Trước khi bị đột quỵ năm 43 tuổi, Jean-Dominique Bauby là tổng biên tập Tạp chí thời trang Elle của Pháp. Tuy nhiên, vào ngày 8/12/1995, một cơn tai biến mạch máu não đã khiến ông Bauby rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Sau 20 ngày rơi vào trạng thái trên, Bauby dần hồi phục được một phần cánh tay, chân, miệng, một bên mắt bị liệt và không thể thở hay ăn nếu không có sự trợ giúp của y tá hay các thiết bị y tế.
Khi đó, các bác sĩ chẩn đoán ông Bauby mắc hội chứng bị nhốt trong tiềm thức hay còn gọi “Locked-in syndrome”. Đây là một dạng tai biến tắc nghẽn mạch máu rất hiếm gặp.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người nhưng ông Bauby đã không bỏ cuộc và dùng mắt trái yếu ớt để giao tiếp với thế giới. Với sự giúp đỡ của y tá đặc biệt Claude Mendibil, ông Bauby đã viết nên cuốn hồi ký “The Diving Bell and the Butterfly” (Chiếc áo lặn và con bướm) thông qua việc chớp mắt trái.
Theo đó, từng trang sách của Tổng biên tập Tạp chí thời trang Elle được viết ra bằng cách ghép từ thông qua những lần chớp mắt của ông. Nữ y tá sẽ lần lượt chỉ vào từng chữ trong bảng chữ cái và ông Bauby sẽ nháy mắt một lần để xác nhận "đúng" chữ cái đó và nháy 2 lần để nói "sai". Những chữ cái thường được ông sử dụng nhất là E, S, A, R, I, N, T.
|
Mặc dù mắc hội chứng hiếm gặp bị nhốt trong tiềm thức nhưng ông Bauby đã vượt lên trên hoàn cảnh để giao tiếp với thế giới.
|
Ông Bauby thường dành phần lớn thời gian vào ban đêm để chỉnh sửa những dòng suy nghĩ của mình và hoàn thiện chúng thành câu hoàn chỉnh. Sau đó, ông cố gắng ghi nhớ chúng để khi nữ y tá Mendibil đến vào buổi sáng hôm sau, việc sáng tác của ông sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
Trong vòng 2 tháng, ông Bauby đã nháy mắt hơn 200.000 lần để hoàn thiện cuốn hồi ký "Chiếc áo lặn và con bướm" dài 132 trang. Cuốn hồi ký của ông đã được xuất bản năm 1997. Tác phẩm này đã chạm đến trái tim độc giả khi khắc họa hình ảnh chân thực của ông Bauby trong những ngày nằm trong bệnh viện. Sau 2 ngày xuất bản cuốn hồi ký trên, ông qua đời. Đến năm 2007, cuốn sách bán chạy nhất châu Âu năm 1997 trên được chuyển thể thành phim.