Tháng 8/1945, khi Hồng quân Liên Xô đã vượt qua được hệ thống phòng thủ dày đặc của đội quân Quan Đông và bắt đầu ào ạt tấn công, quân Nhật đã tìm cách đưa vị vua bù nhìn Phổ Nghi ra khỏi Mãn Châu. Nhưng một đơn vị đổ bộ của Hồng Quân đã kịp thời đánh chiếm sân bay thành phố, bắt giữ chiếc máy bay cùng với vị vua bù nhìn này và chuyển ông tới Chita, sau đó là một trại giam đặc biệt ở Khabarovsk.
|
Phổ Nghi là vị Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng. |
Tại đây cho dù Vua Phổ Nghi là một tù binh, nhưng ông ta vẫn được đối xử với một chế độ đặc biệt. Phía Liên Xô hiểu rằng, Phổ Nghi là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, triều đại đã cai trị Trung Quốc trong suốt hơn 2 thế kỷ rưỡi.
Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Phổ Nghi bị phong trào cách mạng tước mất vương miện. Nhưng đến năm 1934, quân Nhật lại dựng ông lên làm vua bù nhìn tại khu vực Mãn Châu. Thời gian đầu ở Liên Xô, Phổ Nghi rất sợ bị trao trả lại cho Trung Quốc nên đề nghị được sống tại đây và hợp tác với Stalin.
Nội dung những lá thư của Phổ Nghi gửi Stalin cho thấy ông luôn tìm cách thanh minh về việc đã đồng ý làm vua bù nhìn cho quân Nhật, cũng như mong muốn được nghiên cứu học tập những thành tựu vĩ đại của Liên Xô: “Tôi đã không ít lần cố gắng đấu tranh chính trị với quân Nhật, nhưng mọi nỗ lực của tôi đều vô ích. Người Nhật ngày càng thể hiện sự lộng hành và tàn bạo... Trong suốt hơn 10 năm qua, tôi đã phải chịu ách áp bức và giám sát ngặt nghèo của quân Nhật, nên không có cơ hội nào để tiếp thu những kiến thức khoa học. Tôi đặc biệt mong muốn được nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô và một số ngành khoa học khác... Tôi cảm thấy mang nợ Liên Xô vì cuộc sống mới của mình. Thái độ biết ơn đối với Liên Xô và Hồng quân đều không thể diễn tả được bằng giấy hay bằng lời. Với lý do này tôi quyết định dù thế nào cũng xin ở lại Liên Xô, dồn hết nỗ lực để nghiên cứu những thành tựu khoa học mới nhất... Tôi sẽ làm việc không ngưng nghỉ để trả ơn Liên Xô vì ân huệ này, cũng như vì việc đã giúp cứu vớt cuộc sống trước đây của tôi”.
Về phần mình, Stalin cũng đã có ý định đưa vị vua cuối cùng của Trung Quốc ra Tòa án quốc tế tại Tokyo với tư cách một nhân chứng buộc tội chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Kế hoạch này được nhắc tới trong một báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô S.Kruglov gửi lên Stalin: “Theo chỉ thị của chính phủ, đã chuẩn bị nội dung phát biểu trước Tòa án Tokyo của cựu Hoàng đế Phổ Nghi với tư cách nhân chứng buộc tội. Trong quá trình thẩm vấn tại Khabarovsk, ông này đã khai rằng, quân Nhật xâm nhập vào Mãn Châu với mục đích xây dựng ách nô dịch về chính trị, kinh tế và tôn giáo tại khu vực này, đồng thời chuẩn bị bàn đạp để tấn công quân sự vào Liên Xô về sau...”.
Một thời gian sau, khi ra trước Tòa án quốc tế, vị cựu hoàng đế của Trung Hoa không chỉ khẳng định tất cả những lời khai trước đây của mình, mà nhiều lần còn công khai bác bỏ những lời xuyên tạc rằng, ông đã bị phía Liên Xô gây sức ép để nói ra những điều trên.
Ngày 6/9/1946, Phổ Nghi được đưa trở lại Khabarovsk, trong khi phiên tòa tại Tokyo vẫn còn diễn ra thêm hơn 2 năm nữa. Nhờ những lời khai của Phổ Nghi, nhiều tên tội phạm chiến tranh tại Nhật đã bị kết án thích đáng, trong đó có 7 tên đã bị treo cổ.
Sau khi từ tòa án trở về, Phổ Nghi càng có nhiều hành động tích cực nhằm thuyết phục chính quyền Xôviết cho phép được ở lại đây. Về sau trong hồi ký của mình, Phổ Nghi thừa nhận rằng, ông còn có ý định sẽ chuyển sang Mỹ sinh sống. Do Liên Xô là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh, Phổ Nghi hy vọng có thể dễ dàng đạt được mục đích này.
Cần nói thêm là trong khi chuẩn bị chạy trốn hồi năm 1945, Phổ Nghi đã kịp giấu bên trong chiếc vali hai đáy của mình một số lượng báu vật nhỏ nhưng rất có giá trị của triều Thanh. Khi bị bắt giữ tại sân bay vào tháng 8/1945, không ai xem xét kỹ chiếc vali này vì những lý do tôn trọng và ngoại giao.
Đến khi biết được khả năng có thể bị trao trả lại cho phía Trung Quốc, Phổ Nghi đã viết một yêu cầu gửi lên Stalin: “Với lòng kính trọng và chân thành sâu sắc nhất, cho phép tôi đề nghị Chính phủ Liên Xô nhận một số đồ châu báu để có thể sử dụng chúng trong một quỹ giúp phục hồi lại nền kinh tế Xôviết sau chiến tranh”. Kèm theo lá thư trên, cựu hoàng Phổ Nghi gửi luôn theo một loạt những báu vật bằng ngọc, vàng và bạc đặc biệt tinh xảo mà mình đã cất giữ từ bao lâu nay.
Tuy nhiên, vì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, Stalin vẫn quyết định đưa cựu hoàng về quê hương. Ngày 1/6/1950, Thủ tướng Chu Ân Lai trong một cuộc trò chuyện với Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc đã tuyên bố, nước này sẵn sàng nhận lại Phổ Nghi.
Ngày 14/7/1950, Chính phủ Liên Xô đã ký quyết định trao trả lại cựu hoàng cho phía Trung Quốc. Phổ Nghi do quá tuyệt vọng đã tìm cách tự sát nhưng bất thành. Ông bị giám sát chặt chẽ trên một toa tàu đặc biệt, chuyển tới biên giới và bàn giao cho đại diện Trung Quốc.
Nhưng nỗi lo sợ bị trừng phạt của ông vua cuối cùng này đã không có cơ sở. Ông được bố trí vào một trại cải huấn với những điều kiện sinh hoạt và học tập khá đầy đủ: có thể đọc sách, báo, nghe radio, xem phim, luyện tập thể thao, tiếp những vị khách nước ngoài hay thậm chí được đi tham quan các xí nghiệp và nông trang v.v...
Trong thời gian này, Phổ Nghi còn viết cuốn hồi ký “Nửa đầu tiên cuộc đời tôi” tự phê phán quá khứ của mình. Cựu hoàng Phổ Nghi chính thức được ân xá vào năm 1959 và dọn tới ở tại Bắc Kinh.
Năm 1962, ông thậm chí còn trở thành đại biểu của Hội nghị Hiệp thương chính trị - nhân dân toàn quốc. Tháng 10/1967, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh qua đời tại một bệnh viện ở Bắc Kinh.