Xuất huyết tiêu hoá đe dọa tính mạng vì lạm dụng thuốc

Google News

Nhiều loại thuốc, đặc biệt thuốc xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua, trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steroid, gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa nguy hiểm tính mạng.

“Dù có nhiều tiến bộ trong điều trị xuất huyết tiêu hóa cao song tỷ lệ tử vong cũng không thay đổi, từ 10 - 35%. Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa cần phải hết sức thận trọng.” - BSCKII Bùi Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ nói.
Dùng thuốc trị đau dạ dày... phải cấp cứu Shock mất máu nguy kịch
Theo BSCKII Bùi Mạnh Cường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thường xuyên phải cấp cứu cho nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, tự dùng thuốc theo đơn của người khác hoặc theo truyền miệng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận.
Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân N.T.M (sinh năm 1959, Phú Thọ). Cách ngày vào viện 5 ngày, người bệnh bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc giảm đau của Thái Lan được con mua gửi về (bệnh nhân thấy chồng cũng uống thuốc này đỡ đau nên đã tự uống), mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần. Loại thuốc người bệnh uống được gửi từ nước ngoài về, không có tem phụ, không có thông tin đơn vị nhập khẩu và chịu trách nhiệm về sản phẩm,…
Xuat huyet tieu hoa de doa tinh mang vi lam dung thuoc
Sau uống thuốc 3 ngày, xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Người bệnh tự theo dõi ở nhà 2 ngày nhưng không đỡ, kèm theo có đại tiện phân màu đen, nên đã đến Bệnh viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt, nôn ít dịch đen,... Kết quả nội soi tiêu hóa chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày Forrest III, loét hành tá tràng Forest Iib. Người bệnh được điều trị thở oxy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày...
Cách chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa
– Dành thời gian nghỉ ngơi ở nơi có không gian yên tĩnh. Cần nằm ở tư thế ngửa, giữ thẳng lưng ở trên giường phẳng. Chú ý không kê gối trên đầu.
– Có thể dùng khăn ấm chườm lên bụng để giảm đau do triệu chứng của bệnh hay phẫu thuật gây ra
– Khi vết thương đã bắt đầu ổn định nên đi lại nhẹ nhàng để cơ thể được thoải mái và thư giãn.
– Tuyệt đối không vận động mạnh hay di chuyển nhiều.
– Giữ cho tinh thần thư giãn thoải mái, tránh xa áp lực, căng thẳng hay suy nghĩ tiêu cực. Có thể tìm đến các giải pháp như: nghe nhạc, đọc sách báo hay trò chuyện cùng người thân.
– Ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như: cháo loãng, súp, canh hầm nhừ và có thể uống sữa. Chỉ nên ăn với lượng thức ăn ít, tránh để bụng quá đói hay quá no.
Khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, tại các trung tâm tiêu hóa, khoa tiêu hóa tại các bệnh viện gần như ngày nào cũng có bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa phải cấp cứu.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ riêng xuất huyết tiêu hóa trên ảnh hưởng đến 48 – 165/100.000 người lớn mỗi năm. Đặc biệt, có những trường hợp rất cá biệt, dùng thuốc trị đau dạ dày nhưng lại phải cấp cứu Shock mất máu nguy kịch do xuất huyết tiêu hóa.
Đó là trường hợp bệnh nhân nam 57 tuổi (Phú Thọ) bị đau dạ dày uống thuốc nam không rõ nguồn gốc và phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng nôn ra máu, đại tiện phân đen, shock mất máu, xây xát nhiều vùng mặt phải (trước đó bệnh nhân xuất hiện đi ngoài phân đen, sau khi đi vệ sinh thì thấy hoa mắt chóng mặt, choáng váng, ngã đập vùng mặt xuống nền cứng).
Nội soi dạ dày nhiều dịch đen, lẫn thức ăn, phát hiện 1 ổ loét lớn ở hành tá tràng, lộ điểm mạch chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp cầm máu ổ loét bằng kẹp clip và tiêm cầm máu bằng dung dịch adrenalin 1/10000 và truyền 700ml khối hồng cầu.
Nội soi cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tại Bệnh viện Việt ĐứcNội soi cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tại Bệnh viện Việt Đức
BSCKII Bùi Mạnh Cường cho biết, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, hành tá tràng là một cấp cứu nội ngoại khoa. Đây là tình trạng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hoá, người bệnh có biểu hiện nôn ra máu và/hoặc đi ngoài phân đen. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.
Xuat huyet tieu hoa de doa tinh mang vi lam dung thuoc-Hinh-2
Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi, đại tiện phân đen số lượng ít nên chủ quan không đến bệnh viện thăm khám ngay mà theo dõi tại nhà, đến khi mệt, chóng mặt, hoa mắt, ngất mới đến bệnh viện, thậm chí có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng shock mất máu ảnh hưởng tới tính mạng. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này 10-20%, thậm chí 35%. Vì vậy cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời.
Nhiều loại thuốc điều trị gây bệnh
TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh, xuất huyết tiêu hóa là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng nếu không can thiệp kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa như: Thực quản, dạ dày, ruột hay hậu môn.
Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như: Người có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa hay viêm loét dạ dày - tá tràng, người suy thận hay người cao tuổi...
Xuat huyet tieu hoa de doa tinh mang vi lam dung thuoc-Hinh-3
Thăm khám cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do dùng thuốc tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Có rất nhiều loại thuốc có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa như: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị có thể gây biến chứng nghiêm trọng như thủng và xuất huyết tiêu hóa); Thuốc chống tập kết tiểu cầu; Nhóm thuốc chống đông máu; Thuốc chống trầm cảm; Các thuốc gây táo bón: thuốc kháng axit; thuốc lợi tiểu; thuốc chống trầm cảm ba vòng; thuốc giảm nhu động ruột; thuốc chống co thắt cơ trơn tiêu hóa; thuốc bổ sung sắt...
Đặc biệt nhiều loại thực phẩm chức năng xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steroid, ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy có những triệu chứng bệnh, bị đau, ốm, mệt mỏi… nên đến bệnh viện khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc điều trị bệnh để tránh tiền mất, tật mang.
Khi phát hiện các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa xảy ra, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, ngừng sử dụng một số loại thuốc tây có thể khiến cho tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng.
Cách phòng ngừa tái phát
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa có thể đã được khắc phục hoàn toàn nhưng vẫn có nguy cơ tái phát rất cao. Các biện pháp dự phòng gồm:
Tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích như: rượu bia, trà đặc, cà phê. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Bổ sung đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần, từ 2 đến 2,5 lít để giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.
Nên ăn đúng giờ, đủ bữa, thay vì ăn 3 bữa chính thì có thể chia nhỏ ra 5 – 6 bữa để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa.
Cần chế biến thức ăn chín hoàn toàn. Khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương nên ưu tiên các món cháo, súp.
Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh. Tránh thức khuya sau 23 giờ, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát tốt căng thẳng. Rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày.

Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)