Vì sao cụ Rùa Hồ Gươm được "thần thánh hóa"?

Google News

(Kiến Thức) - “Sinh - ly- tử - biệt” là quy luật của tạo hóa. Vậy tại sao việc cụ Rùa hồ Gươm qua đời lại khiến dư luận và báo chí quan tâm như vậy?

Từ thần Kim Quy
Hiện dư luận đang nóng chuyện cụ Rùa hồ Gươm qua đời. Không chỉ có vậy, trước đây, mỗi lần cụ Rùa nổi lên cũng đều trở thành câu chuyện được lên mặt báo. Phải chăng vì một cái hồ nhỏ ở giữa một thành phố đông đúc lại tồn tại một cụ Rùa nên nhất cử nhất động của cụ Rùa đó đều được quan tâm. Điều đó có thể đúng nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ.
Trước hết cần phải nói rằng trong văn hóa Việt Nam, rùa là một linh vật thuộc tứ linh là long li quy phụng (rồng, kỳ lân, rùa và phượng hoàng). Trong 4 con vật thuộc tứ linh thì chỉ có rùa là con vật có thật. Con rùa cũng xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện cổ tích, truyện dân gian. Chẳng hạn truyện thỏ và rùa, truyện sự tích rùa đội bia đá... Và đặc biệt Việt Nam có những truyền thuyết về rùa nổi tiếng hơn nhiều và cũng ly kỳ hơn nhiều.
Vi sao Cu rua Ho Guom duoc “than thanh hoa“?
 Hồ Gươm tháp rùa từ lâu đã là một biểu tượng của Hà Nội.
Đó là truyện thần Kim Quy (thần rùa vàng) giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và lại còn cho một cái móng để chế tạo nỏ thần làm vũ khí giữ thành giữ nước. Truyền thuyết kể rằng vua An Dương Vương muốn xây thành đắp lũy để bảo vệ đất nước nhưng thành cứ đắp lên lại sụp đổ. May nhờ thần Kim Quy giúp đỡ nên thành mới đắp được. Sau khi đắp xong thành, thần lại cho vua một cái móng vuốt để làm cái lẫy chế tạo ra cái nỏ bắn một phát được hàng vạn mũi tên. Nhờ có thành cao hào sâu và vũ khí bí mật là cái nỏ thần đó mà nước Âu Việt không sợ giặc ngoại xâm.
Nhưng về sau An Dương Vương bị Triệu Đà lừa cho con là Trọng Thủy sang lấy Mỵ Châu để làm gián điệp. Mỵ Châu tin chồng đem bí mật quốc gia là cái lẫy nỏ ra tiết lộ. Trọng Thủy bèn lừa bảo mang nỏ ra cho xem rồi thừa cơ đánh tráo cái lẫy thần. Tráo xong rồi hắn giả vờ nhớ nhà xin về thăm cha mẹ. Hắn đi khỏi thì quân Triệu Đà sang đánh, An Dương Vương đem nỏ ra bắn thì mất công hiệu nên thua trận phải chạy ra bờ biển.
Lúc ấy rùa thần lại nổi lên nói cho vua biết chính Mỵ Châu là kẻ đã vô tình nối giáo cho giặc rồi sau đó rùa thần rẽ nước đón vua xuống thủy cung.
Đến “rùa thần” hồ Gươm
Sau thế kỷ 15, kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam lại có thêm một truyện nữa về con rùa. Đó là sự tích hồ Hoàn Kiếm. Dân gian truyền rằng sau khi vua Lê Lợi đánh thắng quân Minh, giành lại độc lập cho dân tộc, một hôm nhà vua đi thuyền ra hồ Tả Vọng (tên gọi cũ của hồ Hoàn Kiếm) chơi. Khi thuyền đến giữa hồ thì một con rùa lớn nổi lên cản thuyền và nói rằng xin vua hãy trả lại gươm cho Long Quân.
Theo truyện cổ tích, trước đó khi vua còn chưa nên cơ nghiệp có bắt được một thanh gươm báu và truyện nói rằng thanh gươm báu đó là do Long Quân cố ý trao cho vua để giúp vua phát triển thế lực.
Vi sao Cu rua Ho Guom duoc “than thanh hoa“?-Hinh-2
 Bức phù điêu ở cổng đền Ngọc Sơn gợi lại câu chuyện Lê Lợi trả kiếm cho rùa ở hồ Tả Vọng xưa.
Câu chuyện ly kỳ về việc nhà vua được gươm cũng được sách "Lam Sơn Thực lục" chép như thế này: Khi ấy nhà vua cùng người ở trại Mục sơn là Lê Thận cùng làm bạn keo sơn. Thận thường làm nghề quăng chài. Ở xứ vực Ma Viện, đêm đêm thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi. Thận quăng chài suốt đêm, cá chẳng được gì cả, chỉ thấy một mảnh sắt dài hơn một thước, bèn đem về để vào chỗ tối.
Một hôm nhà Thận cúng giỗ, nhà vua tới dự, thấy chỗ tối có ánh sáng, nhận ra mảnh sắt, nhà vua bèn hỏi: “Sắt nào đây?”. Thận nói: “Đêm trước quăng chài bắt được”. Nhà vua nhân đó xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ “Thuận Thiên” cùng chữ “Lợi”.
Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng: “Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau”. Nói xong bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi thì vừa khít”. Sau này trong 10 năm khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi luôn đeo thanh gươm ấy bên mình. Lúc đánh thắng quân Minh rồi lên ngôi vua, ông đã lấy hai chữ Thuận Thiên khắc trong gươm làm niên hiệu của mình.
Bởi một đoạn nguyên do như vậy nên khi rùa nói đòi lại gươm cho Long Quân, nhà vua hiểu ngay và tháo thanh gươm vẫn đeo bên mình quăng về phía rùa. Rùa há miệng đớp lấy và lặn xuống nước. Từ đó hồ Tả Vọng đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm hoặc hồ Gươm. Câu chuyện đậm màu sắc huyền bí nhưng nó đã đi vào tâm hồn những người Việt từ lúc còn thơ bé nên rất thân thuộc.
Vi sao Cu rua Ho Guom duoc “than thanh hoa“?-Hinh-3
Hình minh họa trong truyện tranh về sự tích hồ Gươm cho thiếu nhi. 
Qua những điều đã nói ở trên, chúng ta thấy rằng con rùa trong tâm thức người Việt vừa là một con vật linh thiêng lại vừa là một biểu tượng cho hồn thiêng sông núi luôn theo sát các thế hệ người Việt trong lịch sử sinh tồn chống ngoại xâm. Chẳng hạn như rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành giữ nước và rùa xin lại gươm của Lê Lợi sau khi giặc đã tan.
Rùa cũng rất hiền lành và đầy tính nhân văn khi xuất hiện trong 2 truyền thuyết trên với vai trò bảo vệ hòa bình. Rùa vàng chỉ cho An Dương Vương móng để làm nỏ giữ thành tức là để phòng thủ, tự vệ. Còn rùa trong truyền thuyết hồ Gươm cũng chỉ nổi lên thu hồi gươm báu sau khi giặc giã đã hết. Phải chăng hành xử của rùa trong truyền thuyết cũng chính biểu hiện là tâm hồn con người Việt Nam rất mong muốn hòa bình, chỉ cầm gươm súng khi đã cùng đường.
Đối với riêng cụ Rùa hồ Gươm, trong những năm gần đây, cụ đã nhiều lần nổi lên vào các dịp đất nước có sự kiện lớn khiến lòng người càng náo nức tin rằng đó là không đơn giản là ngẫu nhiên. Chúng ta còn nhớ rằng năm 2010 đất nước có hai sự kiện lớn là Quốc khánh và Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Cả hai lần đó cụ Rùa ở hồ Hoàn Kiếm đều nổi lên khiến người dân rất thích thú. Các nhà chuyên nghiên cứu về cụ Rùa này thì nói rằng từ năm 1991 đến nay cụ Rùa đã hơn 30 lần nổi lên trùng khớp với thời điểm diễn ra một sự kiện nào đó trọng đại của đất nước.
Ngoài ra cũng phải kể đến một sự kiện truyền thông là quá trình chữa trị bệnh cho cụ Rùa kéo dài 3 tháng vào năm 2011. Trong quá trình đó, rất nhiều tờ báo mạng thường xuyên cập nhật tin tức về cụ Rùa. Nhờ vậy cụ Rùa Hồ Gươm lại càng nổi tiếng, trở thành một “nhân vật của công chúng”.
Vì những ý nghĩa văn hóa và cả những sự kiện thực tế đó, cụ Rùa hồ Gươm là một hình ảnh thiêng liêng trong lòng người. Bởi thế, sự ra đi theo quy luật tạo hóa của cụ khiến mọi người cảm thấy vô cùng tiếc nuối.
Nam Khánh

Bình luận(0)