Năm 1955, tàu chở hàng MV Joyita cùng với 25 hành khách và thủy thủ đoàn đã biến mất một cách khó hiểu tại khu vực Nam Thái Bình Dương. 5 tuần sau, nó được tìm thấy trong tình trạng rất xấu nhưng không bị chìm hẳn. Số phận của toàn bộ thủy thủ đoàn và hành khách ra sao là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải đáp hợp lý.
Sự cố trên biển
MV Joyita là một con tàu bằng gỗ dài 21m, được hãng Wilmington Boat Works (Los Angeles, Mỹ) đóng vào năm 1931 với mô hình ban đầu là du thuyền sang trọng, có kết cấu giúp chống chìm.
Khoảng 5 giờ sáng ngày 3/10/1955, Joyita khởi hành từ bến cảng Apia của Samoa đến quần đảo Tokelau, quãng đường dài khoảng 430 km. Theo kế hoạch, lẽ ra nó dời đi từ trưa hôm trước nhưng bị hoãn lại vì động cơ mạn trái gặp sự cố.
Mang theo 16 thủy thủ và 9 hành khách, hàng hóa trên tàu bao gồm vật tư y tế, gỗ, thực phẩm và dầu, chuyến đi của Joyita dự kiến chỉ mất từ 41 đến 48 tiếng và sẽ tới Tokelau vào ngày 5/10 sau đó chở cùi dừa khô quay về.
Ngày 6/10, thông báo từ cảng Fakaofo cho biết đã quá hạn nhưng bóng dáng con tàu vẫn chưa thấy đâu, họ cũng không nhận thấy tín hiệu báo nguy nào. Ngay lập tức, các biện pháp cứu nạn được triển khai. Từ ngày 6 đến 12/10, lực lượng Không quân Hoàng gia New Zealand đã tìm kiếm trên phạm vi khá rộng lớn, nhưng không đạt kết quả.
|
Một phần con tàu MV Joyita bị chìm khi được tìm thấy. (Ảnh: Weburbanist.com). |
5 tuần sau, vào ngày 10/11, Gerald Douglas, thuyền trưởng của tàu buôn Tuvalu phát hiện con tàu tại nơi cách điểm đến dự kiến khoảng 1.000 km. Con tàu đã bị chìm một phần và không có một ai trên tàu, 4 tấn hàng hóa cũng không còn tăm tích.
Những manh mối đáng chú ý
Khi được tìm thấy, MV Joyita đang ở trong tình trạng rất xấu. Cuộc điều tra nhanh chóng tiến hành, trong đó các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến những tình tiết sau:
- Những con hàu bám vào phía mạn tàu trái cho thấy Joyita đã bị nghiêng về bên trái trong một khoảng thời gian nhất định.
- Bên trên boong chính, buồng chỉ huy của thuyền trưởng bị phá hủy, cửa sổ bị vỡ tung…
- Một chiếc xuồng và 3 cái phao có thể bơm phồng lên (dùng trong trường hợp khẩn cấp) đã biến mất.
- Động cơ mạn phải của tàu được tìm thấy trong tình trạng vẫn đang “đắp chăn” trong khi động cơ mạn trái bị tháo rời cho thấy Joyita vận hành chỉ với một động cơ.
- Hệ thống radio trên tàu đã được điều chỉnh sang tần số 2182 kHz - kênh cấp cứu hàng hải quốc tế, nhưng khi kiểm tra thiết bị, phần dây cáp giữa máy thu và dây ăng-ten bị hư hại là nguyên nhân hạn chế phạm vi phát sóng của radio, chỉ còn khoảng 3,2 km.
- Những chiếc đồng hồ điện tử kết nối với máy phát điện trên tàu đã ngừng hoạt động khi chỉ đến con số 10 giờ 25 phút và các công-tắc đèn đang ở chiều bật sáng ngụ ý rằng có điều gì đó đã xảy ra vào ban đêm.
- Nhật ký hàng hải, kính lục phân và các thiết bị định vị khác đều biến mất.
- Trên boong tàu, người ta cũng tìm thấy chiếc túi y tế có chứa một ống nghe, một con dao mổ và bốn miếng băng dính đầy máu.
|
Toàn bộ 25 thành viên trên tàu đã biến mất một cách bí ẩn. (Ảnh: Hauntedamericatours.com). |
Chuyện gì đã xảy ra?
Với sự kỳ bí của mình, người ta còn gọi Joyita là “tàu ma Mary Celeste của khu vực Nam Thái Bình Dương”. Nó đã được nhắc đến trong rất nhiều cuốn sách với vô số giả thuyết đưa ra tranh luận.
Cái chết của vị thuyền trưởng
Thuyền trưởng của con tàu là Thomas H. Miller, một thủy thủ người Anh sống tại Samoa (Mỹ). Miller hiểu rõ rằng Joyita là con tàu không thể chìm, cộng với sự xuất hiện của những miếng bông băng có vết máu, 2 điều này dẫn đến suy đoán Miller bị thương hoặc thậm chí đã thiệt mạng.
Một người bạn của Miller, thuyền trưởng S. B. Brown, tin rằng Miller sẽ không bao giờ rời khỏi Joyita, trừ khi có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra. Ông lưu ý về mối quan hệ khá căng thẳng giữa Miller với vị thuyền phó người Mỹ - Chuck Simpson và đưa ra nhận định có thể cả 2 đã rơi xuống biển hay bị thương nặng sau khi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Vì không còn người lãnh đạo đồng thời cũng chẳng ai nói cho những thành viên khác biết về khả năng nổi trên mặt nước của Joyita nên khi nước bắt đầu tràn vào, tất cả đều vô cùng hoảng sợ và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ con tàu. Tuy nhiên, việc 4 tấn hàng hóa biến mất thì vẫn chưa thể giải thích được.
Sự xuất hiện của nhóm người Nhật và giả thuyết về những tên cướp biển
Cũng nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình là một giả thuyết khác có liên quan đến cướp biển. Theo đó, những tên cướp biển đã tấn công con tàu, giết chết 25 người của thủy thủ đoàn và hành khách rồi ném xác họ xuống biển, lấy đi toàn bộ 4 tấn hàng hóa.
Gần giống như vậy, tờ
The Daily Telegraph từng cho đăng tải một bài viết phân tích rằng nơi đây vốn là căn cứ hoạt động của lực lượng quân Nhật từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và đó chính là nguyên nhân sự biến mất của 25 người trên tàu Joyita. Giả thuyết này xuất hiện khi người ta tìm thấy những con dao mang dòng chữ “Made in Japan”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy chúng đã ở trên tàu từ cuối những năm 1940, khi mà Joyita vẫn là con tàu đánh bắt cá.
Giả thuyết về hành vi gian lận bảo hiểm
Hàng loạt chuyến đi không thành công đã mang lại cho Miller một món nợ khổng lồ và người ta nghĩ rằng đây có thể là cơ hội để Miller “gỡ gạc”. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy dấu hiệu gian lận nhằm kiếm tiền bảo hiểm. Những chiếc van ở thân tàu vẫn đóng đã bác bỏ nghi án ai đó cố tình làm đắm tàu bằng cách mở van.
|
Mặt trước con tàu. (Ảnh: Referenced.co.uk). |
Giả thuyết về một cuộc nổi loạn
Năm 1962, sau nhiều năm tìm hiểu, điều tra về con tàu, tác giả Robin Maugham đã công bố phát hiện của mình trong bài viết “The Mystery Joyita”. Maugham đồng ý rằng sự cố bắt đầu khi nước tràn vào tàu từ đường ống làm mát bị hỏng mà máy bơm không thể khắc phục được.
Vì biết Joyita không dễ chìm và cũng chẳng muốn tăng thêm khoản nợ, Miller đã lệnh cho con tàu tiếp tục đi. Tuy nhiên, thuyền phó Simpson và có khi là cả các thành viên khác thì yêu cầu ông quay trở lại. Sự không đồng nhất đã dẫn đến một cuộc nổi loạn khiến Miller bị thương nặng. Lúc này, điều kiện thời tiết ngày càng xấu đi, con tàu lại chỉ hoạt động với một động cơ trong khi đáy tàu bị ngập nước buộc Simpson phải đưa ra quyết định tất cả rời khỏi tàu cùng các thiết bị định vị, nhật ký hàng hải, đồ dự trữ và cả thuyền trưởng Miller đang bị thương.
Maugham cũng đề xuất giả định rằng họ đã nhìn thấy một hòn đảo và cố gắng đi đi đến nhưng những cơn gió lớn khiến họ không thể làm được. Kể từ đó, cả 25 người này đều chưa một lần trở lại và tất nhiên, số phận của họ ra sao có lẽ sẽ mãi là câu hỏi không có lời giải đáp.
TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU