Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nhưng hành nghề ở miền Nam. Cho đến nay, ông Lê Văn Lương được coi là "ông tổ" của nghề thám tử Việt Nam.
Đầu tháng 7, một vài người bạn ở TPHCM làm nghề thám tử tư điện thoại cho tôi nhờ một việc nhỏ, ấy là đến thắp hương tưởng nhớ về "ông tổ" nghề là Lê Văn Lương ở xã Kim Bình, Kim Bảng, Hà Nam.
Tại đây, qua lời kể của con dâu ông Lương là bà Nguyễn Thị Quý, những bí mật một thuở của vị thám tử đầu tiên của Việt Nam mới dần được hé lộ.
|
Thám tử Lê Văn Lương trong một lần tác nghiệp. |
"Sê-lốc-hôm" của Việt Nam
Ngôi nhà mà thám tử Lê Văn Lương từng sinh ra, lớn lên và cũng là nơi ông nhắm mắt xuôi tay chính là thôn Kim Thượng, xã Kim Bình. Đây là một xã nhỏ, nghèo thuộc huyện Kim Bảng, nhưng mới đây đã sáp nhập vào TP Phủ Lý.
Trong ngôi nhà ấy bây giờ chỉ còn người con dâu là bà Nguyễn Thị Quý. Bà Quý là con dâu trưởng của ông Lương. Chồng bà là thầy giáo Lê Văn Trinh, một giáo viên dạy Văn nổi tiếng đất Nam Hà xưa. Hôm chúng tôi có mặt ở nhà bà Quý, cũng là ngày gia đình tổ chức lễ giỗ thứ 13 cho ông Lương.
Lần giở lại những tài liệu cũ kỹ của người cha, bà Quý cho chúng tôi xem bức ảnh chụp ông Lương khi tròn 70 tuổi. Đó là người đàn ông tráng kiện, da dẻ hồng hào, mắt sáng trán cao nhưng toát được vẻ phong trần từng trải, đầy bụi bặm của một thám tử.
|
Ông Lương thời mới vào nghề. |
Ông Lương sinh năm 1913 trong một gia đình truyền thống nho học. Chưa đầy 18 tuổi, ông lập gia đình với người con gái đẹp nhất vùng Kim Bảng xưa là bà Lê Thị Tâm. Khi có với bà Tâm 4 người con, cũng là lúc ông Lương bắt đầu bặt vô âm tín. Ông đi đâu, làm gì thì mãi sau này khi đất nước thống nhất gia đình mới được biết tin qua một bức điện tín.
Trong tập hồ sơ về cha mình, bà Quý cho hay có cả những đoạn ghi chép về một số vụ án mà ông Lương tham gia. Trong số đó, rất nhiều vụ án lớn liên quan đến ma túy, tham nhũng, giết người... liên quan đến những quan chức chóp bu của chế độ Sài Gòn cũ.
Phá được nhiều vụ án lớn, lại nổi tiếng khắp nơi nên ông Lương có điều kiện mua một mảnh đất đẹp ở số 109A đường Pasteur trong Sài Gòn. Tại đó, ông Lương cho xây dựng một ngôi biệt thự lộng lẫy làm văn phòng thám tử. Mọi giao dịch hợp đồng và giải quyết các sự vụ đều ở trong ngôi nhà đó cả.
Tuy là người đầu tiên làm nghề thám tử ở Việt Nam, nhưng với tài năng thiên bẩm cùng bản lĩnh như thể "sinh ra để phá án", những người ở Sài Gòn thời bấy giờ thường gọi thám tử Lê Văn Lương là "Sê-lốc-hôm".
|
Cô Tường Vi - em gái vua Bảo Đại là vợ hai của ông Lương. |
Người đàn ông đào hoa
Một trong những bí mật của thám tử Lê Văn Lương mà rất ít người biết, kể cả những người bạn vong niên ở quê ông là việc ông Lương rất đào hoa, ông có đến 4 người vợ và 11 người con.
Theo bà Quý, người vợ cả của ông Lương là bà Lê Thị Tâm cùng quê Hà Nam. Sau khi bặt vô âm tín với gia đình, ông Lương gặp gỡ cô Tường Vi rất xinh đẹp. Anh trai của Tường Vi chính là quốc vương Bảo Đại. Tuy là con gái của gia đình trâm anh thế phiệt, nhưng Tường Vi lại phải lòng chàng trai đã 4 mặt con như ông Lương.
Sau khi kết hôn với Tường Vi, trong quá trình làm việc, ông Lương lấy thêm 2 người vợ nữa. Một người mà đến nay gia đình không biết tên là gì, quê quán ở đâu, còn người vợ thứ tư tên là Đoàn Thị Nhiều, người Sài Gòn cứ gọi là cô Tư Kỳ Đồng vì nhà bà ở hẻm Kỳ Đồng.
Theo tiết lộ của bà Quý, hiện nay bà vợ út của ông Lương vẫn còn sống và định cư tại Canada với 3 người con. Thi thoảng, bà Tư Kỳ Đồng và các con cũng gửi thư hoặc gọi điện về hỏi thăm gia đình. Thậm chí, thỉnh thoảng bà tư lại gửi tiền về cho ông Lương tiêu xài. Nhưng từ khi ông Lương qua đời, gia đình cũng không còn liên lạc nhiều với bà tư.
|
Ông Lương (ngoài cùng bên trái) nhận bằng tiến sĩ danh dự. |
"Dù chết cũng phải chết ở quê"
Theo lời kể của bà Quý, dù là thám tử tài danh với máu phiêu bạt ngút trời nhưng khi về già, ông Lương cũng trở về với nơi đã chôn nhau cắt rốn của mình. Sau khi miền Nam được giải phóng, ông Lương đã hiến toàn bộ tài sản của mình cho Nhà nước. Ông trở về quê hương, ngồi ở chính ngôi nhà của mình mà cả gia đình phải ngỡ ngàng. Họ yên tâm, vì sau bao nhiêu năm ông vẫn còn sống.
Tuy nhiên, được một thời gian, ông Lương lại sang Canada định cư với người vợ thứ tư. Trước khi đi, ông nói với vợ cả: "Dù có chết, tôi cũng sẽ phải chết ở quê". Thế rồi đến năm 1996, ông Lương về nước bảo là chơi 6 tháng rồi đi. Thế nhưng, như một duyên phận, ông chẳng may bị ngã gẫy chân và ở lại quê nhà cho đến khi qua đời vào năm 2001.
Tiếng là 4 vợ, 11 người con lại có rất đông bạn bè, đồng nghiệp, nhưng ngày đưa tang ông Lương, chỉ có vợ cả cùng các con bà Tâm cùng hàng xóm láng giềng. Không ai biết rằng, một thám tử nức tiếng Sài Gòn xưa khi chết cũng chỉ đơn độc trong nghèo khó và thinh lặng.
|
Bà Quý lần giở những tư liệu liên quan đến cha mình. |
Từng đỗ tiến sĩ
Theo hồ sơ để lại cho gia đình, ông Lương từng có thời gian học tại Hà Nội, sau đó ông dạy tại Trường Quốc học Vinh, Quốc học Huế. Ông thông thạo 5 thứ tiếng là Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, đồng thời cũng hoàn thành được nhiều bằng cấp về luật, kinh tế và võ thuật.
Đặc biệt, sau này ông được Đại học Los Angeles cấp bằng tiến sĩ danh dự chuyên ngành Luật học. Theo bà Quý, khi đã về già ông Lương vẫn rất chăm chỉ đọc sách. Ông đặc biệt có tài trong việc phân tích vật chứng. Như tàn thuốc lá, chỉ cần xem qua là ông có thể nói chính xác đó là loại thuốc gì, ở đâu sản xuất, thói quen của người hút.
Sau này khi rời Việt Nam sang Canada sinh sống, ông Lương nhận được rất nhiều lời đề nghị mở trung tâm thám tử tư để kiếm tiền. Tuy nhiên, ông Lương đã khước từ và chỉ truyền dạy lại kiến thức, kinh nghiệm cho những ai đam mê công việc đầy rẫy những hiểm nguy lẫn cám dỗ này.
"Khi ông Lương từ Canada trở về Việt Nam, có vài lần tôi được tiếp xúc với ông nhưng ông rất kín chuyện. Hầu hết những chuyện về nghề thám tử xưa kia ở Sài Gòn ông không có kể nhiều. Ông sống rất phóng khoáng với tất cả mọi người ở thôn quê".
Ông Nguyễn Ngọc Hải (Chủ tịch UBND xã Kim Bình)