Một tài liệu mật mới được phát hiện gần đây cho thấy trong thập niên 50, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đầu tư tuyển dụng và đào tạo nhiều công dân bang Alaska trở trành đặc vụ mật tại địa phương nhằm đối phó với viễn cảnh Liên Xô đưa quân đội tới đây.
Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ luôn lo lắng về khả năng Liên Xô đưa quân đội đến Alaska. Vì vậy vào năm 1951, John Edgar Hoover, Giám đốc đầu tiên của FBI đã đề xuất thực hiện một chương trình có mật mã “chậu giặt”, đây là dự án tuyển lựa và đào tạo một hệ thống đặc vụ mật là công dân Alaska.
|
Một góc Alaska. Ảnh: Reuters. |
Theo tài liệu bị rò rỉ, các đặc vụ mật Alaska được tuyển chọn từ nhiều ngành nghề đa dạng như ngư dân, thợ săn, phi công... Điều kỳ lạ là những người thổ dân bản địa như người Eskimo và Aleut, lại không được tuyển dụng bởi theo các quan chức FBI họ là "những người không được trung thành". Bên cạnh đó, trong tài liệu cũng đề cập đến việc không tuyển dụng phụ nữ, tuy nhiên không hề đưa ra lý do chi tiết.
Sau khi được tuyển dụng, các đặc vụ mật người Alaska sẽ được nhận khoản tiền lương hậu hĩnh 3.000 USD/năm (tương đương 30.000 USD hiện nay) và được hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi nếu chiến tranh xảy ra.
Tiếp đó, các đặc vụ mới được tuyển sẽ tham gia các khóa học nhảy dù, kỹ năng đánh giáp lá cà, du kích, thẩm vấn, trinh sát, kỹ năng sinh tồn và giải mật mã. Tuy nhiên việc học tất cả các kỹ năng trong thời gian ngắn dường như không đem lại nhiều kết quả, việc này đã được ghi nhận trong tài liệu.
|
John Edgar Hoover. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, các đặc vụ được đào tạo riêng biệt, sau đó hoạt động trong tổ chức được gọi là “tế bào” bao gồm một lãnh đạo, một nhóm đặc vụ được lãnh đạo tuyển dụng và các đặc vụ cấp dưới chưa từng được tiếp xúc với lãnh đạo.
Các đặc vụ mật được giao nhiệm vụ hoạt động trong những các boongke với thực phẩm, quần áo ấm, radio và phương tiện giải mật mã để báo cáo lại các động thái của “quân thù”.
Tuy được khởi xướng bởi FBI tuy nhiên vào tháng 9/1951 chương trình sau này lại thuộc điều hành của Cơ quan điều tra đặc biệt của không quân Mỹ (OSI) và trở thành dự án lâu dài nhất trong chiến tranh lạnh của cơ quan này. Lý do của việc chuyển giao này do Hoover lo lắng FBI sẽ đảm nhận khiển trách khi chiến tranh xảy ra.
Hãng tin AP dẫn nguồn từ Deborah Kidwell, nhà sử học của OSI cho biết chương trình "chậu giặt" này kéo dài từ năm 1951 đến 1959, trong thời gian này, đã có 89 đặc vụ Alaska mật được đào tạo. Tuy nhiên chương trình được hình thành từ sự lo sợ này dường như đã trở thành một "sản phẩm phí phạm" của Mỹ bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh bởi Liên Xô không hề đưa quân đội đến Alaska.