Kỳ 3: Giải mã lọ mỡ người
Như đã nói ở kỳ trước, người tận mắt bọn phỉ giết hại hai cán bộ lương thực tỉnh Hà Giang, rồi rán mỡ dọa nhân dân, là cụ Giàng Pà Sính, ở xã Lũng Phìn (Đồng Văn, Hà Giang).
Cụ Giàng Pà Sính đã già, nhưng cụ nhớ rõ như in, kể đi kể lại vẫn đúng từng chi tiết. Cụ nhớ từng chi tiết bởi hình ảnh ấy ám ảnh cụ đến tận bây giờ.
Cụ Sính khẳng định tên Giàng Mí Thùng (không phải Giàng Mí Thưng như ghi chép ở Bảo tàng Hà Giang - PV) chỉ huy mấy tên tay chân sát hại 2 cán bộ, chứ không phải hắn tự tay sát hại hai cán bộ lương thực.
Ngoài ra, theo cụ Sính, hai cán bộ là người Thổ, tức người Tày. Tiếc rằng, cán bộ đó quê ở đâu, tên là gì, thì cụ không rõ, vì khi đó hai cụ là Việt Minh, hoạt động bí mật, không tiết lộ danh tính.
|
Cụ Giàng Pà Sính trao đổi với phóng viên về chuyện phỉ giết người, rán mỡ .
|
Rời Lũng Phìn, tôi trở lại Hà Giang, tìm gặp những cán bộ lớn tuổi, đã về hưu, và may mắn gặp được Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy phó chính trị, nguyên Phó Bí thư đảng ủy quân sự tỉnh Hà Giang, đã nghỉ hưu từ năm 2002. Đại tá Chung bắt đầu câu chuyện từ sự hình thành của phỉ ở Hà Giang.
Theo ông Chung, phỉ thực ra là giặc cỏ, là dân lầm đường, nổi loạn. Khi Pháp sang, chúng tìm cách chiếm đóng vùng biên, nhằm cắt đứt liên lạc của ta với các nước xã hội chủ nghĩa.
Toàn bộ đường biên giới Đông – Tây chúng đã bịt được, riêng địa bàn Hà Giang thì Pháp chịu thua. Thực dân Pháp đã nuôi dưỡng đám giặc cỏ này, gọi là phỉ, để sử dụng vào mục đích riêng của chúng, nhằm chống phá cách mạng.
Pháp muốn khống chế Vương Chí Sình (vua Mèo), nhưng không thành công, vì Đồng Văn là mặt trận chính của liên khu 10. Bác Hồ đã nhanh trí nhận Vương Chí Sình làm em nuôi, nên Pháp không khuất phục được.
Cả tuyến Tây Bắc, Pháp đã khống chế thành công, riêng Hà Giang chúng tấn công lên đều thất bại. Pháp đã xây dựng hàng loạt tổ chức phỉ khét tiếng ở vùng đất này. Cuộc tiễu phỉ của bộ đội ta cũng vô cùng vất vả, khốc liệt.
|
Lọ mỡ người trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
|
Trong hoàn cảnh đó, năm 1959, một số cá nhân có vai trò, uy tín trong cộng đồng lợi dụng địa vị hợp pháp, đã nổi loạn thành phỉ. Khi đó, các băng đảng phỉ được đà nổi lên rất mạnh, chúng như bọn điên khùng, không còn tính người.
Quân đội ta đã sử dụng lực lượng quân sự đánh mạnh lên, nhằm tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, khi đánh dữ thì lại ảnh hưởng đến tính mạng nhân dân, nên bộ tội ta lại rút, dùng phương pháp thuyết phục dần dần.
Theo Đại tá Chung, trong trận tiễu phỉ đầu tiên của Trung đoàn 246 đánh vào Phố Cáo (Đồng Văn), khi đột nhập vào hang ổ của phỉ là một nhà dân ở sườn dốc, ta đã bắt được mấy tên phỉ.
Tại nơi chúng ở, ta thu được một ống bương rất lớn đựng mỡ. Chúng khai đó chính là lọ mỡ người. Khi bộ đội ta hỏi vì sao chỉ còn nửa ống, thì chúng kể rằng đã ăn mất một nửa.
Dân chúng khi đó cung cấp thông tin cho bộ đội ta rằng, bọn chúng đã dùng con dao dài, cong, như kiểu dao phát để thái thịt, ăn gan cán bộ ta. Tuy nhiên, đấy chỉ là lời kể của dân, không có căn cứ chứng minh.
|
Phố Cáo (Đồng Văn), nơi bộ đội thu được lọ mỡ người từ bọn phỉ.
|
Theo lời Đại tá Chung, sau khi tiễu phỉ thành công, ta đã thu lại ống bương chứa mỡ người đem về Hà Giang. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến lên Hà Giang đã xem lọ mỡ người này.
Khi đó, rộ lên thông tin mỡ người chứa trong ống bương là của cán bộ hải quan bị phỉ sát hại. Lực lượng quân đội đã cho rà soát. Cả Hà Giang lúc đó mới có 6 cán bộ hải quan. Hỏi các cán bộ hải quan thì họ đều lắc đầu, không công nhận có cán bộ hải quan bị phỉ sát hại, ăn thịt, rán mỡ.
Sau đó, quân đội ta đã điều tra tiếp, thì nhận được thông tin đó là 2 cán bộ thương nghiệp, nằm vùng tại Lũng Phìn.
Điều tra xong, lọ mỡ người được chuyển vào bảo tàng, để tố cáo tội ác của bọn phỉ, để nhân dân được biết và nhớ về một thời kỳ đau thương.
|
Xét xử vụ phỉ nổi loạn tại Đồng Văn năm 1959.
|
Đại tá Chung cho biết: “Đến bây giờ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cũng vẫn chưa thể xác định được lọ mỡ người ấy là của ai. Việc này, bên bảo tàng nên làm rõ. Ở Bảo tàng Hà Giang có nhiều chứng tích tố cáo tội ác của bọn phỉ, nhưng lọ mỡ người thực sự là một chứng tích quan trọng, gây ấn tượng mạnh”.
Hình ảnh lọ mỡ người trưng bày ở Bảo tàng Hà Giang quả thực gây ra nhiều ý kiến. Lọ mỡ đó thực sự không có gì đáng để ý, nếu bên dưới không có dòng chú thích thông tin cho người xem biết đó là mỡ người.
Ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng Hà Giang cho biết, ngày xưa, lọ mỡ người là “di vật” chủ đạo, gây ấn tượng nhất của Bảo tàng Hà Tuyên. Lọ mỡ người đã phản ánh cụ thể nhất về tội ác của phỉ, sự mất mát của dân tộc bị nạn giặc dã.
Về sau này, có một số người bày tỏ ý kiến không nên trưng bày, vì nó dã man quá, dù sao nó cũng là một thời kỳ lịch sử đau thương và đã qua, không nên nhắc lại làm gì.
Ông Âu Văn Hợp cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người, nhiều tầng lớp, và phần đa ý kiến đều nói lịch sử thế nào thì cứ để như vậy, đó là sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật. Ông Hợp vẫn cho trưng bày lọ mỡ người và vẫn tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của khách tham quan.
Câu chuyện về lọ mỡ người còn nhiều bí ẩn, cần các nhà nghiên cứu, các nhà lịch sử vào cuộc, làm sáng tỏ thêm.
Khi phóng viên cung cấp một số thông tin thu thập về lọ mỡ người cho Bảo tàng Hà Giang, ông Âu Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng Hà Giang cho biết: “Ông chủ tịch xã Giàng Pà Sính ở xã Lũng Phìn kể chuyện chứng kiến cảnh bọn phỉ giết 2 cán bộ thương nghiệp, theo quan điểm của tôi, thì tôi chưa tin chắc chắn lắm. Vì khi đó phỉ nổi loạn, chém nhau kinh lắm, làm sao dám ở đó xem nó giết người ra sao. Bảo tàng cũng nhận được một số ý kiến, một số câu chuyện kể của những người cao tuổi, tuy nhiên, chúng tôi phải xác minh chắc chắn, mới có thể coi đó là thông tin chính thống”.