Sáng 21/9, Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức buổi họp mặt báo chí, liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn chủ trì cuộc họp. Anh tỏ ra rất bức xúc và gọi sự vụ này là "kinh khủng". Anh cho biết Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là người chủ trì việc cổ phần hóa hãng phim, nhưng đến giờ mới biết mọi chuyện. Sau hai tháng cổ phần hóa, chỉ khi báo chí vào cuộc, Bộ Văn hóa mới có động thái.
|
Nghệ sĩ Quốc Tuấn tại cuộc họp. |
Trong clip do các nghệ sĩ miền Nam gửi ra, NSND Trà Giang, NSND Thế Anh đều rơi nước mắt. NSƯT Minh Đức gọi cuộc cổ phần hóa này là vắt chanh bỏ vỏ.
Sau khi xem clip, đạo diễn Quốc Tuấn bật khóc và gọi đây là "cuộc cổ phần hóa nhục nhã". Anh bày tỏ sự tức giận khi phòng biên kịch bị biến thành quán bán chân gà nướng, đạo cụ bị vứt ra đường...
Một cuộc cổ phần dối trá
Quốc Tuấn cho rằng công ty Vivaso không hiểu gì về điện ảnh, điều này chứng tỏ họ chỉ "nhòm" vào khu đất vàng: "Chúng tôi dù trì trệ nhưng vẫn phải lên tiếng".
Cá nhân nghệ sĩ Quốc Tuấn kiến nghị xem xét lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa, đồng thời đánh giá lại giá trị tài sản Hãng phim truyện Việt Nam.
Quốc Tuấn nói: "Một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự Vinhomes".
Quốc Tuấn cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ vì đã đồng lõa bắt tay để xảy ra chuyện như hôm nay.
Cũng có mặt tại buổi họp báo, nhà văn Chu Lai chia sẻ: "Bi kịch của Việt Nam là có quá nhiều thứ đặt không đúng chỗ, quá nhiều nhá nhem tối sáng. Tổng công ty đường thủy không đủ nhân cách và tư cách để sở hữu một hãng phim có bề dày như hãng phim Việt Nam.
Bộ Văn hoá hãy giật mình tỉnh giấc, đừng để người làm kinh tế không biết gì về nghệ thuật làm nghệ thuật. Đừng để địa chỉ văn hoá như số 4 Thuỵ Khuê thành chợ giời".
Đông đảo các nghệ sĩ đều cho rằng, công cuộc cổ phần hóa đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành cái chợ. Ở đó, phía Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hề có ý định phát triển ngành phim, mà chỉ tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất vàng của hãng.
NSND Thanh Vân nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam trình bày tâm thư với nội dung "Suy nghĩ về sự dối trá trong tiến trình cổ phần hóa
Hãng phim truyện Việt Nam" .
Nội dung văn bản có đoạn tường thuật lại: "Từ năm 2015, ông Vương Đức Tuấn - Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hãng phim thành lập Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa - Bộ VHTT&DL gồm 7 người, trong đó lại không có các ông: ông Lý Thái Dũng - NSND, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, ủy viên Hội đồng thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Vân - NSND, phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, ủy viên Hội đồng thành viên Hãng phim truyện Việt Nam. Thay vào đó là bà Hồ Lan - nhân viên phòng tổ chức và một phó phòng tài vụ".
Sau khi đọc xong phần này, nghệ sĩ Thanh Vân nhấn mạnh "Xin không có lời bình".
Đạo diễn Đời cát tái khẳng định các nghệ sĩ không phản đối công cuộc cổ phần, nhưng công cuộc cổ phần này ngay từ đầu đã đầy dối trá.
|
NSND Thanh Vân và bức tâm thư dài tại cuộc họp báo. |
NSND Thanh Vân nói thêm: "Tổng công ty vận tải thủy với chỉ 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành Công ty cổ phần. Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của Hãng PTVN theo giá trị trường khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập".
Giá mua lại hãng phim quá rẻ. Doanh nghiệp mua lại hãng không hề hiểu về điện ảnh. Chính bởi vậy, ngay khi công cuộc cổ phần diễn ra, phía chủ đầu tư đã thể hiện rõ ý đồ kinh doanh trên khu đất vàng và đối xử tàn tệ với các giá trị điện ảnh.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau đó, các nghệ sĩ lên tiếng "tố" quá trình cổ phần hóa không minh bạch. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017.
Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.