NSƯT Minh Vượng nói rằng rất ít chương trình làm chị xúc động và lộ nhiều bí mật như "Quán Thanh Xuân" nói về thời kỳ "Ký túc xá". Quay xong chương trình này, Minh Vượng có cảm hứng lục tủ tìm ra một đống ảnh "khi người ta trẻ".
Thời ấy, Minh Vượng là sinh viên khóa 1 Trường Nghệ thuật Hà Nội (từ năm 1974-1978). “Thanh niên Vượng” khi đó còn là Minh Phượng (tên thật) chỉ nặng 43kg, ngày đi học, tối đi ép nhựa kiếm tiền.
“Thời ấy cả nước nghèo, mỗi ngày quay đi quay lại chỉ có độc một bộ “mồi”. Tối về phải giặt ngay, phơi dưới quạt để hôm sau áo khô mặc tiếp”. Minh Vượng nhớ lại. “Sau đó chúng tôi khôn hơn, có một nhóm ba bốn đứa cùng khổ người như nhau, thế là luân phiên đổi quần áo. Thứ hai, thứ ba, thứ tư đều mặc áo bạn, đến thứ năm mới mặc áo mình. Thành ra cả tuần có đến ba bốn bộ diện”.
Kỷ niệm thời cắp sách sâu sắc nhất của Minh Vượng là mối tình “chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi 18/ tuổi chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”. Người ấy học cùng lớp, cả hai đều mến nhau nhưng không người nào dám ngỏ lời trước. Đến 40 năm sau, khi đi họp lớp mới đùa đùa thật thật: “hồi ấy tao thích mày lắm nhưng không dám tỏ tình”.
Cũng trong dịp này, Minh Vượng lần đầu tiên đọc thơ tình để tặng mối tình thanh xuân của chị: “Ta quá trẻ không thể nào hiểu nào hiểu nổi/ Những ngày vui trơn tuột kẽ tay rơi/ Những lời muốn nói sẽ muôn đời câm lặng/ Chỉ còn mùa thu xao xác gió heo may”.
Trong ký ức của nhiều bạn bè cùng lứa, Minh Vượng là một bạn học “hơn cả quỷ ma”. Khoa sân khấu khi đó chỉ có lớp kịch và lớp cải lương. Các học viên đều nghèo, cả khoa chỉ có một hai cái xe đạp. Nhà Minh Vượng có điều kiện hơn, thường xuất hiện với tạo hình quần loe, giày simong. Thỉnh thoảng Minh Vượng “đại giả gia” mượn được xe đạp nam của bố thế là tăng… bốn, hai người ngồi trước, hai người ngồi sau, bon bon khắp phố.
Khi đó, Trường Nghệ Thuật Hà Nội ở 89 Nguyễn Thái Học, lớp của Minh Vượng được sang Văn Miếu dựng nhà cót ép mái giấy dầu học mấy năm. Có những năm rất đói, các bạn nam phải trèo lên cây sung hái quả thả xuống cho cả lớp cùng ăn. Minh Vượng tổng kết: “chúng tôi ăn sung lớn thành người, thành nghề”.
Đến nay, lớp Nghệ thuật khóa 1 của Minh Vượng vẫn gắn bó thân thiết. Chị kể: “Mẹ tôi có nói một bạn cũ bằng mười bạn mới. Chúng tôi vẫn quấn nhau cả lúc no lúc đói. Trung bình 3 tháng gặp nhau một lần, nhà ai có hiếu hỷ ốm đau đều chia nhau đến. Nhiều khi cũng giận nhau vì chuyện nọ kia nhưng những kỷ niệm sáng trong hơn 40 năm trước vẫn trong trẻo thế. Gặp nhau toàn đứa nói chả có đứa nghe!”.