Cho đến nay, vì chưa có bất cứ một công trình nào thực sự công phu nghiên cứu về trấn yểm nên lịch sử về đề tài này cũng rất mơ hồ. Có người cho rằng, lịch sử trấn yểm bắt nguồn từ phương Bắc. Lại có người khẳng định, thuật trấn yểm của Việt Nam đã có từ rất lâu đời.
Từ ngôi mộ cổ ở Hồ Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương cho biết: Lịch sử của thuật trấn yểm ở Việt Nam có từ khi nào là câu hỏi khó trả lời. Quan niệm cá nhân về lịch sử trấn yểm của ông là: Việt sử trải gần 5.000 năm văn hiến, một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử và là cội nguồn đích thực của văn minh Đông phương.
Người ta đã phát hiện một ngôi mộ cổ ở Hồ Nam (Nam Dương Tử, có niên đại cách đây 6.000 năm chôn cất theo những tiêu chí phong thủy. Trước tất cả văn bản mô tả lịch sử phong thủy Trung Quốc), xác định rằng: Ngành phong thủy có từ rất lâu ở Nam Dương Tử. Tất nhiên, nó không phải của Tàu. Từ đó cho thấy, lịch sử trấn yểm cũng có từ rất lâu trong Việt sử.
Những truyền thuyết về Vua Hùng chọn đất dời đô cũng thấy rõ việc này. Về ý nghĩa của trấn yểm với đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, học thuật thì tùy thuộc vào mục đích trấn yểm cho nó phất lên hay lụi tàn. Nhưng về lý thuyết của ngành phong thủy học Đông phương thì có thể ảnh hưởng đến cấp quốc gia.
Một thí dụ là ngài Lý Quang Diệu đã dùng phong thủy để chấn hưng Singapore. Nhưng trong phong thủy Lạc Việt - danh xưng xác định cội nguồn phong thủy của người Việt thì ngoài 4 yếu tố tương tác là: Môi trường (Loan đầu); cấu trúc ngôi gia (Dương trạch tam yếu); từ trường trái đất (Bát trạch) và vận nhà (Huyền không) thì chúng tôi có nghiên cứu yếu tố tương tác thứ 5 của phong thủy Lạc Việt chính là các phương pháp trấn yểm.
Thí dụ như bùa chú, tôi coi là một mật mã tương tự như mật khẩu của vi tính để tác động vào con người, môi trường hay ngôi gia. Nhưng vì nguyên lý lý thuyết đã thất truyền, các thầy bùa chỉ truyền lại phương pháp vẽ bùa. Cho nên với thời gian ngày càng sai lệch nên đã mất, hoặc phản tác dụng.
|
Đền thờ Tả Ao ở Hưng Yên, người được coi là ông tổ của nghề phong thủy Việt Nam. |
Đến việc nhà Lý dời đô
Nhà nghiên cứu Thiên Việt lại cho rằng, khoa địa lý phong thủy bắt đầu có từ đời nhà Hạ, Thương, Chu, lúc này người ta chỉ biết bói quẻ chọn đất. Đến đời nhà Tần, nhà Hán mới tính kham dư, tức xem thêm về thiên văn. Trước khi có Quách Phác (đời Tấn), ông được xem như tổ thuật phong thủy, lúc đó môn này còn rời rạc, khi được ông giải thích về thuật phong thủy, mọi người mới tường tận hơn.
Rồi sang đời nhà Minh có Tưởng Bình Giai, quyết định rằng: Sinh khí, tụ khí tạo diện mạo cảnh quan, môi trường cho con người thấy thoải mái trong cuộc sống; bởi có nó con người mới "có hồn".
Còn môn phong thủy khi xâm nhập vào nước ta, mới đầu chỉ phổ biến hạn chế trong xây dựng đình, đền, chùa, miếu và mồ mả thời nhà Đinh, Lê (thế kỷ thứ X). Đến đời nhà Lý, trong chiếu dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho rằng: Nơi đây là trung tâm của trời đất, được thế rồng bay hổ ngồi, đúng điểm kết tụ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.
Cũng vào thời kỳ vua Lê, nước ta có thầy địa lý Tả Ao, tinh thông phong thủy không kém Quách Phác đời Tấn của Trung Quốc xưa, sau Tả Ao còn có tiến sĩ Hòa Chính, cũng từng sang nước bạn học hỏi thuật xem tướng đất, dùng cất nhà và an táng. Là người học được khoa địa lý chính thống từ Trung Quốc, đem cái đã học đưa về nước nghiên cứu cho phù hợp với phong thổ nhân văn, mà phát huy môn phong thủy theo tính cách riêng cho mình.
|
TS Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, trấn yểm đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời. |
Thầy địa lý nổi tiếng người Việt
Cũng theo nhà nghiên cứu Thiên Việt, Tả Ao có tên Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông sinh năm nào không rõ, nhưng có tên tuổi vào thời vua Lê chúa Trịnh, tức những năm 1545 - 1788. Theo truyền miệng, cha Tả Ao mất sớm còn mẹ bị mù. Vì nhà nghèo nên đến xin giúp việc cho một lang y người Trung Quốc, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau được học nghề. Chính thế mà ông chữa được bệnh mù mắt cho mẹ.
Thầy lang Tàu thấy Tả Ao có chí lớn, đã dẫn ông theo về nước dạy thêm nghề thuốc. Gần nhà lang y, có ông thầy địa lý giỏi đang bị bệnh về mắt, Tả Ao được thầy lang phái sang chữa trị. Thầy địa lý nói, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề phong thủy.
Vì ơn nghĩa nên thầy địa lý bằng lòng, liền truyền hết tinh hoa môn phong thủy cho Tả Ao học hỏi, đến khi thành tài, học và hành viên mãn, Tả Ao xin cả 2 ông thầy cho về nước. Trước khi cho Tả Ao về, ông thầy địa lý muốn thử tài hiểu biết mới làm ra 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỗi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa ông 100 cây kim đi điểm huyệt.
Tả Ao điểm đúng 99 lỗ của đồng tiền, còn một cây điểm ở mép đồng tiền, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí, ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Thấy Tả Ao đã điểm trúng các huyệt, thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của Trung Hoa.
Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc chữa trị các bệnh tật cho dân chúng, ít khi sử dụng môn phong thủy đã học, chỉ khi cần thiết mới ra tay xem giúp thế đất cho mọi người, tuy vậy danh tiếng về tài xem địa lý phong thủy của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc.
Nhưng cũng vì Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, nên ông không có chân truyền cho kẻ hậu bối. Khi ông mất người nhà mới tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý, phong thủy: Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng còn có nhiều sách được in nói chính là sách của Tả Ao. Còn các nhà xem "tướng đất" ở nước ta, khi đọc xong 2 quyển trên, đều cho rằng đây là hai bộ sách quý.
Nhưng trước hết, sự vĩ đại của Tả Ao không phải là tài nghệ phong thủy và trấn yểm. Điều làm ông còn mãi với thời gian là đạo đức nghề nghiệp với quan niệm "tiên tích đức, hậu tầm long".
“Triều Lý của nước ta từng ban thẻ hành nghề cho những người làm nghề địa lý, phong thủy, tướng số. Đó là một nghề được công nhận và giám sát rất chặt chẽ”.
TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, dịch vụ văn hóa và Khoa học - Công nghệ.