Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành Quyết định số 538/QĐ-SVHTT bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc Sở để thực hiện hỗ trợ đối với các viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong tháng 8, 99 viên chức đã được hỗ trợ. Họ là đạo diễn, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV của 6 nhà hát trực thuộc Sở: Ca múa nhạc Thăng Long, Chèo Hà Nội, Cải lương Hà Nội, Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Múa rối Thăng Long, Kịch Hà Nội. Mỗi cá nhân nhận được số tiền hỗ trợ 3,71 triệu đồng.
Tranh luận xung quanh gói trợ cấp
Danh sách 99 viên chức nhận hỗ trợ lần này có một số nghệ sĩ được nhiều khán giả biết đến như diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Mạnh Cường, ca sĩ Đông Hùng... Họ thuộc nhân sự của các nhà hát nói trên.
Thông tin này gây ra phản ứng trái chiều từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ chưa hợp lý. Có những trường hợp khó khăn hơn như nhân viên hậu đài, kỹ thuật... lại không đủ điều kiện để được giúp đỡ.
Diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương chia sẻ họ cũng bất ngờ khi biết mình có tên trong danh sách. Họ mong muốn gửi lại số tiền 3,71 triệu đồng cho Nhà hát Kịch Hà Nội để giúp đỡ những đồng nghiệp khó khăn hơn.
Hồng Đăng bày tỏ: "Trong thời điểm này, chúng ta càng trân trọng tình cảm yêu thương, sự chia sẻ mà mọi người dành cho nhau. Các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ dù bằng cách này hay cách khác đều đáng quý, là ước muốn cho những ai đang khó khăn bớt đi sự vất vả.
Mỗi người tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình, lựa chọn những hành động ý nghĩa, cùng nhau lan tỏa giá trị tích cực. Nếu như cuộc sống có những gì chưa đúng, chưa hoàn thiện, hãy nghĩ đó chỉ là điều không may xảy ra và bản thân tự điều chỉnh, khắc phục cho mọi thứ tốt hơn".
|
NSND Trung Hiếu cho hay nhà hát gửi danh sách nhận hỗ trợ theo đúng quy định của Sở. Ảnh: NVCC.
|
Trao đổi với Zing, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, cho hay nhà hát gửi danh sách viên chức theo đúng quy định của Sở. Bản thân các nghệ sĩ cũng không biết mình có tên cho đến khi nhận được khoản tiền hỗ trợ.
"Một số bạn đã gọi cho tôi, nói rằng sẵn sàng giúp các đồng nghiệp khó khăn hơn. Trong 99 viên chức được hỗ trợ lần này, chỉ có một vài người nổi tiếng vì tham gia đóng phim. Đa phần còn lại có cuộc sống vất vả khi phải xoay xở trong mùa dịch. Từ năm 2020, nhà hát cũng lập một khoản quỹ nhỏ để giúp đỡ anh em.
Khi đọc những thông tin tranh cãi, tôi cũng cảm thấy buồn. Đây là chủ trương chung. Chúng tôi không thể lựa chọn ai được, ai không được. Tất nhiên, theo tôi, có những điểm trong quy định cần được điều chỉnh để phù hợp thực tế", nghệ sĩ Trung Hiếu chia sẻ.
Nhân viên hậu đài cũng cần được hỗ trợ
NSND Trung Hiếu cho biết khi gửi danh sách diễn viên hạng tư lên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội theo đúng quy định, anh cũng gửi kèm kiến nghị từ phía nhà hát.
"Nhà hát còn nhiều trường hợp khó khăn hơn như anh em hậu đài, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, phục trang, hóa trang... Lương của họ chỉ trên dưới 3 triệu đồng hoặc 1,5 triệu đồng. Họ cũng rất cần được hỗ trợ lúc này. Khi tôi gửi đề xuất, Sở phản hồi rằng sẽ có cuộc họp và kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch", Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nói.
Đồng quan điểm với NSND Trung Hiếu, NSƯT Tấn Minh (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) cho rằng mục đích của chính sách hỗ trợ nghệ sĩ lần này ý nghĩa và nhân văn. Khoảng hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hát hầu như không có hoạt động biểu diễn. Những nghệ sĩ tỉnh lẻ đang sống tại Hà Nội chật vật mưu sinh, trả tiền thuê nhà hàng tháng.
|
NSƯT Tấn Minh cho rằng chính sách hỗ trợ nghệ sĩ còn những bất cập và cần thay đổi. Ảnh: NVCC.
|
Theo anh, những tranh cãi vừa qua đến từ việc chính sách hỗ trợ còn một số bất cập, chưa sát thực tế.
"Theo quy định, nghệ sĩ hạng IV (tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp) được nhận tiền hỗ trợ. Điều này không sai nhưng theo tôi thì chưa thực sự trúng đối tượng.
Tôi nghĩ không nên phân biệt viên chức hạng ba hay hạng tư, vì lương khởi điểm không chênh lệch quá nhiều. Nhiều trường hợp viên chức hạng ba cũng khó khăn, lương trên dưới 3 triệu đồng", Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nêu ý kiến.
NSƯT Tấn Minh bày tỏ một điểm chưa hợp lý nữa là gói hỗ trợ hiện nay chỉ dành cho đối tượng diễn viên, nghệ sĩ. Những bộ phận khác như kỹ thuật, âm thanh, phục trang... chưa được ưu tiên.
"Để một tập thể được thăng hoa, những người đứng sau cánh gà rất quan trọng. Cuộc sống của họ khổ hơn diễn viên vì không có cơ hội kiếm thêm thu nhập bên ngoài. Họ trông đợi vào tiền lương cơ bản và khoản bồi dưỡng hàng đêm. Nhưng bây giờ, nhà hát hoàn toàn không có lịch diễn".
Theo Tấn Minh, để việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, Sở có thể giao cho các đơn vị, nhà hát tự rà soát và lên danh sách. Anh nói: "Khi cả một tập thể rà soát, sẽ không có chuyện ưu tiên ai. Hơn nữa, bản thân nghệ sĩ cũng rất tự trọng trong việc cho nhận. Tôi mong cấp quản lý có sự điều chỉnh kịp thời".