Có những lời thú nhận khiến dư luận giật mình, đặc biệt là khi được thốt ra từ lời một người sau này được coi là vĩ đại. Năm 23 tuổi, Winston Churchill từng viết cho em trai: "Thứ duy nhất khiến anh lo lắng trong cuộc đời là tiền bạc. Sở thích quá độ, lối sống tốn kém, tiền bạc lại ít - đó là căn nguyên của rắc rối". Thực tế, những phẩm chất khiến Churchill trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại thời chiến cũng chính là thứ suýt phá hủy sự nghiệp của ông, khiến ông liên tục rơi vào tình trạng nợ nần ngập đầu.
Trong những năm 1930, nguyên Thủ tướng Anh Churchill là một người đàn ông có vợ và 4 đứa con còn phụ thuộc, cộng thêm khoản vay nợ trị giá hơn 2,5 triệu bảng Anh tính theo giá tri tiền thời nay. Khoản nợ nần khổng lồ đó do thói ham mê đánh bạc mà ra.
|
Thủ tướng Anh Churchill. |
Theo tác giả David Lough của cuốn sách "No more champagne: Churchill and his money" (Không còn sâm panh: Churchill và tiền bạc), vốn thường tư vấn cho các gia đình về đầu tư và thuế nhưng ông chưa bao giờ gặp trường hợp nào nghiện đánh bạc ở mức độ như ông Churchill. Sở dĩ ông David Lough biết được điều này là nhờ ông Churchill có thói quen giữ tất cả các sao kê ngân hàng, hóa đơn, khoản đầu tư, yêu cầu nộp thuế. Qua mớ giấy tờ này, ông Churchill lộ ra là một con nợ lớn và tiêu pha phung phí vào cờ bạc. Có những giai đoạn ông đánh bạc, giao dịch cổ phiếu, ngoại tệ với mức độ dày đặc và không thể kiềm chế. Hậu quả là nợ nần chồng chất khiến bạn bè, gia đình và các "Mạnh Thường Quân" phải trả nợ hộ vô số lần.
Nghiện cổ phiếu
Khi ông Churchill mất chức Bộ trưởng Tài chính Anh, một điều an ủi là ông có thể dành thời gian viết sách và viết báo kiếm tiền, vấn đề bắt đầu khi ông đi Bắc Mỹ quảng bá cho cuốn sách về Chiến tranh thế giới thứ nhất mang tên "The World Crisis" (Khủng hoảng thế giới) cùng với em trai Jack và con trai Randolph. Ông tới Canada và say sưa trước cơ hội kiếm tiền ở đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò dầu mỏ và khí đốt.
Bị lên cơn sốt đầu tư lúc đặt chân tới Canada, ông ngay lập tức gửi điện về cho nhà xuất bản cuốn sách đòi trả trước tiền nhuận bút và ba hoa về khoản lợi nhuận ông có thể kiếm được nếu hành động ngay ở Canada. Để xoa dịu lo ngại của vợ, bà Clemmie, Churchill nói rằng ông đang kiếm được tiền nhờ bán sách tại các sự kiện, khoe rằng ở Montreal ông đã bán được 600 cuốn. Ông thông báo rằng ông kiếm được chút vốn và hy vọng có thể đầu tư sinh lời. Ông Churchill vung hàng chục nghìn USD đầu tư vào cổ phiếu ngành dầu mỏ và trấn an mọi người là ông sẽ chỉ nắm những cổ phiếu này trong vòng vài tuần.
Tại Mỹ, Churchill ở cùng ông trùm truyền thông William Randolph Hearst và mua cổ phần trong các công ty khí đốt và điện. Rồi ông tới California để đắm mình trong các bữa tiệc thâu đêm với giới tinh tú ở kinh đô điện ảnh Hollywood và thăm thú các trường quay. Sau khi ăn trưa với danh hài Charlie Chaplin, Churchill lên du thuyền của ông Hearst và viết thư về cho vợ nói rằng ông kiếm được 50.000 bảng (thời giá hiện nay) khi đầu tư vào cổ phiếu một công ty nội thất tên là Simmons.
Churchill đã mất kiểm soát và không thể ngừng vung tiền vào cổ phiếu. Mọi thứ ông có thể kiếm đều đổ vào cổ phiếu Mỹ, đủ các ngành từ xưởng đúc cho đến cửa hàng bách hóa. Các nhà môi giới của ông Churchill đã phải gửi điện cảnh báo ông: "Thị trường khó khăn. Cần thanh lý cổ phiếu gấp. Sẽ chờ điện của ông".
Tuy nhiên, ông Churchill phớt lờ cảnh báo. Trong 4 ngày, ông mua và bán số cổ phiếu trị giá 420.000 USD (tức 4 triệu bảng thời nay). Churchill như lên cơn nghiện cổ phiếu. Ông viết thư cho vợ: "Ở khách sạn nào cũng có sàn giao dịch cổ phiếu. Người ta đi, ngồi và xem các con số thay đổi từng phút".
Sụp đổ là điều không thể tránh khỏi. Lúc mở cửa phiên giao dịch sàn chứng khoán New York ngày 24-10-1929, giá cổ phiếu sụt trung bình tới 11%. Nhưng ông Churchill tiếp tục mua vào, ngay cả trước khi lên tàu để về nhà, tự tin rằng mình có thể biến lỗ thành lãi. Lúc về đến nhà ở Kent, ông đã mất 75.000 bảng. Nhưng thay vì ghìm lại thì ông vẫn "cố đấm ăn xôi". Hậu quả là trong vòng 6 tháng, ông mất thêm 35.000 bảng nữa. Tính theo thời giá hiện nay, ông Churchill mất 500.000 bảng sau vụ chứng khoán sụp đổ này.
Đủ cách kiếm tiền
Nỗ lực thanh toán nợ nần của Churchill lâm vào cảnh tuyệt vọng. Ông vay tiền ở bất kỳ chỗ nào có thể, từ em trai, ngân hàng, nhà môi giới, nhà xuất bản hay các chủ bút. Ông lại sắp xếp tổ chức thêm một chuyến quảng bá sách ở Mỹ và đóng bảo hiểm đề phòng trường hợp chuyến đi bị hủy. Sau đó, chính ông lại lấy cớ sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử năm 1931 để hủy chuyến đi rồi bỏ túi 5.000 bảng tiền bồi thường.
Khi cuộc bầu cử sắp diễn ra, Churchill sang Mỹ và gặp phải rắc rối. Ông bắt taxi tới gặp một cộng sự làm ăn đã hẹn trước ở New York nhưng trong lúc vội vã lại quên mang theo địa chỉ của người này. Sau khi đi lòng vòng một tiếng đồng hồ cố gắng tìm tòa nhà nhưng vô ích, ông bước ra khỏi xe taxi và gặp tai nạn.
Ngay cả vụ tai nạn cũng được Churchill tận dụng để kiếm tiền. Ông viết tin đăng báo về vụ tai nạn, gửi cho các báo trên thế giới và bỏ túi 600 bảng. Sau đó, ông đòi bảo hiểm y tế trên cơ sở giả mạo rằng ông "hoàn toàn bị tàn tật". Khi bên bảo hiểm nói rằng ông Churchill vẫn có thể kiếm tiền bằng viết báo, người môi giới của ông phản pháo lại rằng ông không tự mình viết được và bài báo là do thư ký của ông chép theo lời ông. Theo lập luận của người môi giới, chỉ nói không thôi thì không được coi là làm việc. Đuối lý, bên bảo hiểm buộc phải chi tiền.
Không chỉ "chơi" bảo hiểm, ông Churchill còn nói với Sở Thuế Anh rằng ông không còn làm nghề viết sách nữa, nhờ đó ông trốn được khoản thuế thu nhập lớn. Để tránh phải trả thuế đối với các khoản nhuận bút viết sách, ông bán bản quyền và biện hộ rằng số tiền ông nhận được không phải là thu nhập mà là lãi vốn - khoản đươc miễn thuế vào thời đó.
Ông Churchill còn vay tiền từ các quỹ tín thác của con, thậm chí còn bớt uống rượu, không phải là để tiết kiệm tiền mà là để thắng cá cược, ông trùm báo chí Rothermere tuyên bố đặt cược 600 bảng nếu Churchill không uống tí rượu brandy hay rượu mạnh nguyên chất nào trong một năm trời. Churchill nhận lời cá cược và nói với vợ là tiền thắng bạc không phải nộp thuế. Nhưng ông từ chối một vụ cá cược lớn hơn khi có người cá 2.000 bảng rằng ông không thể cai rượu hoàn toàn trong 12 tháng. Ông giải thích: "Tôi từ chối vì tôi cho rằng cuộc sống như thế sẽ không đáng sống".
Ngập trong nợ nần
Trong thực tế, số tiền mà ông Churchill chi cho rượu lên tới 900 bảng. Khi bị Công ty bán rượu Randolph Payne & Sons đòi 900 bảng tiền rượu năm 1936, ông Churchill đã kiểm tra hóa đơn và phát hiện ra tổng số tiền thậm chí còn cao hơn: 920 bảng. Churchill còn hút mỗi ngày cả chục điếu xì gà. Mỗi tháng tốn 13 bảng và nợ tiền xì gà 5 năm liền. Trong Thế chiến II, chi tiêu rượu và xì gà của ông tốn 1.650 bảng/năm.
Lặn ngụp trong nợ nần ước tính 1,5 triệu bảng tiền thời nay, Churchill thông báo cắt giảm mạnh chi tiêu cho gia đình năm 1926. Ông ra sức tiết kiệm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Ba người giúp việc bị cho nghỉ việc chỉ tiết kiệm được 240 bảng. Chừng ấy tiền giặt là cũng bị cắt. Ông không mua sâm panh nữa, chỉ hút 4 điếu xì gà mỗi ngày. Nhiệt độ trong bể bơi cũng bị giảm để tiết kiệm một nửa chi phí làm ấm. Đến năm 1938, khi Hitler và Mussolini hoành hành châu Âu, ông Churchill không còn nguồn tiền nào cả. Cả hai ngôi nhà của ông đều được rao bán nhưng chẳng có ai thèm mua.
Công cuộc thắt lưng buộc bụng kéo dài chưa đầy 3 tháng. Trên đường về nhà trên một con tàu trên Địa Trung Hải năm 1927, ông Churchill, khi đó là Bộ trưởng Tài chính, lại lao vào sòng bạc và mất 350 bảng. Mỗi khi đi nghỉ hàng năm ở miền Nam nước Pháp, Churchill thường vùi mình trong các sòng bạc và nướng trung bình 40.000 bảng mỗi năm vào cờ bạc. Một ví dụ cụ thể là ông vung 50.000 bảng chỉ trong một kỳ nghỉ ở sòng bạc tại thành phố Cannes năm 1936. Trong 12 lần đi nghỉ ở Pháp, ông đánh bạc 12 lần và chỉ thắng một lần.
Nhuận bút viết báo không còn đủ để trang trải tiền thuế. Ông Churchill rút quá 35.000 bảng số tiền mình có trong ngân hàng và các nhà môi giới đòi ông trả ngay 12.000 bảng. Trong tình cảnh đó, ông thừa nhận: "Có lúc, dòng nước tuyệt vọng đen ngòm bao trùm tôi. Tôi chứng kiến ánh sáng bò chầm chậm qua cửa sổ và nhìn thấy trước mặt bóng thần chết".
Trong cơn túng quẫn, Churchill nhờ bạn là Brendan Bracken, đồng sở hữu tờ The Economist, cứu giúp. Bracken đã nhờ cậy đối tác làm ăn là ông Henry Strakosch, vốn là người rất ngưỡng mộ Churchill, coi ông là chính trị gia có tầm nhìn, có đủ năng lực và dũng cảm để chống lại mối đe dọa của Đức Quốc xã. Điều quan trọng là ông Henry cực kỳ giàu có. Churchill tới thăm ông Henry tại nhà riêng ở Cannes. Ông Henry đã không ngần ngại trả 12.000 bảng tiền nợ cho Churchill. Rất ít người biết về vụ giải cứu này.
Năm 1939, ông Churchill là Bộ trưởng Bộ Hải quân với mức lương 5.000 bảng, bằng đúng số lương khi ông làm thành viên nội các năm 1912. Khoản lương quan trọng nhưng không thấm vào đâu so với mức chi tiêu của ông, chứ chưa nói đến chuyện trả lãi các khoản vay lên tới 27.000 bảng.
Ngày 10-5-1940, phát xít Đức tràn vào Hà Lan và Bỉ, Thủ tướng Neville Chamberlain từ chức. Vua George VI đề nghị ông Churchill lập chính phủ. Còn bản thân ông lên làm thủ tướng với mức lương 10.000 bảng nhưng lại phải trả mức thuế thu nhập cao nhất tới 97,5%. Vậy là Churchill gần như không còn gì.
Tháng 6-1940, Thủ tướng Churchill bị Ngân hàng LIoyd gửi tối hậu thư yêu cầu trả 5.602 bảng tiền lãi của khoản tiền ông đã rút quá. Một lần nữa, vị cứu tinh Henry lại xuất hiện với tấm séc 5.000 bảng.
Để trốn thuế, ông Churchill dùng đủ mọi cách có thể, thậm chí còn để con trai đứng tên một phần thu nhập vì con ông chịu mức thuế thấp hơn. Chiêu này giúp Churchill tiết kiệm 1.500 bảng nhưng khiến ông luôn bất an vì con trai ông, Randolph có máu đánh bạc liều lĩnh hơn cả bố.
Thứ cứu vãn tình hình tài chính của ông Churchill và khiến ông ổn định suốt phần đời còn lại là Hollywood. Năm 1943, một nhà sản xuất phim Italia trả ông 50.000 bảng để mua bản quyền phim cuốn tiểu sử ông viết về tổ tiên của mình là thiên tài quân sự Marlborough, ông Henry mất năm 1943 và để lại cho Churchill 20.000 bảng và xóa nợ cho ông.
Khi cuộc đổ bộ D-Day sắp tới, lần đầu tiên ông Churchill có đủ tiền trả nợ trong suốt 20 năm. Cuối cuộc chiến, ông còn bỏ túi thêm 50.000 bảng nữa tiền bán bản quyền cuốn “Lịch sử người nói tiếng Anh”. Năm 1945, đảng Bảo thủ của ông Churchill thất bại trong bầu cử và ông phải từ chức thủ tướng, trở thành lãnh đạo đối lập với Công đảng.
Trong cái rủi có cái may. Ngày ông từ chức, ông nhận được một loạt lời mời viết hồi ký chiến tranh với số tiền lên tới 1 triệu USD. Ông lại bày trò trốn thuế khi giao toàn bộ giấy tờ cá nhân gồm nhật ký, hồi ký cho con cái. Còn ông chỉ lấy danh nghĩa sửa bản thảo.
Trong quá trình "sửa" bản thảo, hóa đơn rượu trong 5 tuần đầu lên tới 2.100 bảng. Trong 2 tháng năm 1949, Churchill và khách tới chơi nhà ở Chartwell uống 454 chai sâmpanh, 311 chai rượu vang, 69 chai rượu port, 58 chai rượu mạnh, 58 chai rượu vàng, 56 chai whisky.
Khi ông Churchill làm Thủ tướng lần nữa năm 1951, chi tiêu hàng năm của ông là 40.000 bảng. Lúc đó, vinh quang ùa đến. Ông giành giải Nobel Văn học, được một khoản tiền thưởng 12.000 bảng không phải đóng thuế.
Ông Churchill qua đời ngày 24-1 -1965 hưởng thọ 90 tuổi, cả thế giới tiếc thương. Nhưng đối với một vài người lại có lý do đặc biệt khác để tiếc: họ sẽ không bao giờ có một khách hàng như thế nữa. Thậm chí, nhà sản xuất rượu Odette Pol-Roger nổi tiếng ở Pháp còn yêu cầu quấn một dải băng đen tưởng niệm ông Churchill lên tất cả các chai rượu sâm-panh trong gia đình bà.