nam, nhưng người diễn chính là nam.
"Tôi bắt đầu tìm hiểu về trăn, lao vào tập luyện để chuẩn bị cho ngày thành lập rạp xiếc Trung Ương năm 1991. Như một cơ hội cuối cùng để làm nghề, và được xuất hiện trong rạp xiếc hiện đại nhất cả nước một lần trong đời", Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Tháng 12/1991, tiết mục "Thạch Sanh đánh chằn tinh, giải cứu công chúa" lần đầu ra mắt đã tạo ra cú nổ lớn. Khán giả ngỡ ngàng trước hình ảnh người đàn ông vạm vỡ quấn quanh người hai con trăn nặng hơn 90kg, có lúc dạo chơi, có khi kịch tính nghẹt thở.
Hình ảnh "hoàng tử trăn" Tống Toàn Thắng từ đó xuất hiện trên hàng loạt các poster quảng cáo, trải khắp đường phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. "Thấy tôi hùng dũng trên sân khấu nhưng khán giả không biết, trước khi diễn xiếc trăn đến một con lươn tôi cũng sợ", anh Thắng bật cười.
Hơn 30 năm diễn xiếc trăn, chàng "Thạch Sanh" đã trải qua trên dưới 20 bạn diễn trăn, có con ở với anh mười mấy năm. Anh từng bốn lần suýt chết vì bị trăn cuốn đến nghẹt thở, cánh tay nham nhở không nguyên vẹn. Những vết sẹo do trăn gây ra trong quá trình luyện tập đều được anh hóa trang, che kín trước khi lên sân khấu.
Với nghệ sĩ xiếc, sự khổ luyện cũng là một yếu tố chinh phục khán giả, nhưng không phải bằng những vết thương mà phải bằng kỹ thuật biểu diễn đỉnh cao trên sân khấu.
Nghệ thuật phải vì khán giả, phục vụ cho khán giả
Những năm 70 - 80, nghệ sĩ đi diễn theo chủ trương "nghệ thuật vị nghệ thuật", tức là nghệ thuật đứng độc lập với đời sống xã hội, chính trị, khước từ sứ mệnh của người nghệ sĩ trong quá trình đấu tranh xã hội. Những vở xiếc được xây dựng theo một quy chuẩn, đôi khi là lặp đi lặp lại và bắt khán giả phải theo.
Theo NSND Tống Toàn Thắng: "Tư tưởng này buộc phải thay đổi nếu muốn nghệ thuật xiếc phát triển. Nghệ thuật bây giờ phải vị nhân sinh, phải vì con người, phải đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả".
Xiếc là loại hình nghệ thuật mang tính quốc tế lớn, có thể kết hợp với nhiều thể loại khác. Để một vở xiếc hoàn chỉnh cần có đầy đủ các yếu tố: tính hấp dẫn, hồi hộp, tính thẩm mỹ và không thể bỏ qua tính chất giải trí. Giải trí trong tác phẩm không phải là chiêu trò câu kéo, không phải là bán hàng chợ, càng không để lu mờ những kỹ thuật đỉnh cao của người nghệ sĩ xiếc.
Trong thời đại 4.0, những đạo diễn sân khấu, những nghệ sĩ cần có sự tìm hiểu về xu hướng, tận dụng lợi thế về sân khẩu, từ âm thành, hình ảnh đến trang phục để xây dựng một kịch bản hoàn hảo.
"Đây là một bài toán khó với người làm xiếc bởi phải cân bằng giữa tính chuyên môn và giải trí. Nhưng cần phải mạnh dạn thay đổi để thích nghi với thị trường, làm sao để xiếc không chỉ phục vụ cho trẻ em mà tất cả đối tượng đều có thể thưởng thức", anh Thắng nói.
Năm 2018, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng tiên phong trong việc khắc họa chân dung người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, bằng hình thức xiếc. Các vở diễn như "Sống mãi Điện Biên"; "Ký ức Trường Sơn"; "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc", "Vòng tròn bất tử", "Huyền thoại mẹ", "Vết chân tròn trên cát"… khi ra mắt đã gây tiếng vang lớn.
Các chương trình xiếc có nhạc sống, kết hợp với các ca sĩ, dàn hợp xướng và các nghệ sĩ xiếc phối hợp nhịp nhàng trên sân khấu. Trước phần biểu diễn, chương trình có phần giao lưu với các nhân chứng lịch sử về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Trung bình mỗi vở, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng mất từ 3 tuần đến 3 tháng để hoàn thiện kịch bản.
Trong các buổi biểu diễn, không chỉ có các cán bộ lão thành mà rất nhiều gia đình có con nhỏ, kể cả các bạn trẻ cũng tới xem. Thiếu tướng Huỳnh Đắc Lương, năm 2019 tròn 100 tuổi, một nhân chứng sống được mời tới vở "Sống mãi Điện Biên" đã nói với anh Thắng: "Tôi không ngờ có nhiều thế hệ đến xem như thế, cuối cùng đã có người mang chúng tôi ra ánh sáng".
"Trách nhiệm của những người nghệ sĩ như tôi là phải mang họ ra ánh sáng, kể những câu chuyện cho mọi người biết về trang sử hào hùng của ông cha. Tôi muốn thế giới nhìn thấy, đây không phải người Việt Nam làm xiếc, mà loại hình xiếc này là thương hiệu riêng của Việt Nam", NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Giờ đây, khi đã lên làm "sếp" (Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam), anh Thắng vẫn nhận đi diễn những vai nhỏ, để điều phối sân khấu, hỗ trợ diễn viên của mình. Đặc biệt, anh vẫn liên tục nhập vai Thạch Sanh, biểu diễn xiếc trăn.
Anh Thắng chia sẻ, khán giả còn yêu cầu mình biểu diễn, còn muốn nhìn thấy mình đứng trên sân khấu tức là những nỗ lực của mình vẫn còn được ghi nhận.