Nhà báo Tạ Bích Loan VTV: "Tôi thường bị... lố giờ khi dẫn sóng trực tiếp"

Google News

Trong mắt và ấn tượng của khán giả về nhà báo, MC Tạ Bích Loan - đó là một người thông minh, mạnh mẽ và bản lĩnh. Nhưng nhắc tới những thành công trong sự nghiệp của mình, chị lại rất khiêm tốn…

Nhà báo, Tiến sĩ Tạ Bích Loan sinh năm 1968, tại thôn Thọ Thái, xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Tốt nghiệp trường cấp III Lý Thường Kiệt Hà Nội, (nay là trường THPT Việt Đức). Chị đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Nga.
Tạ Bích Loan là tác giả kịch bản và dẫn các chương trình Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Người đương thời và Khởi nghiệp... MC Tạ Bích Loan từng được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng tại Việt Nam.
Hiện nay, nhà báo Tạ Bích Loan đang là Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó chị là UV BCH Hội Nhà báo Việt nam.
Nhà báo, Tiến sĩ Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhà báo Tạ Bích Loan cùng đồng nghiệp VTV đã thực hiện nhiều chương trình truyền hình chất lượng, công phu, cảm động, tạo được độ rung động mạnh mẽ đến khán giả. Những năm gần đây, với cương vị Trưởng ban VTV3, Tạ Bích Loan không còn dẫn nhiều vì bận công việc quản lý. Tuy nhiên, khi có những sự kiện và chương trình quan trọng, chị vẫn tham gia dẫn chương trình…
PV đã có cuộc trò chuyện thú vị về nghề báo cùng nhà báo, MC Tạ Bích Loan nhân dịp 21/6.
"Làm chương trình giải trí cũng có nhiều kiểu"
- Nhắc đến nhà báo, MC Tạ Bích Loan người ta vẫn hay thường gọi là "Người đàn bà quyền lực của VTV" hay "Người giữ kỷ lục nhiều show, chương trình ấn tượng nhất", nhưng tôi lại muốn gọi chị với một cái tên khác: "Nhà báo quốc dân" với những chương trình nhân văn, có sức lan tỏa tác động đến cộng đồng.
- Người ta gọi thế cho vui thôi kiểu nói ngược như "Bao giờ trạch đẻ ngọn đa".
Nên có thơ là: "Đàn bà quyền lực là gì? Có bằng đàn cá bơi đi bơi về/Đàn ông quyền lực là chi? Về nhà ăn tối có gì bảo nhau".
- Vì sao Ban Sản xuất chương trình Giải trí lại làm nhiều chương trình có nội dung mang dấu ấn lịch sử - thời cuộc như "Đất nước trọn niềm vui", "Tiếng vọng tình yêu", "Nghĩa tình quân dân", "Quân khu số 1"…?
- Những chương trình giải trí trên truyền hình đại chúng, ở mức độ cao hay thấp đều phải mang dáng dấp của văn hóa tư tưởng. Bởi vì chương trình truyền hình tác động vào nhận thức của người xem đại chúng, và chương trình nào được làm ra nhằm thu hút sự chú ý của số đông cũng sẽ bao hàm một ý đồ và mang một ý nghĩa nào đó gửi gắm tới số đông.
Chính vì vậy cần có những chương trình mang tính định hướng về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, lịch sử… dưới nhiều hình thức trong đó có hình thức giải trí trên sóng truyền hình Quốc gia. Liều lượng và cách thức như thế nào để đảm bảo sự thu hút khán giả chính là câu hỏi đối với những người làm báo.
Một lý do nữa là sự thôi thúc để làm các chương trình có dấu ấn lịch sử và tình yêu Tổ quốc chính là điều ẩn sâu trong mỗi người Việt Nam chúng ta. Điều đó cũng tự nhiên như nghĩa vụ của mỗi người con và cũng là vinh dự của mỗi công dân được nói lên những điều có ý nghĩa với dân tộc chúng ta, về quá khứ và cũng là về tương lai của đất nước mình.
- Sự cần thiết có nhiều chương trình mang tính định hướng là rõ. Nhưng làm thế nào để nó thu hút công chúng, và đáp ứng nhu cầu giải trí sau ngày lao động mệt mỏi?
- Thông tin mang tính văn hóa, tư tưởng đều có khả năng thu hút sự chú ý của khán giả vì sự quan trọng và thiết yếu của nó, nếu như được trình bày một cách dễ hiểu, khơi gợi sự tò mò, thích thú của người xem.
Giải trí không chỉ là nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng mà còn để có trạng thái tâm lý tốt, cân bằng tâm hồn, tạo sự phấn khích lạc quan. Chương trình giải trí hỗ trợ cho việc phát triển trí tuệ, hoạt động tư duy cũng rất phù hợp với tâm lý tiếp nhận truyền thông của đông đảo khán giả xem truyền hình sau những giờ lao động.
Ví dụ như xem "Vua Tiếng Việt" để thử phản ứng nhanh với ngôn ngữ, hoặc "Làng vui" để đoán ra những sản vật và nét đẹp văn hóa khắp các miền quê, thi tài với các em nhỏ trong "Trạng nguyên nhí" hoặc hồi hộp theo dõi ai thắng ai trong cuộc thi tài của công nhân trong "Giờ thứ 9+"…
Hay về "Quân khu số 1", đây là chương trình tôi tham gia bình luận. Nghệ thuật quân sự Việt Nam là một niềm tự hào, một tài sản quý giá được xây dựng trong quá trình giành độc lập tự do của dân tộc, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của những thế hệ người Việt Nam yêu nước, được phát huy rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngày hôm nay trong thời bình chúng ta làm thế nào để gìn giữ và phát huy những di sản tinh thần đó? Thao trường với các tình huống huấn luyện sẵn sàng chiến đấu chính là nơi hàng ngày các chiến sĩ của chúng ta tự rèn luyện mình, từ kĩ năng đến phẩm chất tinh thần để trở thành những con người mạnh mẽ.
"Cuốn sách quân sự hay nhất với tôi là Bộ Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó đặc biệt đáng chú ý là cuốn "Chiến đấu trong vòng vây"", nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.
Với những chương trình mang tính thông điệp và có giá trị văn hóa, lịch sử, chính luận thì cái khó chính là nghệ thuật trình bày chi tiết và câu chuyện, bằng những ngôn ngữ và chất liệu đa dạng để thu hút người xem. Đó là công thức mà các chương trình sự kiện lịch sử của Ban Sản xuất chương trình Giải trí đã áp dụng.
- Hóa ra những chương trình ý nghĩa đó lại là… chương trình giải trí?
- Giải trí có nhiều kiểu. Tôi tin rằng báo chí có tính định hướng nhân văn mới có khả năng tránh khỏi áp lực của nội dung giải trí không thích hợp với nhu cầu của xã hội, loại bỏ những yếu tố không nâng cao những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người.
Chúng ta cần nhiều hơn những chương trình tạo ra những cảm xúc tốt đẹp, tâm trạng lạc quan, khơi gợi hành động tích cực trong xã hội, nội dung gắn với định hướng văn hóa và tư tưởng, đồng bộ với nguyên tắc tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí của chúng ta.
"Tôi thường bị "lố giờ" và bị chê dài khi dẫn trực tiếp"
- Có chương trình nào chị dồn rất nhiều tâm sức nhưng lại không được như kỳ vọng?
- Liều lượng luôn là thách thức lớn khi bạn quá đam mê điều gì đó. Ví dụ với chương trình sự kiện trực tiếp thì tôi thường bị "lố giờ" và bị chê dài.
Đó là một hôm tôi dẫn chương trình trực tiếp dịp Tết. Khi tôi đang thao thao bất tuyệt thì nghe phòng điều khiển chỉ đạo:
"Đoạn này dài sếp bảo cắt đi".
Mấy phút sau lại nghe: "Dài cắt đi".
Rồi lại: "Dài quá, sắp hết giờ, cắt đi".
Chuyện đến đúng lúc hay, không thấy sếp nói gì nữa. Tôi nghĩ bụng: "May quá chắc chuyện hay, được thêm giờ, mình lại… hỏi tiếp".
Hết chương trình trực tiếp, tôi hỏi anh em "sếp nhận xét chương trình thế nào?"
Họ bảo "anh bỏ về lâu rồi".
Đó là một lời nhận xét.
Hãy quay về thời điểm chị bắt đầu với nghề báo. Một sự nghiệp như ngày hôm nay chắc hẳn là điều chị chưa từng nghĩ đến ở thời điểm ấy?
- Theo Tạ Bích Loan, cái khó nhất của người làm truyền hình là dừng lại và suy ngẫm kỹ hơn trong khi ngày phát sóng sắp đến.
- Với nghề truyền hình thì lúc nào chúng ta cũng như mới bắt đầu. Sau mỗi chương trình lại là một chương trình mới. Truyền hình lại khó có gì để lại kiểu như sự nghiệp vì… phát sóng gió bay.
- Dễ để ý thấy, khi nhìn vào những chương trình của VTV3 qua từng thời kì từng dẫn, chị có một sự tiếc nuối, lưu luyến dành cho "Đường lên đỉnh Olympia"?
- Đó là thời VTV3 mới ra đời, người dẫn vừa viết kịch bản, đạo diễn, rồi tự dẫn chương trình nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Nhưng rất hồi hộp và đầy thách thức nên mình có niềm vui của sự bỡ ngỡ. Bao giờ những thuở ban đầu cũng nhiều lưu luyến phải không bạn?
- Chị có nghĩ việc mình trải qua nhiều gập ghềnh trong nghề - điều đó cho mình nhiều động lực và cả những ý tưởng không?
- Động lực trong nghề nghiệp của chúng ta thì có từ nhiều yếu tố như: được làm việc với người giàu năng lượng và ý tưởng, được lãnh đạo tạo cơ chế, cho cơ hội làm việc, rồi sự thay đổi và thách thức liên tục cũng tạo ra động lực, và điều quan trọng nhất tạo ra động lực chính là được làm những việc có ý nghĩa.
- Và cái khó nhất của người làm truyền hình phải chăng là vượt qua chính mình?
- Là dừng lại và suy ngẫm kỹ hơn trong khi ngày phát sóng sắp đến. Và thách thức lớn nhất của nghề truyền hình là làm thế nào để nhân vật nói đúng ý mình. Một lần trong một chương trình trực tiếp, có nhân vật bất ngờ khi gặp người bạn cũ lâu ngày chưa gặp.
Cuộc gặp bất ngờ là phút cảm động cao trào nhất. Tôi hỏi: "Bao lâu các anh chưa gặp nhau?" Nhân vật trả lời: "Cũng lâu rồi đấy, mấy tháng rồi chưa gặp nhưng anh em tôi vẫn điện thoại thường xuyên".
"Cuối tuần dành hết hẹn cho… nhiều người"
- Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang theo nghề báo và đam mê nghề báo?
- Có một chuyện nhắc chúng ta tỉnh táo, tránh bệnh nghề nghiệp:
"Tòa soạn ngồi họp bàn đề tài mê mải
Một phóng viên hớt hải chạy vào
Tòa nhà bị cháy, thang máy tắc rồi.
Các nhà báo đứng vọt dậy hô lớn: có tin hay rồi anh em ơi!"
- Nếu nhìn lại, chị thấy cái mình được nhất từ nghề này là gì?
- Là được cảm nhận nguồn năng lượng từ những con người Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện của họ, và chia sẻ để nhân lên những bài học hay. Những người làm báo chúng ta được đóng vai trò cầu nối lan tỏa những câu chuyện bình dị và sâu sắc của người Việt Nam tới người Việt Nam, đó vừa là nghĩa vụ và niềm vui nghề nghiệp.
- Ở cuộc sống hiện đại, chúng ta vẫn thường trách nhau không đủ thời gian dành cho gia đình. Bản thân chị là một người rất bận rộn. Chị đã sắp xếp thời gian thế nào?
- Tôi đọc bạn mấy câu thơ này nhé, đó cũng là đặc thù nghề nghiệp của chúng ta:
"Cuối tuần này em có giống tôi
Dành hết hẹn cho một người
Dành cho nhau những điều rất thật
Để em thấy em trong tôi"
Với nghề báo và nhất là truyền hình thì cuối tuần dành hết hẹn cho… nhiều người.
- Hãy nói một chút về niềm đam mê của chị đi - triết học. Câu triết lý nào về cuộc sống chị tâm đắc nhất?
- Đó là câu nói của Oscar Wide, "Đằng sau một thánh nhân luôn là một quá khứ, và trước mặt một tội đồ luôn là một tương lai".
- Đằng sau một phụ nữ tươi vui là?
- Là một dãy núi trùng điệp gồm gia đình, đồng nghiệp, sếp, khán giả, thầy cô giáo, bạn bè… Chưa kể đến Yoga!
Theo Hương Hồ/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)