Gián điệp đội lốt con gái, đánh lừa nhà ngoại giao Pháp 20 năm
Shi Pei Pu hay còn được biết đến với tên gọi Thì Bội Phác là một trong những gián điệp lừng danh Trung Quốc và thế giới. Mặc dù là đàn ông nhưng có nhiều thủ đoạn nên Thì Bội Phác đã đánh lừa hoàn hảo nhà ngoại giao Pháp Bernard Boursicot trong suốt 20 năm mà nạn nhân không hề hay biết.
|
Chân dung điệp viên siêu hạng của Trung Quốc Thì Bội Phác. |
Thì Bội Phác ẩn thân dưới vỏ bọc một ca sĩ opera. Để giải thích lý do tại sao luôn mặc trang phục của nam giới, Thì Bội Phác biện minh rằng bản thân thật ra là "phận gái" nhưng mẹ thích cho mặc đồ con trai bởi gia đình đã có 2 con gái trong khi người bố Thì Bội Phác luôn ao ước sinh được mụn con trai. Sau đó, Thì Bội Phác còn đánh lừa nhà ngoại giao Pháp khi có với ông một người con. Tuy nhiên, đứa con này chỉ là đứa trẻ của một gia đình thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ được mẹ ruột bán đi vì do gia đình quá nghèo.
Thì Bội Phác đã khuyên Boursicot và giao nộp cho Trung Quốc 500 tài liệu mật trong suốt những năm 60 và 70. Đến năm 1983, vợ chồng Thì Bội Phác bị cơ quan chức trách Pháp bắt giữ vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Sau khi phát hiện chân tướng tày trời về "người vợ" bấy lâu cùng chung sống, Boursicot xấu hổ và sốc đến mức từng định tự sát trong tù.
Nhà khoa học người Đức làm gián điệp cho Liên Xô
Nhà khoa học Klaus Fuchs người Đức tham gia dự án chế tạo
bom nguyên tử Manhattan của Mỹ đã bị bắt giữ tại Anh vì tình nghi làm gián điệp cho
Liên Xô ngày 10/2/1950. Ông tham gia dự án chế tạo bom nguyên tử đầu tiên trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới 2.
|
Nhà khoa học Klaus Fuch bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô, khiến Albert Einstein cũng bị hoài nghi là điệp viên. |
Sau khi bị bắt, Klaus Fuchs bị kết án 14 năm tù - mức án cao nhất trong khung hình phạt tội phạm gián điệp ở Anh. Do Klaus Fuchs được
Albert Einstein giới thiệu vào làm việc tại dự án Manhattan nên chính quyền Mỹ hoài nghi thiên tài vật lý cũng là gián điệp cho Liên Xô.
Chính vì vậy, Giám đốc FBI John Edgar Hoover nghi ngờ Albert Einstein đã giúp đỡ Liên Xô trong sản xuất vũ khí nguyên tử nên đã cho người điều tra mọi động thái, theo dõi và thu thập thông tin về cuộc sống, công việc của nhà bác học này. Từ năm 1948 - 1952 là chuỗi ngày đen tối nhất đối với Albert Einstein. Ông đã bị FBI theo dõi sát sao, nhất cử nhất động của ông đều bị giám sát chặt chẽ.
Điệp viên không được đào tạo bài bản, bán tài liệu mật của Anh cho Hitler
Elyesa Bazna là điệp viên bí mật người Albania làm việc cho phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới 2. Bazna được biết đến với mật danh Cicero - kẻ không được đào tạo trường lớp cơ bản nhưng lại thông thạo nhiều ngoại ngữ nên đã trở thành đầu mối cung cấp khá nhiều tài liệu tối mật cho phe phát xít trong suốt một khoảng thời gian dài.
|
Elyesa Bazna đã bán nhiều tài liệu mật của Anh cho phát xít Đức. |
Cicero từng được tuyển vào làm người giúp việc cho đại sứ Yugoslav tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó làm nhân viên cho một vài quan chức ngoại giao ở Ancara. Đầu năm 1943, điệp viên trên đã được đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyển dụng. Kể từ đó, gián điệp này bí mật chuyển những tài liệu mật của chính quyền Anh cho phe phát xít. Ngay cả trùm phát xít
Hitler cũng đánh giá cao những tài liệu mà Cicero mang về cho phe phát xít. Hitler còn yêu cầu mọi tài liệu, tin tức từ Cicero chuyển cho chính quyền Đức đều phải chuyển cho hắn xem đồng thời trả công hậu hĩnh cho Cicero.
Một trong những tài liệu mật quan trọng mà Cicero chuyển cho phía Đức có liên quan đến Chiến dịch Overlord nằm trong cuộc đổ bộ nổi tiếng Normandy năm 1944. Tuy nhiên, giới chức cấp cao Đức đã không kịp nhận những thông tin đó để lên kế hoạch phản công kịp thời do quy trình chuyển thông tin phức tạp dẫn đến
phát xít Đức từng bước bị đẩy lùi.