Chia sẻ ý kiến về loạt bài xoay quanh chủ đề cảnh nóng trên truyền hình của VietNamNet, độc giả Tung Tran nhận xét: “Tôi thấy hơi ít cảnh nóng, phim Việt quá giáo điều”. Trong khi đó, bạn Tuyết Lan đặt vấn đề: “Cảnh nóng thì có sao? Tôi thấy có gì táo bạo đâu mà mọi người lên án, phim nước ngoài khủng khiếp hơn nhiều. Khi xem phim nếu sợ thì bố mẹ nhắc con mình trước đã chứ”.
Bạn Eliwood Truong phân tích: “Thời buổi toàn cầu hóa rồi, phim Âu Mỹ thiếu gì cảnh nóng, người Việt xem bình thường, phim Việt có cảnh nóng thì lại lên án, cũng cảm thấy hơi khắt khe”.
Độc giả Khải Quang nêu: “Phim truyền hình có cảnh nóng cũng được thôi, nhưng dán nhãn độ tuổi và khung giờ là được”. Nhưng góc nhìn của bạn A N lại khác: “Muốn giải trí nhẹ nhàng mà mở tivi lên lúc nào cũng thấy hôn hít nhau đến phát khiếp, cắt hết đi những cảnh nóng để đỡ giật mình”.
Chung quan điểm với A N, độc giả Toàn Ngô cho rằng: “Khi nào đặt vào hoàn cảnh cả gia đình gồm ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ngồi xem phim mà cảnh nóng ập vào mặt, các bạn sẽ hiểu sự bức xúc khó nói thành lời này”. Còn bạn Quê Hà Nội nêu quan điểm: “Ngồi xem phim truyền hình ở nhà, nên nhớ có rất nhiều thế hệ. Nhiều cảnh muốn độn thổ luôn, tốt nhất đừng đẩy chúng tôi vào tình huống khó xử này. Ngoài 22h chiếu phim đi”.
Trong khi đó, độc giả Vũ Hoài My chia sẻ: “Nghệ thuật là sáng tạo. Người làm nghệ thuật phải có không gian để thỏa sức sáng tạo, nhưng đúng là phim truyền hình cần được phân loại cho phù hợp với độ tuổi, phù hợp giờ chiếu…”. Bạn Thành Phát cho rằng, thời buổi toàn cầu hóa, trên YouTube, các phim Trung Quốc, Mỹ... cảnh nóng đầy rẫy. Theo bạn, “phim Việt thì người Việt xem cũng đã quen. Nếu bắt nhà sản xuất chăm chăm làm phim kiểu thanh niên nghiêm túc thì chẳng mấy chốc phá sản... Cách xử lý đơn giản là chuyển kênh hoặc giới hạn các kênh, phim trẻ được xem”.
Độc giả Nguyễn Lâm Anh Kiệt có một góc nhìn rất đáng quan tâm khi đọc bài viết “Khi phim truyền hình Việt đầy rẫy cảnh nóng không cảnh báo”. Theo bạn, “cảnh nóng thật ra không sai và cũng không phải là điều gì quá nặng nề... Nhưng vấn đề là các nhà làm phim truyền hình sử dụng nó ra làm sao”.
Anh Kiệt cũng đề nghị “thử nhìn về bên phía điện ảnh Hàn Quốc, trước khi bước vào thời kỳ "thoáng hơn" và "thoáng rất nhiều" trong cảnh nóng từ phim chiếu rạp cho đến phim truyền hình những năm qua, họ từng chinh phục con tim của biết bao thế hệ khán giả khắp châu Á bằng những bộ phim tình cảm lâm ly nhưng không hề 18+ chút nào.
Minh chứng tiêu biểu nhất chính là mối tình đẫm nước mắt của hai nhân vật trong Mối tình đầu được sản xuất năm 1996, cặp đôi này chỉ có một lần duy nhất chạm nhẹ vào bờ môi nhau. Vậy mà phim đã nổi tiếng khắp châu Á. Với suy nghĩ của các nhà làm phim nước mình hiện giờ, chắc hai nhân vật phải 'nhảy rào' vài lần mới hợp lý.
Với điện ảnh phương Tây, cảnh nóng trong phim tình cảm lãng mạn là điều khó tránh khỏi, nhưng quan trọng vẫn là cảnh nóng của những chuyện tình rất đẹp chứ không phải lúc nào cũng có yếu tố... qua đường”.
Lạm dụng cảnh nóng để câu view?
Sau khi đọc bài viết “Cần dán nhãn ngay phim có nội dung người lớn trên truyền hình”, bạn Vũ Thy nhận xét: “Phim Việt chẳng có gì hấp dẫn nên thường lạm dụng các yếu tố cảnh nóng. Đừng biện minh mà hãy nhìn nhận thực tế”.
Độc giả Hà Thảo có quan điểm tương tự: “Cảnh nóng không phải xấu, nhiều cảnh nóng ở phim nước ngoài trở thành kinh điển và làm nổi bật cả tác phẩm. Chúng ta thì chưa đủ trình độ hoặc làm chỉ để câu view thôi”. Bạn Duy Thiệu cho rằng “phim nước ngoài cảnh nóng được diễn tả nghệ thuật để người xem tự hiểu, còn phim Việt Nam thấy phản cảm”.
Trong khi đó, Vo Thi Mai Phuong lại “rất sợ khi xem những phim Việt có cảnh nóng. Nó thể hiện sự nghèo nàn về nội dung và trình độ của những người làm phim khi thêm những cảnh đó để câu khách. Những phim có cảnh nóng lẽ ra chỉ được phép chiếu ở rạp và có thông báo trước cho mọi người”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Độc giả Lý Phi nhấn mạnh: “Cần làm nghiêm hơn nữa trách nhiệm của các nhà đài, không thể nói tôi không biết hay qua loa được”. Trong khi đó, Bình Bông chia sẻ: “Hội đồng kiểm duyệt cần xét trên nhiều khía cạnh khi duyệt phim có cảnh nóng trên truyền hình. Ngoài nội dung thì phim hợp với kênh nào trên truyền hình, khung giờ chiếu cũng là điều cần lưu tâm''.
Dưới bài viết về phim điện ảnh chiếu Tết của Trấn Thành bị dán nhãn 16+, bạn Luu Thuy Ha cho rằng, “cơ quan quản lý có lẽ đang dễ dãi với phim truyền hình trong khi lại chặt chẽ với phim chiếu rạp, khi đã phân loại đối tượng độc giả khi bán vé”. Theo bạn Hanguyen19, “luật Điện ảnh đã quy định thì các nhà kiểm duyệt cứ đúng luật mà làm thôi”.
Độc giả Đỗ Bảo nhấn mạnh: “Đã gọi là phim chiếu Tết, một dịp lễ truyền thống, các phim bạo lực, nhạy cảm ngay cả phim 16+ hay 18+ cũng cần hạn chế, thậm chí cấm chiếu. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý nên cân nhắc khi kiểm duyệt bất cứ tác phẩm điện ảnh hay truyền hình nào'.'