Âm thanh được gọi là dấu cộng của hình ảnh. Để có được sự sống động cho một bộ phim, khâu làm âm thanh, tiếng động phải cực kỳ được chú trọng. Vậy ai là người chịu trách nhiệm khâu quan trọng này? Họ nắm giữ những bí quyết gì khiến khán giả phải ngã ngửa khi biết sự thực? Mời các bạn đón xem loạt bài Vén màn bí mật tiếng động trong phim.
Bạn sẽ thấy vô cùng khác biệt khi xem một đoạn video có âm thanh và không có âm thanh. Âm thanh trong phim được chia làm tiếng nói từ diễn viên, âm nhạc và tiếng động. Trong khi diễn viên và các nhạc sĩ vẫn thường được nhắc tới, vậy còn những con người âm thầm tạo nên cả thế giới âm thanh sống động đầy màu sắc phía sau ống kính thì sao?
Con đường đi tìm dấu cộng cho hình ảnh
Nghệ sĩ làm tiếng động được gọi chung bằng một danh từ: Foley. Nó bắt nguồn từ cái tên của Jack Donovan Foley, một người làm hiệu ứng âm thanh cho chương trình radio. Ông thích tạo nên những âm thanh thực tế với những dụng cụ xung quanh hơn là sử dụng kho âm thanh có sẵn.
|
"Ông tổ" của những nghệ sĩ làm tiếng động Jack Donovan Foley. |
Jack Foley bắt đầu làm việc cho Studio Universal từ 1914. Vào những năm 1920, studio này muốn tạo nên những âm thanh chân thực cho phim họ sản xuất. Khi đó micro chỉ dùng để ghi âm thoại của diễn viên, các tiếng động khác được thu âm rời sau khi phim quay xong. Foley đã lên kế hoạch ghi lại những âm thanh ngay khi ghi hình diễn viên, chủ yếu chú trọng tiếng bước chân. Những bộ phim sớm nhất áp dụng kĩ thuật này đã có tiếng bước chân, tiếng đóng mở cửa thu đồng bộ.
|
Cách tạo tiếng bước chân thời kỳ đầu: Nghệ sĩ cầm đôi giày và đặt lên đặt xuống các bề mặt. |
Foley trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực ghi âm tiếng động và tạo hiệu ứng âm thanh, tiếp tục tìm tòi cho tới tận lúc qua đời vào 1967. Rất nhiều lý thuyết, kĩ thuật của ông vẫn được sử dụng cho đến giờ.
3 nguyên tắc vàng dành cho các nghệ sỹ Foley là: Bước chân, chuyển động, đồ dùng sân khấu.
Với “bước chân”, các nghệ sỹ phải tạo ra âm thanh chân thực nhất cho từng cảnh. Họ phải đi đôi giày của diễn viên, bước lên một địa hình thích hợp, với cùng tâm trạng của nhân vật để có điều chỉnh tốc độ, lực chân cho phù hợp.
Nguyên tắc “Chuyển động” chú trọng vào tiếng quần áo nhân vật đang mặc khi họ di chuyển.
Nguyên tắc thứ ba “đồ dùng sân khấu” dùng để chỉ việc các nghệ sỹ tiếng động có xu hướng sử dụng luôn những đạo cụ có trong phim để tạo nên âm thanh chân thực nhất.
Nghệ thuật đánh lừa đôi tai
Những Foley artist – nghệ sĩ làm tiếng động hiện đại đã kế thừa và có nhiều sáng tạo so với những nguyên tắc đầu tiên của “ông tổ nghề”. Ngày nay, họ không chỉ tạo tiếng động mà còn chịu trách nhiệm cho không khí, tiếng nền của cả bộ phim. Họ ghi âm từng âm thanh của nhân vật, đồ vật, quần áo, kể cả rèm cửa.
Gary Hecker là một trong những người như thế. Anh nằm trong số các nghệ sĩ tạo tiếng động có kinh nghiệm nhất Hollywood hiện tại với hơn 300 tác phẩm. Những âm thanh kì quái, không khí đáng sợ của The Erxocist – phim kinh dị duy nhất từng đoạt Oscar, hay 13th Friday – Thứ sáu ngày 13, Back to the Future – Trở về tương lai, đều do anh tạo nên.
|
Gary Hecker lồng tiếng cho một cảnh tuốt kiếm bằng... xẻng chiên trứng. |
Gary đã chia sẻ một số kinh nghiệm thú vị từ nhiều năm làm nghề của mình. Nếu muốn tạo nên âm thanh cú đấm trên cơ thể người, hãy đấm vào cuốn danh bạ điện thoại của bạn hoặc cuốn sách nào dày tương tự. Bạn có thể tạo nên tiếng cánh chim vỗ hoàn hảo bằng cách vung vẩy có nhịp điệu một đôi găng tay da.
Tiếng vó ngựa chạy trên mặt đường cứng được tái nhiện nhờ việc gõ hai nửa vỏ dừa vào nhau. Muốn tạo nên tiếng xương bị bẻ gãy ư? Đơn giản lắm. Bạn chỉ cần vào bếp, bẻ cọng cần tây hoặc đầu cây xà lách thôi.
Chắc chắn bạn sẽ phải kinh ngạc khi xem video này, khi nhìn cách Gary Becker lồng tiếng và ghép các lớp âm thanh cho cảnh ngựa chạy, cảnh tuốt kiếm của Russell Crowe trong Robin Hood.