Ngày 26/7, đại diện Hội âm nhạc TPHCM xác nhận với Tiền Phong thông tin nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời sau thời gian trị bệnh. Tang lễ của ông Tôn Thất Lập diễn ra sáng 28/7 tại Nhà tang lễ, đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM. Lễ động quan diễn ra vào 9h sáng ngày 30/7. Linh cữu của tác giả Hát cho dân tôi nghe được an táng tại Nghĩa trang TPHCM.
Sau khi nhận tin nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời, nhiều đồng nghiệp chia buồn. Nhạc sĩ Trần Thế Bảo đăng ảnh Tôn Thất Lập lên trang cá nhân để bày tỏ niềm thương tiếc.
Dưới phần bình luận, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ để lại bình luận chia buồn, trong đó có nhạc sĩ Giáng Sol, nghệ sĩ xẩm Nguyễn Quang Long...
|
Sân khấu chương trình "Đêm nhạc Tôn Thất Lập - Hát cho dân tôi nghe" năm 2022.
|
"Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ, đang tập bài cho đêm nhạc của nhạc sĩ ngày 5/8 mà ông ra đi nhanh quá. Xin tiễn bước người nghệ sĩ tài hoa", ca sĩ Dương Quốc Hưng chia sẻ.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Đà Nẵng, lớn lên ở Huế. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một trong những người tiên phong cho âm nhạc phong trào phản chiến của học sinh - sinh viên. Những bài hát để đời của ông phải kể đến Hát cho dân tôi nghe, Lúa reo trên khắp cánh đồng, Hát cho quê hương...
Ở độ tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn miệt mài với nghệ thuật âm nhạc. Năm 2022, ông có chương trình Hát cho dân tôi nghe, tổ chức tại Nhà hát Truyền hình TPHCM. Đây là sự kiện để ông nhìn lại sự nghiệp hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác nhạc.
Sau thời gian học tập ở Nhạc Viện Hà Nội, ông vào Nam lập nghiệp. Năm 1973, nhạc sĩ Tôn Lập sang Pháp du học, sau đó nhận bằng thạc sĩ Đại học Văn hóa Hà Nội.
Ngoài sự nghiệp âm nhạc có sức ảnh hưởng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TPHCM, Hội nhạc sĩ Việt Nam, làm việc tại Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.