Cuối thập niên 80, khi đang là sinh viên ở Paris, cô gái Nhật Bản Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam - trong đó có âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Lúc này, nhạc sĩ họ Trịnh đã ngoài 40 tuổi và chưa một lần kết hôn, dù trước đó xung quanh ông là biết bao nàng thơ. Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Michiko Yoshii thời trẻ
Luận án cao học và âm nhạc đã nhen nhóm một tình yêu đặc biệt, vượt khoảng cách ngôn ngữ, địa lý cũng như văn hóa. Michiko nhiều lần gọi điện từ Pháp về Việt Nam để trò chuyện với Trịnh Công Sơn và sau cùng, cô quyết định bay tới Việt Nam.
Khi cô gái trẻ người Nhật ở gần với tác giả mình ngưỡng mộ hàng ngày, tình yêu từ những cuộc trò chuyện, những nốt nhạc hay những chuyến đi trở nên sâu đậm lúc nào không hay.
Michiko Yoshii bên ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh ở nhà riêng của Trịnh Công Sơn. Trên tường treo bức tranh cố nhạc sĩ từng vẽ bà (giữa).
Một đám cưới tưởng như đã có thể diễn ra và trở thành cái kết viên mãn cho mối tình nhẹ nhàng mà sâu sắc ấy. Tuy nhiên, đúng là tình chỉ đẹp khi tình dang dở…
- Michiko: “Có nhiều nàng thơ ở quanh anh, mà sao anh chưa bao giờ cưới vợ?”
- Trịnh Công Sơn: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Anh nghĩ anh sẽ là người chồng tồi”.
Có nhiều giai thoại xung quanh chuyện tình giữa người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh và Michiko Yoshii. Tuy nhiên đến nay, nhiều người vẫn tin rằng Trịnh Công Sơn muốn giữ mãi tình yêu đẹp ấy cho tới những tháng ngày cuối đời và không muốn hôn nhân trở thành một thứ ràng buộc khiến hai người phải “nợ” nhau.
Michiko Yoshii bên tượng khắc chân dung Trịnh Công Sơn.
Michiko từng kể rằng bố mẹ cô rất già, không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam đại diện nhà gái khi hai bên gặp gỡ. Theo phong tục cưới của người Nhật, Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ bố mẹ.
Trịnh Công Sơn không đồng ý. Ông nói cả đời mình còn chưa quỳ lạy mẹ bao giờ thì sẽ không quỳ gối trước người khác. Đám cưới sau đó bị hủy vì nhiều lý do chưa bao giờ được tiết lộ chính thức.
Trước ngưỡng cửa hôn nhân thì “quay xe” đột ngột, Michiko Yoshii mãi là nàng thơ đặc biệt nhất trong cuộc đời Trịnh Công Sơn. Âm nhạc vẫn trở thành sợi dây kết nối tâm hồn họ.
Mùa hè năm 1991, Michiko bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Cô gái Nhật Bản cũng được Trịnh sáng tác riêng bài hát dành tặng nhưng chưa bao giờ được công bố.
Trong phim Em Và Trịnh, Michiko Yoshii xuất hiện ở giai đoạn sau trong các cuộc tình của Trịnh Công Sơn. Người thủ vai này đương nhiên là một cô gái Nhật Bản. Nakatani Akari sinh năm 1993, sở hữu kênh Youtube với hơn 100.000 người theo dõi.
Cô thường ghi lại hành trình sống tại Việt Nam trong hơn 5 năm của cô gái Nhật Bản trót đem lòng yêu mến đất nước này, hệt như Michiko Yoshii.
Tạo hình của Akari trong vai Michiko mang nét trong sáng, đặc biệt là nụ cười rạng rỡ như đóa hoa mùa xuân của người con gái xứ sở hoa anh đào. “
Michiko là cô gái rất tự lập và tò mò, năng động. Thử thách đầu tiên khi tôi vào vai Michiko là phải học tiếng Pháp. Trước đây, tôi chưa biết gì về ngôn ngữ này. Trước đây, tôi cũng không biết gì về nhạc Trịnh. Nhưng sau khi được đoàn phim cho nghe ca khúc Diễm xưa, tôi ngay lập tức nhận ra bài hát này phổ biến như thế nào ở Việt Nam và nghe đi nghe lại nó”, Akari chia sẻ về vai diễn.
Sau các nàng thơ như rực rỡ trong từng giai đoạn tuổi trẻ của Trịnh Công Sơn như Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly thì Michiko giống như một nụ hoa dịu dàng chớm nở trong khu vườn bí mật của người nhạc sĩ tài hoa. Nụ hoa ấy được Trịnh Công Sơn dành cho sự quan tâm đặc biệt nhất để rồi nó mãi trở thành một giai thoại vượt thời gian.