Nhiều người cảm thấy khó hiểu khi cuộc sống ở phố phường nhộp nhịp, đầy đủ tiện ích, đi lại thuận tiện… đang rất tốt, bỗng dưng nghệ sĩ lại bỏ hết để về quê sống với vườn tược, ao bèo, đồi núi.
Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, xu hướng rời phố về quê để sống trong giới nghệ sĩ ngày càng nhiều lên. Giờ đây, không chỉ có gia đình nghệ sĩ Thanh Hoa, Lưu Trọng Ninh, Mỹ Linh, Việt Hoàn… mà còn có cả Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Tiến Quang (Quang Tèo), Nguyễn Ngọc Anh, Phạm Phương Thảo, Thái Thùy Linh…
Xuân Hinh, Phạm Phương Thảo bỏ phố về quê sống nhẹ nhàng với cỏ cây
"Vua hài đất Bắc" Xuân Hinh nhiều năm nay chủ yếu sống ở ngoại thành Hà Nội – nơi có khu nhà vườn rộng đến 5.000m2, với những công trình được xây từ 5 triệu viên ngói cổ – 1 triệu viên gạch thất cổ. Trong khuôn viên nhà vườn của anh có vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh, vườn rau xanh, thềm gạch, cầu đá…
Đặc biệt, ngôi nhà anh đang sống được cải tạo lại từ căn nhà cổ xây dựng từ thời ông bà nên vừa đậm hồn quê Bắc Bộ, vừa mang nhiều nét kiến trúc đặc trưng của gia đình. Công trình này mới đây vừa được tạp chú Domus – tạp chí thiết kế uy tín nhất của Châu Âu chọn là một trong những dự án kiến trúc hay nhất của năm.
Thời gian gần đây, nam nghệ sĩ rất hay chia sẻ hình ảnh mặc đồ bình dị ngồi nhổ cỏ quanh vườn rau, lội bùn bắt cá, ngồi lùm cây câu cá… với nét mặt thảnh thơi. Những gì anh chia sẻ cũng đủ khiến khán giả và đồng nghiệp cảm nhận được cuộc sống điền viên tĩnh lặng của nam nghệ sĩ khi sống giữa vùng quê thôn dã.
Chia sẻ với Dân Việt, nghệ sĩ Xuân Hinh cho biết, tôi có hai khu nhà, khu nhà 5 gian là ở quê hương Bắc Ninh, khu 5.000m2 là ở ngoại thành Hà Nội. Giờ mỗi tuần, anh sẽ sống cùng vợ con vài ngày ở nội thành, còn lại thời gian anh sống ở ngoại thành.
"Trong khuôn viên rộng 5.000m2 của tôi có Bảo tàng về đạo Mẫu, có Thư viện lưu giữ về văn hóa truyền thống và Linh từ "Uống nước nhờ nguồn" thờ Thánh Mẫu. Giờ phần lớn thời gian tôi ở đây, bà nhà tôi với con trai thì vẫn ở nội thành, thỉnh thoảng mới về đây. Về đây, trước hết là tôi có không gian để thực hành việc tâm linh vì tôi quan niệm "Mình được ăn lộc của Mẫu thì giờ phải phụng thờ Mẫu".
Thứ hai, tôi được sống chan hòa với thiên nhiên, với cỏ cây, với người nông dân hiền hòa. Không phải bỗng dưng người ta gọi tôi là "kẻ chọc cười dân giả", vì tôi sinh ra ở làng quê, là nông dân thứ thiệt nên giờ quay về với thôn quê là phải rồi. Tôi định sau này, tôi sẽ mở lớp dạy hát văn, hát chèo và nghệ thuật truyền thống tại Thư viện. Tôi sẽ dạy miễn phí cho những ai yêu thích âm nhạc truyền thống, không thu đồng nào phí nào", nghệ sĩ Xuân Hinh tiết lộ.
Phạm Phương Thảo – nữ ca sĩ trẻ nhất làng nhạc vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cũng đã có thâm niên chuyển về sống ở Thạch Thất (ngoại thành Hà Nội) 3 - 4 năm nay. Trước đó, giọng ca "Gái Nghệ" sống trong một căn hộ chung ở cao cấp ở phố Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội). Khu nhà vườn của Phạm Phương Thảo trên một đồi cao, có tổng diện tích 8.000m2. Trong khuôn viên nhà vườn có điện thờ Mẫu, có tiểu cảnh sơn thủy, có vườn cây ăn trái, có vườn rau – dược liệu, có vườn cảnh với hàng trăm loại hoa…
Nữ ca sĩ xứ Nghệ bày tỏ: "Rất nhiều bạn bè khi biết tôi rời phố chuyển về ở một mình trong khuôn viên 8.000 m2 trên đồi cao đều lắc đầu nói "chịu". Nhưng tôi lại thấy, từ ngày chuyển về ngoại thành sống, cuộc sống rất thoải mái và dễ chịu. Tôi chưa bao giờ thấy buồn bởi nếu không đi diễn thì tôi tất bật với việc hương khói phụng thờ Mẫu hoặc cuốc đất làm vườn từ sáng đến tối. Tôi là người yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, yêu cuộc sống làng quê… nên không thể đợi đến lúc về hưu mới tận hưởng cuộc sống điền viên này. Tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc vì sớm làm được điều mình muốn đó là một cuộc sống bình yên và trong lành giữa làng quê".
Phạm Phương Thảo tiết lộ với Dân Việt rằng, chị không hề thấy trở ngại gì khi chuyển về sống ở ngoại thành. Vì việc đi diễn, lên nhà hát hay gặp gỡ bạn bè… đều có thời khóa biểu từ trước nên chị luôn chủ động được công việc của mình. Việc di chuyển cũng không quá xa nên không mất quá nhiều thời gian.
"Về với thiên nhiên, được tận hưởng cuộc sống mà mình yêu thích, tôi có nhiều cảm xúc hơn. Vì lẽ đó mà tôi sáng tác được nhiều ca khúc hơn. Các ca khúc của tôi luôn sáng tác trong trạng thái "động", tức là nẩy ra khi đang di chuyển, khi đang làm việc. Thậm chí, có nhiều ca khúc đã ra đời trong lúc tôi đang vác đá, cuốc đất, trồng cây… trong những tháng ngày gầy dựng không gian sống của mình. Tôi cũng nhận thấy rằng, việc sống chan hòa với thiên nhiên, làm bạn với những người dân hiền hòa… tâm hồn mình khoáng đạt hơn, giọng hát cũng dạt dào hơn".
Thái Thùy Linh lập xóm hữu cơ, làm nông dân "tập sự"
Không chỉ bỏ phố về rừng làm nông dân "tập sự", ca sĩ Thái Thùy Linh còn cùng nhiều bạn bè gầy dựng nên một xóm đặt tên là "Xóm Hữu Cơ" ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình để kêu gọi mọi người quay trở về với "bản nguyên" của đời sống. Thái Thùy Linh kể, mấy năm trở lại đây, tình trạng ôm nhiễm của Hà Nội trở nên báo động. Mỗi lần như thế, chị lại đưa các con "tản cư" về nông thôn, có lần ở đến cả tháng trời. Khi trở lại thành phố, chị đã cố gắng cải tạo lại không gian sống của mình với nhiều cây xanh hơn nhưng không mấy hiệu quả.
"Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nhà tôi "lánh dịch" tại khu Vườn du ca rộng 5.000m2 tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sau đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nghề hát. Tôi nhận thấy rằng, nếu chỉ đi hát để kiếm sống thì tôi làm được nhiều nghề dễ kiếm sống hơn. Nhưng tôi làm được những điều mang lại giá trị lớn lao cho cộng đồng. Vì thế, tôi cho phép mình rẽ ngang thành một nông dân, lập ra xóm nông nghiệp hữu cơ, cải tạo đất đai và sống chan hòa với thiên nhiên. Tôi không hô hào mà trực tiếp làm những công việc này để chia sẻ về sự sống và môi trường với cộng đồng", Thái Thùy Linh chia sẻ.
Nữ ca sĩ thừa nhận, từ ngày chuyển về quê, làm nông dân… chị thấy mình khác đi nhiều. Tư duy và lối sống đã thay đổi rất khác so với trước. Chị thấy cuộc sống của mình đơn giản, bình dị hơn nhưng dễ chịu vì đúng với con người của mình hơn. Thỉnh thoảng, chị vẫn hát trong những chương trình phù hợp.
"Cách đây 8 năm, ai đó bảo tôi về nông thôn mà sống là tôi đầu hàng. Vì nếu về nông thôn tôi thấy mình gặp quá nhiều thử thách. Do vậy, tôi chọn việc tạo ra mô hình xóm hữu cơ để từ đó có thể chia sẻ những giải pháp hay. Tôi có thể không giỏi về nông nghiệp hay môi trường, nhưng bên cạnh mình luôn có những đồng đội sẵn sàng sát cánh, nhiều người trong số họ là chuyên gia nông nghiệp thứ thiệt.
Tôi mới đi theo con đường này được gần 2 năm nhưng đã thấy nhiều tín hiệu tích cực. Vừa truyền được cảm hứng về lối sống gần gũi với thiên nhiên, vừa mở ra những gợi ý về cách làm sao để tổ chức cuộc sống, chuẩn bị về nông thôn, thực hiện ước mơ sống an lành ở thôn quê", giọng ca "Bộ đội" bày tỏ.
Thái Thùy Linh trải lòng rằng, chị thích gọi cuộc sống hiện tại là "sống lành". "Sống lành" không chỉ là ăn lành, uống lành, hít lành mà nghĩ lành, để hành động lành. Nghĩ là thế nên chị mới ra sức "kéo" nhiều người từ thành phố về nông thôn "sống lành với mình". Thời điểm hiện tại, chị có 20 nông dân cùng làm việc với mình. Từ chỗ chỉ là một ca sĩ, không biết gì về nông nghiệp… chị đã biết nhận biết "những cây đang có vấn đề" khi vòng một vòng quanh vườn.
Việc của tôi là không phải chỉ đồng hành với bà con nông dân mà còn giúp nông thôn giàu – khỏe – sạch – đẹp hơn. Tôi là tìm ra giải pháp để sức lao động của người nông dân không bị phung phí. Và giúp người nông dân vừa biết sản xuất ra nông sản, vừa biết biết bán hàng để không thua cuộc trên chính đất đai của mình. Hiện tại, tôi đang có 5 xóm hữu cơ và tạo được công việc cho 20 gia đình.
Nhưng bản thân mỗi người dân trong nhóm khi làm việc cho tôi sẽ được làm theo cách mới. Cho nên, về sức khỏe, họ không bị viêm xoang hay nhức đầu. Về kiến thức, họ có thêm kỹ năng để về nhà tự làm cho mình, làm giúp hàng xóm… Tôi thật sự ước mơ có 100 xóm hữu cơ, thậm chí là 1.000 xóm", Thái Thùy Linh chia sẻ thêm.