Năm tháng bên xứ người
Trước khi bén duyên với nghề báo, MC, BTV Trần Quang Minh từng có sự lựa chọn khác.
Trần Quang Minh chia sẻ, tốt nghiệp cấp 3, anh theo học 3 năm khoa du lịch Viện đại học Mở Hà Nội. Đến năm 1999 anh lên đường sang Cuba du học với mong muốn sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha, để về theo đuổi ngành công nghiệp không khói.
Sau khoá học tiếng Tây Ban Nha, anh tiếp tục sang Ecuador học ngành truyền thông - báo chí theo sự tư vấn của bố. Chẳng ngờ, lời khuyên này là bước ngoặt, tạo nên một MC, BTV Trần Quang Minh được yêu mến như hôm nay.
|
BTV Trần Quang Minh tải lòng về nghề báo và người bố đã khuất. |
Môi trường mới, cuộc sống mới có lúc khiến anh gặp không ít khó khăn. “Tôi học ở Cu Ba được bao cấp hoàn toàn nhưng sang Ecuador phải tự chi trả khoản học phí lên tới vài trăm đô/tháng, phí sinh hoạt đội lên cao”, Quang Minh nhớ lại.
Mặc dù có số tiền 60 USD/tháng gia đình gửi nhưng Quang Minh vẫn tự bươn chải, kiếm thêm thu nhập mới đủ trang trải cuộc sống. Công việc anh tìm được là làm nhân viên giám sát an toàn cho khu khai thác dầu mỏ ở vùng Lago Agrio - Oriente, vùng giáp với biên giới Colombia. Công việc tưởng đơn giản nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ trường đến nơi làm việc rất xa, phải đi xe khách cả đêm. Vùng đó cũng không nhiều người mong muốn đến làm việc bởi an ninh không an toàn, nhưng anh vẫn chấp nhận bởi công việc đó mời mang lại thu nhập.
“Lúc đó, tôi phải làm mọi cách để tồn tại được ở xứ người và đạt được mục tiêu của mình. Cuộc sống đẩy mình vào tình thế đó, bản thân càng phải nỗ lực. Những năm tháng đó thực sự mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm'' - anh nói.
Sau khi hoàn thành khoá học Phát thanh - truyền hình ở Ecuador, Quang Minh về nước và thử việc ở vị trí biên dịch viên tiếng Tây Ban Nha cho Thông tấn xã Việt Nam.
Ít lâu sau, anh đầu quân cho VTV và liên tiếp tạo dấu ấn với khán giả qua hàng loạt các game show như Trẻ em luôn đúng, Đối mặt, Chúng tôi là chiến sĩ, Hãy chọn giá đúng, Bữa trưa vui vẻ...
Trần Quang Minh của những ngày đầu bước vào nghề vẫn còn là cái tên xa lạ với khán giả truyền hình cả nước nhưng qua một quãng thời gian dài phấn đấu không ngừng và bằng lòng yêu nghề có sẵn, anh từng bước khẳng định hình ảnh tên tuổi của mình.
|
MC/BTV Quang Minh trong một sự kiện trực tiếp. |
Khán giả luôn nhớ đến hình ảnh nam MC có chất giọng lôi cuốn, cách dẫn tự tin, sắc sảo và khả năng làm chủ sân khấu.
Quang Minh bộc bạch, người có sức ảnh hưởng đến anh nhất là bố. Mặc dù hai bố con công tác ở lĩnh vực khác nhau nhưng kinh nghiệm quý báu của bố giúp anh trưởng thành và tự tin hơn trong nghề.
“Bố tôi làm thời sự - chính trị, trong khi tôi làm gameshow giải trí, cái nhìn trẻ trung hơn nhưng tôi học ở ông rất nhiều. Mỗi bữa cơm không chỉ là đoàn tụ mà còn là giây phút tôi nghe ông trải lòng về nghề, về tình yêu với nghề.
MC Quang Minh cho rằng, anh đến với nghề là một chữ duyên nhưng cũng nhờ được bố truyền cho sự đam mê. Chính điều đó đã khích lệ anh thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ.
Mỗi dịp 21/6, MC, BTV Quang Minh lại bồi hồi tưởng nhớ về người đồng nghiệp lớn nhất đời mình cũng là người bố vô vàn kính yêu.
|
Cố nhà báo An Duyệt qua ống kính cháu nội. |
Dấu ấn sự nghiệp
Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn sẽ có dấu ấn quan trọng, để thêm gắn bó với công việc mình làm.
Với Quang Minh cũng vậy và một trong những dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp làm báo của anh ngoài gameshow giải trí, các sự kiện chính luận mà anh tham gia làm biên tập, kịch bản, tổ chức sản xuất hay dẫn chương trình, còn là những bộ phim tài liệu đặc biệt mang đậm chất báo như "Sống trong lòng đất" (2016), series phim tài liệu thực tế “Những cuộc gặp trong tù” sản xuất và phát sóng trên VTV đặc biệt vào năm 2018, 2019.
Xuất phát từ mong muốn gửi đến các khán giả một góc nhìn đa chiều về số phận những con người phía sau song sắt, anh và ekip sản xuất đã lặn lội gặp hàng nghìn phạm nhân trên cả nước và ghi lại câu chuyện về họ.
“Bộ phim thực sự có tính răn đe rất cao, là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến xã hội, xem để sợ, để day dứt và điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân, để xã hội tốt đẹp hơn”, Quang Minh nhấn mạnh.
Anh chia sẻ, ban đầu ekip dự định làm chương trình thực tế, đưa phạm nhân ra khỏi trại giam, tham gia các hoạt động ở gia đình và xã hội dưới sự giám sát của cơ quan pháp luật.
|
Thước phim đặc biệt về những con người sau song sắt. |
Tuy nhiên qua tìm hiểu, điều này là không được pháp luật cho phép… nên anh đã chuyển hướng sang sản xuất phim tài liệu thực tế ngay trong các trại giam.
Nhóm sản xuất mất gần một năm trời để đi tới 13 trại giam trên cả nước, trò chuyện trực tiếp với hàng ngàn phạm nhân. Tìm kiếm, và sàng lọc để lựa chọn câu chuyện phù hợp với chương trình.
Mỗi tập phim là những câu chuyện của từ 3 đến 5 nhân vật. Điều cay đắng nhất ở đây không chỉ là những bản án họ đang phải trả mà sâu xa hơn, là bản án lương tâm, bản án hệ lụy xã hội mà gia đình họ phải gánh chịu.
"Bộ phim chính là tuyển tập truyện ngắn trong tù, thực tế nhất, chân thực nhất". Quang Minh kể: "Nhiều nhân vật thực sự "hay", "ấn tượng", chất liệu đủ để rúng động tâm can nhưng vì tính chất nhân đạo của báo chí, tôi đành cất câu chuyện đó vào góc riêng".
Như trường hợp thanh niên 16 tuổi phạm tội giết người. Nạn nhân là 2 cô gái mại dâm. Tuổi thơ người này trải qua trong nỗi cực khổ, chứng kiến gia đình không hạnh phúc.
|
Nghề báo đã cho Quang Minh nhiều trải nghiệm. |
Bố dượng đánh đuổi mẹ ra khỏi nhà vì mẹ từng là gái mại dâm. Người mẹ bặt vô âm tín nhiều năm. Cậu sống như cây cỏ, thiếu sự uốn nắn, dạy dỗ.
Ở tuổi mới lớn, thanh niên đó đã giết 2 cô gái hành nghề mại dâm một cách tàn khốc như cách trả thù đời.
“Câu chuyện mang tính răn đe, giáo dục tốt nhưng cuối cùng phạm nhân xin tôi đừng đưa hình ảnh cậu ấy lên truyền hình”, Quang Minh nhớ lại.
Năm đó, nếu không có chuyện bố dượng đuổi mẹ đi, cậu sẽ không biết được sự thật và không xảy ra hành vi giết người.
Cậu thanh niên sợ mình lên truyền hình, mẹ ở nơi nào đó biết được chắc sẽ không sống nổi. Câu nói: “Mẹ cháu sẽ tự tử mất khi biết cháu giết người để trả thù đời” ám ảnh mãi trong lòng anh.
Dư âm của những câu chuyện khủng khiếp đến mức, sau khi phim hoàn thiện, lên sóng, anh phải học cách “xả” ám ảnh ra khỏi đầu.
“Nếu bạn nghe câu chuyện từ trại giam qua truyền hình, qua báo chí, có thể thấy rùng mình một phần nhưng tôi tiếp xúc trực tiếp, sự rùng mình phải nhân lên gấp nhiều lần.
Ở cương vị người làm báo, phải giữ cái đầu lạnh để tỉnh táo đưa dự án đến đích, truyền đạt thông điệp một cách hấp dẫn và chân thật đến khán giả nhưng không tránh khỏi những lúc cảm xúc dâng trào”, Quang Minh thừa nhận.