Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu
Vào năm 1994, một ngôi mộ cổ được khai quật tại khu vực Xóm Cải, quận 5, TP HCM. Mộ được chôn rất sâu, 15 thanh niên phải mất 40 ngày mới đục đến được đáy quách sâu gần 8m. Vỏ quách làm bằng hợp chất kiên cố như tường thành.
Quan tài trong mộ lớn hơn bình thường, được ghép bằng hai lớp gỗ quý. Dưới nắp quan tài là hai lớp chiếu cói và một lớp giấy bản dày hơn 5 cm.
|
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu. |
Ngập trong chất dầu thơm có màu đỏ, xác ướp được bọc trong chín lớp áo vải, lụa, gấm quý. Đây là một phụ nữ trạc 60 tuổi, tóc cắt ngắn chớm vai, da dẻ mịn màng và hơi có màu đỏ sạm của dầu thơm. Các khớp xương của xác ướp vẫn còn co duỗi rất tốt, da thịt mềm mại, rất ít có dấu hiệu bị phân hủy.
Ngoài các đồ tùy táng thông thường, hiện vật trong mộ có nhiều vàng bạc, trong đó, có một đôi giày bằng vàng. Có lẽ việc chứa cả một “kho báu” là lý do khiến huyệt mộ được đào sâu và xây dựng hết sức kiên cố.
Từ các hiện vật có khắc chữ, danh tính xác ướp phụ nữ được xác định là bà Nguyễn Thị Hiệu, một người thuộc hoàng tộc sống dưới triều vua Gia Long.
Ngày nay, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM.
Xác ướp bà Phạm Thị Đằng
Tháng 11/1968, một cuộc khai quật diễn ra tại ngôi mộ cổ ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ngôi mộ cổ này xây theo kiểu trong quan ngoài quách. Bên ngoài quan tài là lớp quách dày gần 30 cm, được đổ bằng 13 mẻ hợp chất cứng, bền, rất khó phá. Quan tài dày gần 10cm, bằng gỗ ngọc am và gỗ lim ghép lại với nhau.
Tình trạng của xác ướp trong mộ khá hoàn hảo. Đó là người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc dài chớm hoa râm, làn da toàn thân vẫn trắng mịn, mềm mại, các khớp chân, tay có thể co duỗi dễ dàng. Mắt xác ướp vẫn còn rõ lòng đen, trắng, hai hàm răng nhuộm đen cũng chưa rụng chiếc nào...
Xác ướp được mặc 35 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, 18 chiếc váy vải, lụa. Các hiện vật khác gồm hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, quạt nan giấy, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi, túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa. Trên ngực xác ướp còn được đặt một chuỗi tràng hạt kết bằng 101 hạt gỗ đen, và một túi gấm đựng hai quyển Đại tạng kinh và Tu tinh thổ tiệp kinh.
Về sau, xác ướp được xác định là bà Phạm Thị Đằng, phu nhân của quan thượng phụ Đặng Đình Tướng (1649 - 1735).
Xác ướp bà phi họ Trịnh
Năm 1957, một ngôi mộ chứa xác ướp bắt đầu được nghiên cứu tại tỉnh Thanh Hóa. Trước đó, mộ đã bị người dân địa phương đào, xác ướp bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ giữa đồng ba ngày rồi chôn lại trong quan quan tài ngập nước gần một tháng.
Khi các nhà khảo mở lại mộ, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn và bốc mùi dầu thơm, phục trang còn rất tốt dù đã bị người đào phá rách. Sau đó, xác ướp được tắm lại bằng nước sạch năm lần vẫn không hết mùi thơm. Dung dịch bảo quản xác lan tỏa ra ngoài khiến vùng đất quanh mộ nhiễm mùi thơm một thời gian dài mới hết.
Bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680). Quan tài được đóng bằng gỗ ngọc am. Xác ướp được xác định là một bà phi thuộc dòng họ Trịnh. Những hiện vật còn sót lại là sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến.