Về làng Nhân Trai, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, chúng tôi được mục kích nét đẹp văn hóa hồn hậu của làng quê này. Trong quần thể giếng nước – cây đa – sân đình, bao đời nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về giếng cổ mang màu sắc huyền thoại như hồn quê, hồn đất …
Mắt rồng cứu người
Giếng cổ Nhân Trai nằm ở phía sau đình làng Nhân Trai, trong quần thể làng văn hóa Văn Chỉ – nơi có các miếu trong ngõ rất linh thiêng. Từ xa xưa, các bậc tiền bối đã lưu lại truyền thuyết rồng thiêng rằng, giếng được thấy chọn đúng đất phong thủy, tinh thông hướng làng, được yểm đúng mạch nên nước quanh năm trong vắt, không bao giờ cạn, ở đúng vị trí mắt rồng.
Vì thế, dân làng Nhân Trai từ già đến trẻ, từ đời này sang đời khác đều tự hào rằng, họ được thần rồng bảo vệ nên chưa có một người nào rơi xuống giếng mà mất mạng.
Cũng theo các cụ cao niên trong làng, di ngôn của tổ tiên xưa kể lại rằng, làng Nhân Trai thuộc tổng Cổ Trai cách đây trên 500 năm, khi có làng thì có giếng. Ông cha đã tìm thấy chọn đất, cắm đất tìm mạch nước làm giếng để lấy nước dùng ăn uống, đặc biệt là phục vụ cho đình làng rửa đồ thờ vào dịp 27 tháng chạp hằng năm.
Ông Bùi Quang Mên, 76 tuổi, người sưu tầm những tài liệu về giếng cổ Nhân Trai, cho biết: “Chúng tôi coi giếng cổ là một báu vật của quê hương. Giếng có 9 cọc và 7 mạch nước chảy từ dưới lên. Đường kính đáy giếng là 0,95 mét, và miệng giếng là 1,85 mét, sâu 4,19 mét. Riêng 9 cọc dưới giêng, mỗi cọc nhô lên khỏi đáy từ 0,5 – 0,65 mét. Có 273 viên đá cổ xếp nên thành giếng".
Diện tích khuôn viên giếng là 5,3 m2, diện tích miệng giếng là 18,4 m2, dung tích giếng chứa 6,5 m3 nước. Giếng nước quanh năm không bao giờ cạn. Nước giếng bốn mùa đều trong xanh, mát ngọt. Mùa đông nước ấm nóng, mùa hè nước mát lạnh. Dù cho mưa gió thế nào giếng nước cũng không bị đục”.
Bên cạnh đó, giếng cổ còn được lưu truyền nhiều sự tích mang màu sắc liêu trai. Bà Phẳng, 77 tuổi kể: “Hồi bé, tôi còn được nhìn thấy 2 – 3 con lợn trắng chạy quanh giếng, trong đó có một con lợn què bị dân làng vồ hụt. Sau các cụ nói con lợn què đó là lợn quý, không ai bắt được vì thần linh muốn răn dạy mọi người không được tham lam, chiếm hữu của công”.
Ông Mên trầm ngâm kể: “Ở làng tôi, giếng như vị thần bảo hộ cho người dân. Có rất nhiều người ngã xuống giếng nhưng đều thoát chết một cách thần kỳ. Trẻ con trượt chân rơi xuống giếng bám vào giếng, không bị uống nước, người cứ thế tự nhiên nổi lên, sau đó trẻ kêu cứu, người ở gần đến cứu kịp thời. Có cụ uống rượu say, đến giếng ngồi tìm cách uống ít nước, bị ngã xuống giếng cũng được dân làng vớt lên. Mới đây, có người dân ra giếng múc nước để rửa đồ thờ bị đứt gàu ngã lộn xuống giếng, những trường hợp như thế, mọi người đi cùng đều nhanh chóng vớt được người ngã lên”.
Nơi xe duyên đôi lứa
Do nước giếng trong lành, mát ngọt nên giếng cổ Nhân Trai được dân làng nườm nượp đến gánh nước về dùng. Cả người làng Cổ Trai bên cạnh cũng đến Nhân Trai xin nước về sử dụng. Mọi người ngày đêm ra giếng lấy nước nên giếng cổ là nơi gặp gỡ, hẹn hò, tâm sự, tình tự của rất nhiều trai gái. Tại giếng cổ này, những câu chuyện tình yêu của người Nhân Trai được lưu truyền muôn đời.
Ông Bùi Hữu Dũng, trưởng thôn Nhân Trai cho biết: “Không những phục vụ sinh hoạt cho người dân, giếng còn là nét đẹp tâm linh của mọi người, là nơi se duyên trai gái, ươm mầm hạnh phúc. Từ nhỏ tôi đã nghe kể nhiều mối tình nảy sinh nơi giếng cổ, đến giờ tôi vẫn nhớ mãi mối tình của ông Thắng và bà Nghé. Ông bà giờ đã ngoài 80 tuổi, vẫn hóm hỉnh, nồng nàn yêu thương. Người làng tôi trân trọng tình yêu bắt nguồn từ giọt nước giếng quê này nhiều lắm”.
Tâm sự chuyện tình của mình bên giếng làng, ông Thắng cho biết: “Tôi gặp bà Nghé trong lần đi gánh nước giữa trưa hè nắng nóng. Nhìn bà ấy gánh đôi thùng nước trĩu nặng cả hai vai, áo đầm mồ hôi, đôi má đỏ hồng mà miệng vẫn nở nụ cười xinh nên tôi thấy lòng xao xuyến. Tôi ngỏ lời gánh hộ bà ấy nhưng bà ấy từ chối. Chính lần gặp mặt đầu tiên đó bà ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Rồi từ đó trở đi, tôi và bà ấy đều gặp nhau bên giếng làng, cùng gánh nước giúp nhau rồi nảy sinh tình yêu, kết duyên vợ chồng cho đến bây giờ”.
Chuyện tình của ông Thắng, bà Nghé đã là niềm vui của rất nhiều cô thôn nữ, trải làng nơi đây. Đến giờ khi tuổi đã thất thập cổ lai hy, ông Thắng vẫn viết những vần thơ chan chứa tình cảm về mối tình bên giếng làng: “Yêu thương dòng ngọt giếng đình/ anh xin gánh đỡ mong thành lứa đôi”.
Hay như chuyện tình của ông Bùi Thanh Hiến cũng khởi nguồn từ bên giếng nước mát ngọt này. Hiện ông đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn nhớ về quê hương với hình ảnh cô thôn nữ thắt đáy lưng ong, chiều chiều ra giếng làng gánh nước, khúc khích cười nói hỏi nhau chuyện lấy chồng.
Giếng làng là hồn quê, tình người của tất cả người con đất Nhân Trai. Ngay cả lớp trẻ cũng tri ân với giếng làng bằng những tình cảm nồng thắm nhất. Chị Bùi Thị Nga, sinh viên Trường đại học Hải Phòng, tâm sự: “Với tôi, giếng làng rất thân thiết trong cuộc sống. Giếng làng chứa đựng cả khoảng trời với hàng ngàn ánh sao và vầng trăng cong vút về đêm. Tôi luôn muốn thả gàu để múc từng giọt nước lấp lánh trăng sao đầy ngọt lành, mát dịu”.
Cho đến nay, giếng cổ được xếp hạng di tích của làng Nhân Trai, được coi như nguồn sữa ngọt mẹ hiền. Ông Mên cho biết: “Cứ đến Tết, người xưa đều lấy ít giọt nước giếng quê để thờ, coi giếng như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Hơn nữa, giờ họ Bùi ở làng được gọi là họ Giếng, xóm được gọi là xóm Giếng với tất cả niềm tự hào và trân trọng. Cũng tại nơi đây, giếng gói trọn tình người, tình quê, như những vần thơ hồn hậu: “gái trai gánh nước trao tình yêu thương/ Dù đi xa khắp bốn phương/ Lòng còn lưu luyến vấn vương giếng làng”.