Không phải ai cũng biết vì sao lại gọi là “dốt đặc cán mai”. Dốt thì ai cũng biết nhưng cán mai thì là cái gì. Trong cuộc sống trước đây, mai – là một dụng cụ dùng để đào đất. Cán mai thường được làm bằng gỗ táu, là thứ gỗ rất đanh (cứng), đông đặc. Ngày nay, cái mai không còn nhiều trong đời sống và từ “dốt đặc cán mai” cũng ngày càng ít xuất hiện.
Đầu óc đặc sệt như cán mai
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, trong giao tiếp, đôi khi để chỉ ai đó đầu óc kém cỏi, dốt nát đến mức mù tịt, không biết gì, người ta hay dùng thành ngữ “dốt đặc cán mai” để hàm chỉ. Ví dụ, nhà văn Đoàn Giỏi viết: “Hai năm học chưa xong lớp 1, cái thằng ấy đúng là dốt đặc cán mai. Bà Hơn còn tốn nhiều cơm với thằng này lắm”, “Hương chức hội tề nhiều ông dốt đặc cán mai, tập được một chữ ký tên đã là khá lắm”.
Về giải nghĩa từ, dốt là một tính từ, chỉ ai đó kém về trí lực, chậm hiểu, chậm tiếp thu. Trong một lớp học, sẽ có những em học kém, chậm tiếp thu, được xếp vào loại “dốt”.
Cán mai là cái cán cuốc dùng để đào đất. Cán mai thường làm bằng gỗ táu là thứ gỗ rất đanh (cứng), đúc đông đặc. Nên chê người ngu dốt quá, người ta nói là dốt đặc cán mai là không có chỗ nào mà nhét chữ vào được. Cũng có khi người ta nói: “dốt đặc cán mai táu”. Táu tức là gỗ táu. Mai là một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào một cái cán dài. Cán mai khác với cán xẻng, cán cuốc... Trong khi cán xẻng, cán cuốc làm bằng tre, rỗng ruột thì cán mai làm bằng một loại gỗ đặc ruột. Chính từ ngữ nghĩa này mà thành ngữ “dốt đặc cán mai” ra đời và được dân gian sử dụng rất hiệu quả. “Dốt đặc cán mai, dốt dài cán cuốc”, dốt đến thế là cùng. Ai mà được ví với câu thành ngữ này thì thật đáng xấu hổ. Phải mau mau học hành, tu chỉnh, trau dồi kiến thức sao cho bằng anh bằng em, kẻo tủi hổ với bạn bè.
“Dốt đặc” chỉ người dốt nhưng với sắc thái mạnh hơn “dốt”. Người ta thường nghĩ những ai kém trí tuệ, dốt nát thì đầu óc “đặc như bí”, chẳng có chỗ nào thoáng đạt, thông minh sáng láng. Chúng ta từng đọc truyện “Dốt Đặc và Biết Tuốt” (của Liên Xô trước đây), với hai nhận vật trái ngược nhau về phẩm chất trí tuệ. Một anh thì cái gì cũng biết, còn anh kia thì mu ti mù tịt, đầu óc đặc như mật ong. Có cảm giác bộ não trong đầu anh ta đặc sệt, chẳng có chỗ nào để chứa kho tri thức như người thường. Chính từ tính chất “đặc” mà dân gian thêm hai từ nữa để có thành ngữ “dốt đặc cán mai”.
|
Ảnh minh họa. |
Điển tích từ ông thầy đồ
PGS.TS Phạm Văn Tình cho hay, “dốt có đuôi”, “dốt lòi đuôi” cũng là những từ dùng để chỉ người dốt theo nghĩa nêu trên dựa trên điển tích về một ông thầy đồ nhưng cũng là chế độ khoa cử thời phong kiến. Ban đầu, thành ngữ này chỉ có ý chê bai một đối tượng không đến nỗi dốt nát. Họ cũng là người có đỗ đạt trong kỳ thi hội, thi đình hẳn hoi.
Số là, sau kỳ thi, những người trúng tuyển được tập trung lại để yết kiến vua. Họ được sắp xếp thứ tự từ người đỗ cao nhất đến người đỗ thấp nhất (tức đứng cuối) với quần áo mũ miện nhà vua ban phát chỉnh tề. Người đứng sau cùng đội chiếc mũ có tai dài, vì thế người ta mới chế giễu là “có đuôi”. Rõ ràng trong mắt sĩ tử và dân chúng thì người đội mũ có đai dài trông như cái “đuôi ấy”, vẫn là người dốt hơn cả so với những người có mặt. Từ đây, trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ “dốt có đuôi” để chế giễu tất cả những ai dốt nát.
Một số người khác lại cho rằng, thành ngữ này có xuất xứ từ một câu chuyện cười Việt Nam. Chuyện rằng, một thầy đồ được mời đến cúng cho gia chủ tên là Tròn. Nhưng than ôi, thầy đồ gì mà chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu. Đến cái tên của gia chủ là Tròn mà ông ta cũng chẳng biết viết, đành khoanh một vòng tròn. Chẳng may, có một kẻ tinh nghịch đã sổ thêm một nét vào “chữ Tròn” ông vừa mới viết. Khi đọc sớ, thầy không biết, cứ việc theo hình vẽ mà đọc tên gia chủ là “Gáo”. Chủ nhà giật mình, cải chính. Ông thầy cúng biết mình nhầm, xấu hổ lắm, những mong có lỗ nào mà chui ngay xuống đất. Qua câu chuyện này, thành ngữ “dốt có đuôi” có hai cách hiểu về xuất xứ và cũng có hai biến thể khác nhau: “dốt có đuôi” và “dốt có chuôi”. Dẫu hiểu thế nào thì thành ngữ này cũng chỉ biểu hiện ý nghĩa: “dốt nát và không giấu được cái dốt của mình”.
“Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”, thà không biết một tí gì còn hơn tỏ ra biết nhiều nhưng cái gì cũng biết lơ mơ, nửa vời. Hoặc “dốt còn hay nói chữ”, “dốt như bò” là những thành ngữ chỉ người dốt, yếu kém trong nhận thức nhưng lại vẫn huyênh hoang rằng mình hiểu biết.
|
Ảnh minh họa. |
Mai, cuốc, thuổng “bị vạ lây”
Trong đời sống sản xuất nông nghiệp ngày nay, các nông cụ như mai, cuốc, thuổng dùng để cày, đào xới đất đã dần dần ít xuất hiện do có các phương tiện khác thay thế như máy cày, máy bừa. Tuy nhiên, theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa thì hình ảnh ví von “dốt đặc cán mai” vẫn được dùng phổ biến và người nghe vẫn hiểu, dù chắc rằng những người thuộc lứa tuổi trẻ bây giờ nhất là trẻ ở thành phố khó hình dung mai là vật dụng gì, hình thù ra sao, vì sao cán mai lại đặc. Cán mai đặc giống như cái đầu của kẻ dốt (đặc sệt vào, chả có chỗ nào mà nhét thêm được cái gì khác). Cán thuổng thì dài ơi là dài, giống như cái sự dốt kia không tiêu hoá được. Vậy là từ những vật dụng hàng ngày trong nông nghiệp, cái mai, thuổng bỗng dưng “bị vạ lây”, gán cho một đặc tính không mấy tốt đẹp của con người. Bản thân cái mai, cái cuốc không hề có hàm nghĩa nào nói về sự ngu dốt.
Người không có trí tuệ, lười học tập, phấn đấu luôn bị dè bỉu, phê phán. Đặc biệt là những người khoe khoang hiểu biết, học thức thì lại càng bị dân gian lên án bằng những hình ảnh ví von như “thùng rỗng kêu to”, “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, ý nói người xấu xí, có khuyết tật thì lại hay cố tỏ ra mình tốt đẹp, có ưu điểm. Kẻ dốt nát, kém cỏi lại hay khoe khoang mình giỏi giang, thông minh; bất tài nhưng lại hay khoe khoang khoác lác, phô trương.
Theo lý giải của GS Ngô Đức Thịnh, người Việt vốn trọng sự học với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, người có chữ nghĩa trong xã hội luôn được coi trọng, kẻ “vai u thịt bắp mồ hôi dầu”, “lấy thịt đè người”, “người quân tử lấy đức, kẻ tiểu nhân lấy sức”... không được coi trọng. Một người đỗ đạt làm quan thì cả làng hân hoan đón mừng, nhưng một anh học trò đi thi trượt về thì buồn não nuột chẳng ai thèm quan tâm.
Xuất phát từ quan điểm đó, việc chê bai, chế giễu người học dốt, học kém cũng dễ hiểu, cũng qua cách chế giễu đó mà người ta mong muốn người bị chế giễu sẽ vì xấu hổ mà phải cố gắng học hành, dùi mài kinh sử để thoát khỏi cái tiếng dốt ấy.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, việc sử dụng thành ngữ “dốt đặc cán mai” là cách lựa chọn khá thông minh của dân gian để nhắc nhở người dốt phải học hành tu tỉnh. Ngày xưa khi nông nghiệp còn thô sơ lạc hậu, gần như nhà nào cũng có chiếc mai, ngày nào đi làm đồng cũng phải dùng đến. Điều này để nhắc nhở người dốt răn mình mỗi ngày, nhìn thấy hình ảnh chiếc mai, chiếc cuốc đó mà rèn giũa bản thân mình.