Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời, tôi mất đi một phần tuổi thơ

Google News

"Khi nghe tin nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời, tôi như mất đi một phần của tuổi thơ", độc giả Hoàng Nguyễn chia sẻ.

Thông tin nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, đau xót và tiếc thương.
Bên cạnh những độc giả ngậm ngùi nhớ lại các vai diễn ấn tượng của nghệ sĩ gốc Hà Nội, nhiều ý kiến cũng cho rằng nghệ sĩ Phạm Bằng là một trong những dấu ấn tuổi thơ của các thế hệ 8X và 9X đời đầu.
Một phần tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X
Không khỏi đau xót trước thông tin nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời, bạn đọc Hà Nguyễn cho biết rất bất ngờ trước sự mất mát của nam diễn viên bởi chưa từng nghe tin ông lâm bệnh.
Cùng suy nghĩ, độc giả Trần Thị Ngân bày tỏ: "Vẫn biết trần gian là cõi tạm nương nhưng con bàng hoàng khi nghe tin bác mất. Con rất thích xem những bộ phim bác diễn nhưng giờ đây chỉ còn là ký ức".
Nghe si Pham Bang qua doi toi mat di mot phan tuoi tho
Nghệ sĩ Phạm Bằng hưởng thọ 85 tuổi. Ảnh: Hải Thanh. 
Không ít bạn đọc tỏ rõ đau buồn bởi từ nay sẽ không được xem các tiểu phẩm hài có vai diễn nghệ sĩ Phạm Bằng. Đặc biệt là những thành viên thuộc thế hệ 8X và 9X đời đầu, một lứa khán giả có tuổi thơ gắn liền với những vai diễn của nghệ sĩ gốc Hà Nội.
"Ở cái thời đại của những lứa 8X, 9X đời đầu ấy, làm gì có các chương trình giải trí, nghệ thuật hay máy tính hiện đại như bây giờ. Hầu hết các gia đình cũng như những cô cậu học trò đều sốt ruột mong tới ngày nghỉ để được xem Gặp nhau cuối tuần, một trong những chương trình 'hot' nhất thời này", bạn đọc Lan Anh viết.
Theo đó, không ít khán giả từng mê đắm cố nghệ sĩ Phạm Bằng qua màn hoá thân hình ảnh ông sếp xu nịnh với chất giọng đặc sệt "quan liêu" nhưng không kém phần hài hước trước sự kèn cựa của 2 nhân viên Thắng "vẹo" (nghệ sĩ hài Quang Thắng) và Khánh "râu" (nghệ sĩ Quốc Khánh) cùng cô bồ nhí Vân Dung trong các tiểu phẩm Chuyện của sếp.
Dường như có duyên với vai lãnh đạo trong nhiều tiểu phẩm, cố nghệ sĩ cũng được nhiều người nhớ tới với cái nghệ danh "Bằng hói" khi để lại dấu ấn sâu đậm với vai cán bộ chuyên hạch sách, bắt bẻ người dân trong tiểu phẩm Con dấu.
"Làm sao có thể quên màn tung hứng giữa sếp 'Bằng hói' và anh Công Lý với những lời nói thâm thuý, lên án thói quen nhận tiền đút lót của một số cơ quan. Không chỉ riêng Gặp nhau cuối tuần, mà bất cứ chương trình nào có nghệ sĩ Phạm Bằng, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung đều đặc biệt thu hút tôi", độc giả Quang Huy chia sẻ.
Nhớ lại những ngày thơ ấu thường xem tivi với bà, bạn đọc Quang Nguyên cho biết vì thích nghệ sĩ Phạm Bằng nên anh và bà không bỏ sót bất kỳ chương trình Gặp nhau cuối tuần nào.
"Từ ngày lớn lên, bà mất, cháu ít xem tivi hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn mở YouTube xem hài chú diễn. Cháu sẽ luôn yêu mến và nhớ mãi những tiểu phẩm hài chú tham gia", anh tâm sự.
Nhắc lại ấn tượng với người nghệ sĩ già, độc giả Hoàng Nguyễn cũng chia sẻ niềm yêu thích với nhiều vai diễn của ông trong những tiểu phẩm hài tham gia cùng diễn viên hài Quang Thắng.
"Không chỉ đem tiếng cười đến cho mọi người, những vở hài kịch nghệ sĩ Phạm Bằng tham gia cũng đều bóng gió chỉ ra thói hư, tật xấu trong xã hội bằng những góc nhìn hài hước, thú vị. Những câu nói, hoạt cảnh đánh trúng tâm lý người xem luôn để lại những nhớ nhung sâu sắc", bạn đọc Hoàng Anh viết.
Đối với anh, tin nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời như lấy mất đi một phần tuổi thơ của bản thân. Với anh, cố diễn viên gốc Hà Nội không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là một trong những ký ức ăn sâu vào biết bao thế hệ.
Những năm gần đây, nghệ sĩ Phạm Bằng diễn thưa hơn những năm trước. Ông hầu như chỉ tham gia dăm ba vai hài nhỏ hay các bộ phim truyền hình. Thế hệ 8X, 9X cũng đã lớn khôn, ai nấy đều có công việc, gia đình, bận rộn cuốn vào guồng quay của cuộc sống.
Những tưởng một thế hệ đã quên người nghệ sĩ năm nào nhưng nếu hỏi đến những vai diễn cuối của sếp "Bằng hói", không ai không biết tới vai quan liêu, tri phủ hống hách, ngang tàn, keo kiệt và háo sắc trong tác phẩm Chôn nhời dịp Tết 2014, 2015.
Nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách sống của nghệ sĩ Phạm Bằng. Dù làm nghệ thuật nhưng ông vẫn luôn giản dị, thân thiện và trọn tình nghĩa với người đời. "Hình ảnh của ông sẽ mãi vẹn trong lòng công chúng", nick name Hoài An bày tỏ.
Nghe si Pham Bang qua doi toi mat di mot phan tuoi tho-Hinh-2
Nghệ sĩ Phạm Bằng trong tiểu phẩm Chôn nhời, một trong những vai diễn cuối cùng của ông. 
'Một năm buồn của ngành nghệ thuật'
Không chỉ có những người hâm mộ, nhiều nghệ sĩ gạo cội như Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng bày tỏ sự đau xót trước sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng.
Đối với nhiều nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ Phạm Bằng như một người thân thiết khi nhiều năm cùng nhau gắn bó trong chương trình Gặp nhau cuối tuần...
Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Vân Dung không giấu nổi niềm tiếc thương khi chia sẻ: "Sao bố đi đột ngột thế, không nói gì với anh em đội hài chúng con? Bố đang giận hay sao mà không nói một lời? Bố đừng ra đi vội vã thế? Sao những người thân yêu của đội hài cứ lần lượt ra đi? Con không muốn thế đâu. Về với anh em đi bố!".
Đó cũng là nỗi lòng của nghệ sĩ Chí Trung trên mạng xã hội. Không chỉ bất ngờ trước tin buồn về sự mất mát, nam diễn viên cũng tỏ rõ sự đau đớn khi không có mặt cạnh nghệ sĩ Phạm Bằng giây phút cuối cùng.
Bên cạnh những tổn thương tinh thần trước sự gia đi của sếp "Bằng hói", nhiều độc giả cũng buồn bã trước việc những nghệ sĩ gạo cội lần lượt về cõi tạm trong năm nay.
Độc giả Vỹ Trần bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của các NSƯT Văn Hiệp, Hán Văn Tình, Phạm Bằng. Cô cho rằng, sự mất mát này quá lớn, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho công chúng. Và từ đây, ngành nghệ thuật mãi vắng bóng những người nghệ sĩ cống hiến hết mình.
"Nhiều diễn viên hài nổi tiếng, chiếm tình cảm của người xem lần lượt ra đi. Dù biết trước quy luật cuộc sống, nhưng lòng tôi vẫn quá hụt hẫng", thành viên Huỳnh Trung chia sẻ.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim, diễn hài.
Ông từng đoạt hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương.
Với điện ảnh, ông ghi dấu trong phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ. Ông là một trong những nghệ sĩ không thể thiếu của chương trình Gặp nhau cuối tuần.
Nghệ sĩ gốc Hà Nội trút hơi thở cuối cùng lúc 20h ngày 31/10, sau 2 tháng điều trị bệnh viêm gan và viêm mật.
>>> Mời quý độc giả xem video nam ca sĩ Minh Thuận qua đời (nguồn VTC):
Theo Anh Thư/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)