Bao nhiêu lần cải tiến chữ quốc ngữ đáng chú ý ở Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Chữ quốc ngữ được cho là ra đời từ năm 1615 và trải qua nhiều lần cải tiến, sửa đổi với những thay đổi đáng chú ý.

Đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Tuy nhiên nhìn lại lịch sử, cách đây gần cả trăm năm, nhiều bậc trí thức đã đề xuất thay đổi cách viết chữ quốc ngữ.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức duy nhất ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, lịch sử ra đời chữ quốc ngữ gắn liền với vai trò của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong vào năm 1615. Giai đoạn sơ khởi của chữ quốc ngữ được cho là rơi vào khoảng năm 1617 - 1626. Các giáo sĩ được xem như tham gia công việc này chủ yếu truyền đạo ở vùng biển: Cửa Hàn (Đà Nẵng); Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn, Bình Định).
Những người được đánh giá có công đầu trong việc này được ghi nhận trong các tài liệu bao gồm: Linh mục người Bồ Đào Nha Francisco de Pina, Cristoforo Bori và giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, cho đến nay, không ai có thể khẳng định ai là người khai sinh ra chữ quốc ngữ mặc dù giới khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tranh luận.
Trong số những người này, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) được coi là người có công lớn trong việc tạo ra chữ quốc ngữ. Bên cạnh đó cũng có nhiều học giả, nhà nghiên cứu cho rằng Francisco de Pina mới là nhà tiên phong sáng tạo chữ quốc ngữ.
Công lao phát minh ra chữ quốc ngữ được nhiều người cho rằng thuộc về giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660). 
Lịch sử ghi nhận chữ quốc ngữ trải qua nhiều lần cải cách sửa đổi nhưng về cơ bản thì chữ quốc ngữ hiện nay chủ yếu căn cứ theo Từ điển Việt - La của Taberd (1772).
Trong khoảng thời gian gần 2 thế kỷ, từ năm 1620 - 1830, chữ quốc ngữ có những thay đổi lớn qua từng giai đoạn như thời kỳ sơ khởi (1620 - 1631). Vào thời kỳ này, chữ quốc ngữ có sự đổi khác và sự thay đổi này được thể hiện qua các tài liệu viết tay của Joao Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rhodes (1625), Francisco Buzomi (1626)...
Trong số những người này, linh mục Pina được ghi nhận có công lớn trong việc Latin hóa tiếng Việt. Linh mục Pina đến Đàng Trong năm 1617, sau đó học tiếng Việt, trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Ông Pina đã biên soạn tài liệu Phương pháp Latin hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt; dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, trong đó có Rhodes (đến Thanh Chiêm năm 1624).
Mời quý độc giả xem video: Lớp học tiếng Việt ở xứ Đài Loan (nguồn: VTC)
Đến thời kỳ hình thành (1631 - 1648), chữ quốc ngữ tiếp tục có sự thay đổi. Điều này được thể hiện qua thư từ và tài liệu của Alexandre de Rhodes (1631, 1636, 1644, 1647), Gaspar de Amaral (1632, 1637), Onofre Borges (1645 - 1648)… Đặc biệt, tác phẩm Từ điển Việt – Bồ - La và Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes được biên soạn trong thời gian này (1630 - 1640) có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi chữ quốc ngữ.
Từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay, chữ quốc ngữ có một số lần cải tiến hoặc cải cách nhưng chủ yếu ở tầm nhỏ. Cụ thể là vào những năm 1900, chữ quốc ngữ từng được đề nghị thay chữ "Ph" bằng "F", thay các chữ dùng chữ cái "K" thay cho C, Q; Z thay cho Đ, J thay cho GI....
Năm 1919, một số học giả như Dương Tự Nguyên, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có các đề xuất cải tiến, chẳng hạn viết AA thay cho Â, EE thay cho Ê.
Năm 1910, Dubois trong cuốn Tiếng Việt và tiếng Pháp lại đề cập đến vấn đề cải cách chữ quốc ngữ. Năm 1928, Trần Trọng Kim trong bài Sự sửa đổi chữ quốc ngữ phàn nàn “chữ quốc ngữ ngày nay dễ quá”.
Năm 1928, trên tờ Trung - Bắc tân văn, Nguyễn Văn Vĩnh hô hào “sửa đổi chữ quốc ngữ”. Năm 1939, trên tạp chí Tao Đàn, tác giả Nguyễn Triệu Luật cho rằng cần cải cách chữ quốc ngữ trên cơ sở phân tích ngữ âm tiếng Việt... 
Năm 1949, nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy đưa ra cuốn sách "Chữ và văn Việt khoa học", đề nghị dựa trên một số nguyên tắc âm học để thay đổi hệ thống chữ Quốc ngữ.
Năm 1960, GS Hoàng Phê đưa ra đề án cải tiến chữ viết. Theo PGS Phạm Văn Tình, đề án này dài tới 60 trang, được viết khá công phu, với những cơ sở luận chứng khá rõ ràng ,trong đó có đề xuất bỏ H trong GH, NGH; dùng F thay PH, dùng D thay Đthay Y trong I trong hầu hết  các từ trừ AY, ÂY...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã cố gắng tạo ra sự thay đổi đối với chữ quốc ngữ bằng cách viết "Đường kách mệnh”, “ngiên kứu”, “zữ vững”, “fục tùng”… trong các tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, sau những đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ, đã có một số thay đổi không cơ bản trong các quy định chính tả hiện nay so với trước kia khi vẫn căn cứ theo Từ điển Việt - La của Taberd (1772). Và sau Cách mạng tháng Tám, chữ quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thức duy nhất của nước ta. 
Tâm Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)