Mục tiêu hàng đầu của cuộc đấu trí ấy là phải nắm bắt được chính xác ý đồ chiến lược của đối phương để xác định phương hướng chiến lược, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược. Việc giữ bí mật ý đồ chiến lược là vô cùng quan trọng đối với cơ quan đầu não chỉ huy của mỗi bên.
Tướng bốn sao Na-va (Henri Navarre), 55 tuổi sang thay Xa-lăng (Raonl Salan) làm tổng chỉ huy mới của quân đội viễn chinh Pháp. Tính từ năm 1946, khi mở cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đến tháng 5/1953, nước Pháp đã thay 7 viên tổng chỉ huy quân đội viễn chinh.
|
Bộ đội Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc trong Chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954. Ảnh tư liệu. |
Vốn xuất thân là sĩ quan tình báo, Na-va rất coi trọng cơ quan phòng Nhì (deuxième bureau), mạng lưới điệp viên và tận dụng khai thác các nguồn tin tình báo từ mọi phía.
Ngày 19/5/1953, Na-va đặt chân đến Sài Gòn. Ngay sau đó, y đã lao vào cuộc nghiên cứu tình hình tại chỗ, chỉnh đốn lại cơ quan phòng Nhì, nâng tầm tình báo chiến lược và chỉ thị cho Bộ tham mưu bắt tay xây dựng đề án kế hoạch tác chiến chiến lược. Nhưng hiềm một nỗi, Bộ tham mưu của y chưa xác định được phương hướng tiến công chính của ta. Nhìn sang đối phương, Na-va và Bộ tham mưu của y tù mù như nhìn vào cánh rừng đại ngàn âm u Việt Bắc.
Trong thời gian ấy, tại đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh ta đặt trong rừng sâu, các cơ quan tham mưu đang ráo riết nghiên cứu và lên kế hoạch phương án tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 để Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng vào trung tuần tháng 10-1953.
Qua các cuộc chỉnh huấn chính trị, ta đã từng bước và triệt để làm trong sạch nội bộ các cơ quan Trung ương trong an toàn khu. Kỷ luật bảo mật phòng gian được nghiêm chỉnh thực hiện nên các tin tức không thể lọt ra ngoài khu căn cứ. Cục Bảo vệ quân đội phối hợp chặt với Nha công an Trung ương bắt gọn nhiều tên điệp báo của phòng Nhì Pháp tung vào căn cứ địa Việt Bắc.
Hè năm 1953 thực sự là mùa hè nóng bỏng. Ngoài việc tập trung quân cơ động lên đến 44 tiểu đoàn sẵn sàng hành binh tiến công, với khẩu hiệu "luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công", Na-va đã táo bạo chủ động mở 20 cuộc hành binh lớn nhỏ càn quét, tung biệt kích vào sâu hậu phương ta nhằm thăm dò ý đồ, phương hướng chiến lược của ta.
Trung tuần tháng 10 năm 1953, tại bản Tỉn Keo thuộc thôn Lục Giã, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, dưới chân núi Hồng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn phương án tác chiến Đông Xuân của Tổng quân ủy.
Trong thời gian này, Bộ Tổng tư lệnh ta đã nắm được nhiều điều quan trọng trong kế hoạch Na-va: Biết rõ số quân tăng viện từ Pháp và Bắc Phi sang, số lượng quân ngụy phát triển thêm, số binh đoàn cơ động GM (groupement mobile) địch vừa xây dựng được và viện trợ Mỹ tăng rất lớn, cùng với ý đồ tác chiến chiến lược mùa khô 1953-1954 của Na-va.
Nhiều nguồn tin khai thác được ở thông tấn, báo chí địch cũng như các nguồn tin tình báo do các cơ sở của ta trong vùng địch chiếm đóng báo ra rất trùng khớp với các báo cáo, phán đoán âm mưu địch của các cơ quan tham mưu liên khu.
Về đại thể, Bộ Tổng tư lệnh ta đã nắm được kế hoạch chiến lược hai bước của Na-va: "Thu Đông 1953 và mùa Xuân 1954 giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung một lực lượng cơ động lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với cuộc tiến công của ta vào đây. Thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm 3 tỉnh tự do ở đồng bằng Liên khu 5. Đồng thời, đẩy mạnh việc mở rộng quân ngụy và xây dựng một đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực của ta. Từ Thu Đông 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên sẽ dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc ta phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp. Nếu ta khước từ, quân cơ động chiến lược của địch sẽ tập trung mọi nỗ lực loại trừ chủ lực ta".
Tất cả những tin tức tình báo khai thác được cũng như nhận định của Bộ Tổng tham mưu ta về âm mưu kế hoạch chiến lược của Na-va đều đã được đặt trên bàn họp của Bộ Chính trị.
Ngôi nhà Bộ Chính trị họp náu mình trên sườn đồi cây rậm rạp kín đáo, máy bay địch khó có thể phát hiện. Đường đi lối lại được canh gác bảo vệ nghiêm ngặt. Phiên họp với nội dung đặc biệt quan trọng, điều mà Na-va đang ra sức tìm kiếm, nên quy chế bảo mật càng hết sức nghiêm mật. Không như các cuộc họp thường lệ của Bộ Chính trị, văn phòng Trung ương Đảng không cử người đến ghi chép mà đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị, trực tiếp làm thư ký cuộc họp.
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954.
Nghe xong, Bác Hồ nhắc lại tinh thần nghị quyết đầu năm 1953 của Trung ương Đảng: "Phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, vì vậy ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh".
Rồi Bác giơ bàn tay lên, vừa nắm lại xòe ra nhiều lần vừa nói:
- Bàn tay nắm lại thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra rất dễ bị bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch bị chia ra năm bảy mảng mà tiêu diệt dần, đặng làm cho chúng thất bại hoàn toàn.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Hội nghị Bộ Chính trị đã góp nhiều ý kiến quan trọng cho bản đề án của Tổng quân ủy, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt".
Đồng chí Lê Văn Lương ghi chép đầy đủ từng ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, căn cứ vào ý kiến của Bác và kết luận của Tổng Bí thư Trường Chinh, soạn thảo thành văn bản nghị quyết Bộ Chính trị. Và, theo một quy chế tuyệt mật, văn bản chỉ được đánh máy với số lượng rất hạn chế, rồi cho cán bộ đặc biệt tin cẩn của Văn phòng Trung ương Đảng mang đi, giao tận tay cho từng đồng chí có trách nhiệm thực hiện mà không theo đường phát công văn bình thường.
Những cơn gió heo may thổi về Đồng bằng Bắc Bộ càng làm cho Na-va bồn chồn mong đợi tin tức tình báo thu được ở phía ta: "Các đại đoàn chủ lực của Việt Minh chưa hề thấy xuất đầu lộ diện, kể cả Đại đoàn 320 hoạt động thường xuyên ở Đồng bằng Bắc Bộ cũng mất tăm". Đó là báo cáo mật của phòng nhì gửi Tổng chỉ huy Na-va.
Tướng Na-va không kiên nhẫn được nữa, quyết định ra tay trước.
Ngày 15/10/1953, Na-va mở màn cuộc hành binh Hải Âu (Mouette) thọc sâu vào vùng căn cứ Rịa-Nho Quan nhằm tiêu diệt phần lớn Đại đoàn 320 đồng thời chặn đứng không cho Đại đoàn 304 thâm nhập vào vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Cuộc hành binh được đánh giá là "lớn nhất, chưa từng thấy từ thời tướng Lơ-cléc đến nay" huy động tới 6GM, gồm 22 tiểu đoàn với đủ loại binh chủng, gần 4 vạn quân do tướng Gin (Gilles) chỉ huy. Tổ chức thành 2 đại đoàn nhẹ, một do Đờ Cát-xtơ-ri (De Catstries) một do Va-nuy-xem (Vanuxem) chỉ huy.
Cũng hôm ấy, quân Pháp đổ bộ lên Ba Làng ở bờ biển nam Thanh Hóa, chiếm đầu cầu, triển khai cuộc hành binh Chim bồ nông (Pélican). Hàng không mẫu hạm A-rô-măng-xơ (Arromanches) và nhiều tàu chiến máy bay rập rình ngoài khơi.
Bộ Tổng tham mưu ta nhận định các cuộc hành quân trên chỉ có tính chất chiến thuật. Ta chủ trương để một bộ phận Đại đoàn 320 kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích nghênh chiến, đề phòng chúng đánh sâu vào vùng tự do. Đồng thời, các đơn vị chủ lực của các khu tả ngạn và hữu ngạn đẩy mạnh hoạt động ở sau lưng địch, tập kích vào các binh đoàn cơ động của địch.
Các đại đoàn chủ lực khác của ta vẫn tiếp tục chương trình huấn luyện đã định, sẵn sàng làm nhiệm vụ theo kế hoạch chiến lược dự kiến. Kể cả Đại đoàn 304 và Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đóng trên đất Thanh Hóa, cách nơi chiến sự khá gần cũng "án binh bất động".
Na-va rất lo ngại trước sự lặng thinh của quân ta: “Phải chăng hướng tiến công của Việt Minh không phải là Đồng bằng Bắc Bộ? Phải chăng Việt Minh đã thay đổi kế hoạch?”.
Trước đó, y và Bộ tham mưu vẫn đinh ninh là quân ta sẽ tiến công chính vào Đồng bằng Bắc Bộ.
Cuộc hành binh Chim bồ nông được lệnh Na-va cho dừng ngay. Nhưng không thể dừng được cuộc hành binh vô cùng tốn kém người và của mang tên Hải Âu. Bởi vì Ních-xơn, Phó tổng thống Mỹ sắp tới Hà Nội. Trong chương trình thăm viếng, ngài Ních-xơn muốn được tận mắt thấy các "chiến hữu" Pháp làm ăn ra sao ngoài chiến trường để có quyết định viện trợ quân sự cả gói.
Giữa lúc chiến sự bùng nổ ở Rịa-Nho Quan, thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 316 bí mật cử đoàn cán bộ tham mưu đi chuẩn bị chiến trường giải phóng tỉnh Lai Châu. Chỉ sau đó nửa tháng, cả đại đoàn đã trên đường lên Tây Bắc.
Tin tình báo ấy như sét đánh ngang tai Na-va.
Ngày 17/11, Na-va triệu tập gấp cuộc họp cấp chóp bu quân đội Pháp. Bất chấp lời gàn của một số sĩ quan tham mưu cao cấp, Na-va quyết định đánh chiếm ngay Điện Biên Phủ bằng một cuộc hành binh không vận chớp nhoáng hòng chặn bước Đại đoàn 316.
Đây là quyết định bị động, ngoài ý đồ chiến lược ban đầu của kế hoạch Na-va.
Ngày 19/11/1953, Bộ Tổng tư lệnh mở hội nghị cán bộ chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Chương trình hội nghị rút ngắn lại vì nhận được tin: Ngày 20/11/1953, 3 tiểu đoàn địch nhảy dù xuống Mường Thanh, Điện Biên Phủ.
Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân được lệnh đuổi theo ngay đại đoàn, đôn đốc bộ đội tiến nhanh lên giải phóng Lai Châu.
Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh khẩn trương lên đường.
Các cán bộ chỉ huy các Đại đoàn 304, 308, 312 được lệnh trở về ngay đơn vị chuẩn bị cho bộ đội hành quân. Đại đoàn công pháo 351 đang tập kết ở xa, cũng được lệnh chuẩn bị sẵn sàng hành quân cơ giới.
|
Lễ duyệt binh mừng các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Tất cả những hoạt động chuẩn bị chuyển quân và ngày xuất phát của các đơn vị đều phải tuân thủ một quy định bảo mật phòng gian nghiêm ngặt, đặc biệt là về sự xuất hiện của các binh chủng pháo binh, pháo cao xạ. Cán bộ, chiến sĩ các đại đoàn tham dự chiến dịch được đả thông tạm ngừng viết thư về nhà. Các đại đoàn, trung đoàn thậm chí đến tiểu đoàn đều không dùng phiên hiệu trong giao dịch, liên lạc, làm việc quan hệ với địa phương. Tất cả đều mang tên mật được chỉ định: Đại đoàn công pháo 351 mang tên Long Châu, Trung đoàn lựu pháo 105 mang tên Tất Thắng, Trung đoàn pháo cao xạ 367 với cái tên Hương Thủy. Hai Tiểu đoàn pháo cao xạ 383, 394 về tham dự chiến dịch Trần Đình (tên mật của chiến dịch) được gọi là Nha Bảo và Nha Am...
Đêm hành quân, ngày nghỉ, nghi trang thật kỹ. Đặc biệt là đối với lựu pháo và pháo cao xạ phải nghi trang để cho người bên đường không nhận thấy loại pháo gì và không để ánh sáng rọi vào vũ khí, khí tài. Đến nơi trú quân tạm, cũng phải làm công sự bảo vệ người và vũ khí. Hành quân và trú quân, tuyệt đối không dùng liên lạc vô tuyến điện, triệt để sử dụng ký, tín hiệu.
Về đích hành quân, hướng chiến dịch chỉ phổ biến đến cấp trung đoàn. Cấp tiểu đoàn trở xuống chỉ biết từng chặng đường và cũng chưa được phổ biến gì hơn chiến sĩ ngoài những yêu cầu của cuộc hành quân xa "đi tốt, ăn tốt, ngủ tốt".
Chính trị viên Đại đội 267 Đỗ Đình Sửu thuộc Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 thủ thỉ với chiến sĩ: "Địch đang theo dõi riết chúng ta! Không nên bàn tán đường này hướng nọ". Ta đi đâu là theo mệnh lệnh. Đời chúng ta là đời chiến đấu. Đâu có giặc là ta cứ đi!