Kỳ 1: Người săn rùa nấu cao
Sau khi Báo điện tử VTC News đăng loạt bài “Đi tìm rùa khổng lồ ở Việt Nam”, đặc biệt là những bài viết về rùa khổng lồ kéo cả trâu mộng chìm xuống sông Hồng ở Phú Thọ, thì nhận được điện thoại của ông Nguyễn Phúc Phong, 81 tuổi, ở xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), nằng nặc mời phóng viên về nghe ông kể chuyện rùa khổng lồ. Theo lời ông, chính ông là người tường tận câu chuyện lạ lùng về con rùa khổng lồ, nuốt cả người.
Ông Nguyễn Phúc Phong đã ở tuổi xưa nay hiếm, mái tóc bạc trắng, nhưng nước da hồng hào, vóc dáng khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Ông kể chuyện rành rọt, lôgic.
Gia đình ông Nguyễn Phúc Phong có nghề nấu cao. Bố ông chuyên nghề nấu cao để cung cấp nguyên liệu cho các thầy lang. Cụ nấu cả cao thảo dược lẫn động vật. Ngày đó, hổ báo ở rừng Yên Tử rất nhiều, nên chuyện săn hổ, bẫy hổ như bẫy mèo rừng mà thôi. Nhưng cao rùa và cao giải cụ nấu nhiều nhất.
Để có nguyên liệu cho bố nấu cao, mấy anh em ông Phong phải lên rừng, lội suối đánh bẫy, săn lùng loài vật này. Thanh niên trong xóm cũng kéo nhau vào rừng đặt bẫy. Trong rừng Yên Tử nhiều nhất là rùa khì, rùa líp, rùa voi. Những con rùa này nặng đến 5-6kg, cho rất nhiều xương và mai, nấu được nhiều cao. Nghe tin ở con sông An Châu phía bên Sơn Động có nhiều giải, ông Phong cuốc bộ sang tận bên đó đặt bẫy tóm giải.
Ngày đó, loài giải ở sông ngòi không hiếm. Theo lời ông, giải chính là con rùa ở Hồ Gươm, nó là loài rất lớn, sống ở sông sâu, ao đầm rộng lớn, thi thoảng thò đầu lên thở phì phò, thậm chí táp trộm cả gà vịt khi đang vặt lông ở bờ sông. Người dân nhiều vùng hay gọi là thuồng luồng để dọa trẻ con không mò ra sông nghịch ngợm.
Từ làng Trại Lốc (An Sinh), ông Phong đi bộ qua Tràng Lương, vào rừng Lán Cao, tụt xuống Mậu, qua Suối Lở, qua làng Gà, làng Néo, thì thấy con sông An Châu chảy quanh co qua những thung lũng trùng điệp của vùng Đông Bắc Yên Tử. Hành trình cuốc bộ đi tắt cũng phải mất 1,5 ngày mới đến.
|
Tiêu bản giải ở Hòa Bình. |
Ngày đó, sông An Châu có nhiều giải khổng lồ. Ông Phong cùng đám thanh niên thường đi dọc bãi cát, bãi sỏi ven sông, tìm dấu vết của loài giải. Phát hiện đoạn sông nào có giải, ông Phong làm bẫy sập. Ông thả gà, vịt vào trong bẫy. Giải mò lên ăn, chui vào bẫy là bị tóm. Theo ông Phong, trong số các loài bò sát, thì giải là loài khỏe nhất. Một con giải nặng độ 20-30kg, thì phải 2-3 người mới bắt giữ nổi nó. Có lần, tóm được con giải 22kg, ông buộc dây thừng vào chân, rồi cột vào cây sậy, nó kéo bung cả gốc sậy.
Hàng trình đi bắt giải cứ xa dần về phía Bắc. Làng Sầy thuộc đất Sơn Động, nằm bên con sông An Châu, giáp với đất Lạng Sơn. Làng Sầy cách làng Néo vài tiếng cuốc bộ, đi qua Bến Chủa là tới. Người dân ở đó gọi sông An Châu là sông Bến Chủa.
Đến làng Sầy, ông Phong được nghe chuyện dựng tóc gáy về con giải khổng lồ, nặng cả tấn, ẩn mình dưới vụng nước rìa làng. “Hôm đó, mùa hè năm 1993, tôi đến làng Sầy, thì đang ngày hội. Người dân nấu nướng ở trước ngôi miếu. Họ dựng 4 cây tre 4 góc, rồi đặt cái gì như cái nong khum khum bên trên. Nhìn cái nong, giống hệt mai con giải. Tôi tiến lại hỏi, thì đúng là mai con giải thật. Con giải nặng hơn tạ, to như giải ở Hồ Gươm mai chỉ bằng cái lòng mâm, mai bằng cái nong thì không hiểu nó lớn thế nào. Hàng năm, cứ đến ngày hội hè, lễ lạt, người dân làng Sầy lại đem cái mai con giải ấy ra làm mái lán che mưa, che nắng để nấu nướng. Dùng xong, họ lại cất vào trong miếu” ông Phong kể.
Tôi hỏi rằng, cái mai đó còn không, thì ông Phong khẳng định là không còn nữa. Theo lời ông, người dân coi cái mai giải là kỷ vật, nên không bán. Sau này, ông quay lại, mục đích ngỏ ý tiếp tục mua cái mai, thì cái mai không còn, mà ngôi miếu cũng bị san phẳng. Từ bấy đến nay, đã hơn 60 năm, ông không quay lại làng Sầy, cũng chẳng nhớ ngôi làng ấy thuộc về huyện nào, chỉ biết là ở phía bên kia dãy núi Yên Tử trùng trùng điệp điệp.
Trong ký ức của ông, ngôi làng Sầy nằm giữa bốn bề hoang vu rừng rậm, có cả người Kinh và người Trại Ruộng. Ông Phong không biết dân tộc Trại Ruộng là gì, nhưng người trong vùng gọi như vậy. Có thể đó là người Dao Thanh Y, di cư xuống vùng đó lập trại, làm ruộng, nên gọi là người Trại Ruộng.
Theo lời ông Phong, hồi săn giải ở làng Sầy, ông trú ngụ trong nhà cụ Hờn. Hồi đó, cụ Hờn đã gần 80 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ Hờn được coi là Võ Tòng của làng Sầy. Cụ từng bắn được vô số hổ đem nấu cao. Ngày đó, hổ trong vùng rất nhiều, thường xuyên về làng bắt trâu, bò, lợn, dê của dân. Thế nhưng, hồi thanh niên, sức vóc hơn người, cụ vẫn không bắt nổi con giải, vì nó quá lớn. Con giải thực sự là nỗi sợ hãi của cư dân cả vùng.
Nhà cụ Hờn ở cạnh ngôi miếu. Ngôi miếu nhỏ bằng ngôi nhà một gian, cũ kỹ, mốc meo. Ngôi miếu nằm ngay chỗ vụng nước làng Sầy. Đó là vụng nước rất sâu và lạnh. Con giải khổng lồ đã trú ngụ ở cái vụng nước đó không biết từ đời nào, có thể hàng ngàn năm trước. Nó đào hang, hốc rất sâu, luồn vào trong lòng núi.
Ban ngày, người dân xuống suối tắm, tối thì tuyệt nhiên không ai dám ra suối. Riêng chỗ vụng nước, thì không ai dám bén mảng xuống, vì biết phía dưới có con giải khổng lồ.
Thi thoảng, vào ban đêm, con giải ngóc đầu lên khỏi mặt nước kêu như tiếng bò rống, nhưng to hơn tiếng bò rất nhiều và vang xa. Những lúc con giải rống, thì dân làng đều sợ, đóng chặt cửa mà run, không dám ra ngoài. Người dân đồn rằng, lúc con giải đói quá, nó bò lên bờ, mò vào ràng, nuốt cả lợn, thậm chí cắn chết trâu, rồi tha xuống vụng nước để rỉa thịt ăn dần.
“Hồi tôi đến làng Sầy, thì con giải đó đã bị làm thịt rồi, nên những chuyện hãi hùng về nó chỉ là nghe kể lại. Các cụ già râu tóc bạc phơ, đặc biệt là ông Hờn diệt hổ già cả, đạo mạo, chẳng nói phóng đại làm gì. Chuyện con giải khổng lồ ấy ăn thịt người, nuốt cả một người phụ nữ, thì cả làng ấy kể, ai cũng biết, nên tôi tin nó là thật” - Ông Phong khẳng định chắc chắn cho câu chuyện của mình.
Mời quý độc giả xem video Trâu điên tấn công người ở Lâm Đồng (nguồn VTV):