Người mẫu Trung Quốc phải bán hàng online vì Covid-19

Google News

Không thể sải bước trên các sàn diễn quốc tế, nhiều người mẫu trẻ ở xứ tỷ dân phải livestream bán hàng để duy trì danh tiếng và kiếm thêm thu nhập.

Buổi trình diễn của thương hiệu lừng danh Pierre Cardin tại Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Bắc Kinh năm 1979 là lần đầu tiên công chúng Trung Quốc được tiếp cận với nghề mẫu.

Kể từ đó, nơi đây trở thành quê hương của nhiều thế hệ người mẫu quốc tế, điển hình là các gương mặt trẻ như Liu Wen, Ming Xi và Sui He.

Điểm chung giữa 3 cô gái này là sở hữu độ nhận diện công chúng cao, từng làm mẫu cho nhãn hàng cao cấp và sải bước trên các sàn diễn quốc tế.

Điều này không chỉ giúp họ trở thành những cái tên quen thuộc với làng mốt thế giới mà còn được công nhận ở quê nhà.

Nguoi mau Trung Quoc phai ban hang online vi Covid-19

Nguoi mau Trung Quoc phai ban hang online vi Covid-19-Hinh-2

Độ nhận diện trong làng mốt quốc tế giúp nâng cao vị thế của người mẫu Trung Quốc tại thị trường nội địa. Ảnh: Getty.

Nổi tiếng quốc tế để giữ danh tiếng nội địa

Theo SCMP, ngành thời trang Trung Quốc rất coi trọng vị thế trên trường quốc tế của người mẫu. Các chàng trai, cô gái làng mốt buộc phải cạnh tranh gay gắt để góp mặt trong các buổi trình diễn ở nước ngoài. Nhờ đó, danh tiếng và cơ hội việc làm tại quê nhà của họ mới được đảm bảo.

Tuy nhiên, tấm vé tham dự show diễn của nhà mốt Âu Mỹ không dễ gì giành được. Bên cạnh những chuẩn mực gắt gao dành riêng cho mỗi chương trình, người mẫu Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển giữa các nước.

“Chúng tôi thường phải gia hạn visa, không thể cứ muốn là đi được”, Hu Yifu, người mẫu thuộc công ty Long Teng, nói. Cô chia sẻ rằng bản thân và các đồng nghiệp phải tận dụng mọi cơ hội ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp.

Nguoi mau Trung Quoc phai ban hang online vi Covid-19-Hinh-3

Người mẫu Trung Quốc phải tận dụng mọi cơ hội ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp. Ảnh: Jing Daily.

Thông thường, các người mẫu sẽ tham gia hàng chục buổi phỏng vấn trong một ngày. Họ sẽ được trả khoảng 235 USD cho mỗi show, nhưng thù lao có thể lên tới 4.700-5.900 USD nếu được diễn cho các nhãn hàng xa xỉ.

Nhưng vì đại dịch Covid-19, đa số công ty người mẫu nước này không muốn cử nhân viên ra nước ngoài làm việc. Dù xuất phát từ mong muốn đảm bảo an toàn và tuân thủ lệnh hạn chế di chuyển, điều này lại ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của người mẫu.

“Giá trị ở thị trường nội địa của người mẫu Trung Quốc phụ thuộc vào số lượng show diễn nước ngoài họ tham dự. Nếu không được chú ý tại sàn diễn quốc tế, sự nghiệp của họ ở quê nhà sẽ bị tổn hại nặng nề”, Wu Wenyuan, nhà tuyển dụng thời trang, nói.

Ảnh hưởng từ xu hướng livestream

Để duy trì độ nhận diện công chúng và kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch, nhiều người mẫu trẻ chuyển sang livestream bán hàng cho các thương hiệu nội địa. Giờ đây, họ có thể kiếm từ 150-300 USD/giờ phát sóng trực tiếp trên Taobao - mức lương cao hơn cả những người mẫu ngoại quốc.

Momo, người đại diện kỳ cựu từng làm việc cho công ty URBN tại Milan (Italy), cho biết dù thị trường Trung Quốc đang dành sự ưu ái, nhiều gương mặt trẻ vẫn khao khát được tỏa sáng trên sàn diễn quốc tế.

"Dù được trả thù lao hậu hĩnh từ những công việc liên quan tới thương mại điện tử, không ít mẫu nam, mẫu nữ trong nước quan tâm nhiều hơn tới việc góp mặt trên các tạp chí thời trang cao cấp và diễn cho các thương hiệu xa xỉ. Sự thật là không phải ai cũng thành công", cô giải thích.

Nguoi mau Trung Quoc phai ban hang online vi Covid-19-Hinh-4

Không ít người mẫu trẻ chuyển sang livestream cho các thương hiệu nội địa để kiếm sống và duy trì độ nổi tiếng với công chúng trong nước. Ảnh: CGTN.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây và phương Đông không có nhiều điểm tương đồng, khiến người mẫu gặp khó khăn khi hoạt động tại quê nhà sau khi "chinh chiến" các buổi diễn quốc tế.

"Tôi lo rằng hơn 50% người mẫu Trung Quốc sẽ mất việc trong tương lai", Peter Xu, blogger thời trang đình đám xứ tỷ dân, bày tỏ. Anh từng làm việc với nhiều tên tuổi lớn trong làng mốt và sở hữu lượng theo dõi khủng trên mạng xã hội.

Ngày nay, các KOL có thể tận dụng các nền tảng nội địa để phát huy ảnh hưởng trên mạng xã hội. Năm 2019, Haodong Zeng, một người mẫu thuộc công ty Esee, đăng tải nhiều video về bản thân lên nền tảng chia sẻ video lớn hàng đầu Trung Quốc Bilibili.

Những đoạn clip này thu hút hơn 162.000 người theo dõi và đem lại cơ hội việc làm cho Zeng ngay cả trong mùa dịch. "Nhiều nhãn hàng trực tiếp nhắn tin cho công ty và làm việc với tôi thông qua Bilibili", mẫu nam nói.

Ngược lại, giới mẫu chính chuyên lại không thể sử dụng các ứng dụng quốc tế như Instagram, YouTube, Facebook... để giao lưu với người hâm mộ và kết nối với đối tác.

Theo Trang Minh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)