Rất nhiều rắc rối về hành vi của trẻ tự kỷ xuất phát từ việc trẻ không hiểu. Cha mẹ hãy giải quyết những rắc rối này của trẻ bằng cách sử dụng các phương pháp để trẻ có thể tiếp nhận và hiểu thông tin.
Hiểu rõ khả năng học của trẻ
Phần lớn trẻ em đều học hỏi bằng hình ảnh, trẻ tự kỷ tiếp nhận và hiểu những thông tin bằng hình ảnh dễ dàng hơn là những thông tin đơn thuần bằng ngôn ngữ. Những gì có thể nhìn trực tiếp bằng mắt như tranh ảnh hay đồ vật hiện hữu lâu hơn khi thu hút sự chú ý của trẻ để trẻ có thể hình dung ra ý nghĩa của những hình ảnh hay đồ vật đó. So với một đứa trẻ phát triển bình thường, trẻ tự kỷ thậm chí còn cần được học qua hình ảnh nhiều hơn.
Thu hút sự chú ý của trẻ trước khi giao tiếp
Các bậc phụ huynh thường hay bắt đầu câu chuyện với trẻ khi đang làm việc gì đó trong phòng. Vấn để là ở chỗ nếu trẻ đang chú ý vào thứ gì đó khác, trẻ sẽ chỉ nhận ra bạn đang giao tiếp với trẻ sau khi bạn đã nói được một lúc. Như vậy, trẻ sẽ bỏ lỡ một phần câu chuyện, hoặc thậm chí toàn bộ câu chuyện bạn nói. Ngược lại, nếu bạn chọn cách ngồi xuống trước mặt trẻ và cho trẻ xem thứ gì đó, trẻ sẽ chú ý hơn. Chẳng hạn, khi muốn truyền đạt thông tin bạn cần đi ra ngoài có việc, hãy thử vừa nói vừa giữ tay vào áo trẻ.
Truyền đạt thông tin bằng hình ảnh
Khủng hoảng hành vi ở trẻ tự kỷ xảy ra vì trẻ không hiểu chuyện gì đang diễn ra hoặc đang thay đổi. Nếu thứ 3 tuần nào bạn cũng đi bơi, đồng hồ sinh học của trẻ sẽ ghi nhận và báo cho trẻ thời điểm nào trẻ sẽ được đi ơi. Tuy nhiên, nếu vì lý do gì đó bạn thay đổi lịch trình, trẻ có thể sẽ mặc sẵn đồ bơi ngồi đợi ở cửa và không vui chút nào.
Cách giải quyết đơn giản trong trường hợp này là dùng một tờ lịch. Hãy dán hình ảnh đi bơi vào vị trí các ngày thứ 3 trên lịch. Nếu ngày thứ 3 nào bạn quyết định không đi, hãy chỉ cho trẻ thấy bằng cách đánh dấu X thật to trên đó, rồi lại chỉ cho trẻ thấy ngày nào sẽ đi tiếp.
Cho trẻ vài sự lựa chọn
Không dễ để trẻ tự kỷ thể hiện những gì trẻ muốn đối với cha mẹ. Nếu bạn nghĩ trẻ thích thứ gì đó và đưa cho trẻ nhưng trẻ lại không thích, bạn sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trẻ. Hãy để trẻ lựa chọn nhưng nhớ dùng hình ảnh. Ví dụ, bạn cầm 2 hộp ngũ cốc đưa cho trẻ xem để trẻ tự lựa chọn hoặc cầm 2 chiếc áo sơ mi để trẻ tự chọn sẽ mặc cái nào. Việc bạn cho trẻ sự lựa chọn cũng chính là cho trẻ sự kiểm soát chính cuộc sống của trẻ.
Cho trẻ thời gian chuẩn bị cho sự thay đổi
Trẻ có thể sẽ phản ứng lại với sự thay đổi, chẳng hạn nếu bạn yêu cầu trẻ ngừng chơi để đi mua đồ ở siêu thị, trẻ sẽ không thích. Đối với trẻ tự kỷ, sự phản kháng còn mạnh mẽ hơn. Hãy giải quyết bằng cách cho trẻ xem ảnh siêu thị và nói với trẻ “Trong vòng 5 phút nữa mình sẽ đi siêu thị nhé”. Sau đó bạn đặt giờ để trẻ có thể tự tính thời gian. Khi đến giờ, hãy cho trẻ xem lại ảnh siêu thị và nói “bây giờ mình đi siêu thị nhé”. Nếu trẻ có vẻ chưa bằng lòng, hãy cho trẻ thêm thông tin bằng cách cho trẻ xem ảnh của vài đồ vật sẽ mua ở siêu thị và trẻ có thể sẽ muốn cầm bức ảnh đó. Tranh ảnh và thời gian là hai cách truyền đạt thông tin bằng hình ảnh để trẻ có thể chuẩn bị cho sự thay đổi.
Không giả định trẻ hiểu tất cả những gì bạn nói
Rất nhiều rắc rối hành vi xuất phát từ việc trẻ không hiểu điều gì đang diễn ra, tại sao lại có sự thay đổi hoặc trẻ không biết mình có những lựa chọn nào. Vì vậy, cha mẹ không được giả định trẻ hiểu và tiếp nhận mọi thông tin. Kể cả trong trường hợp trẻ hiểu hết, việc truyển đạt thông tin bằng hình ảnh, lịch trình hay thời gian đều có tác dụng khiến trẻ thoải mái và bớt lo lắng hơn.
Không giải quyết khủng hoảng hành vi của trẻ bằng giao tiếp
Đừng cố cứu trẻ ra khỏi cơn khủng hoảng bằng cách nói chuyện với trẻ. Bạn càng nói, hành vi của trẻ càng trở xên xấu đi. Thay vào đó hãy nói ít đi và thể hiện nhiều hơn. Hãy cố tìm hiểu xem tại sao trẻ thất vọng và tìm cách truyền đạt thông tin bằng hình ảnh cho trẻ.
Đừng quên rằng người lớn cũng cần dùng các công cụ hình ảnh trong giao tiếp. Bạn cần một cuốn lịch để sắp xếp công việc, một chiếc điện thoại hẹn giờ để báo thời gian và cũng muốn lựa chọn món ăn mà bạn thấy ngon miệng. Hãy tạo cho trẻ đầy đủ những điều kiện như vậy để trẻ có thể tham gia vào các hoạt động trong gia đình và ít gặp rắc rối hơn.
Mời độc giả xem video về rắc rối hành vi của trẻ: