Chữa bệnh cho trẻ tự kỷ ở nhà hay ở cơ sở chuyên khoa?
Các thống kê cho thấy trẻ mắc chứng tự kỷ thường sống trong những gia đình gặp khó khăn về tài chính, thiếu thốn thu nhập để chữa trị, thậm chí cha mẹ phải giảm bớt thời gian làm việc hay nghỉ việc để đáp ứng các nhu cầu của trẻ và dành hơn 10 tiếng mỗi tuần để trực tiếp hoặc phối hợp chăm sóc trẻ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng về tài chính sẽ còn nặng nề hơn nếu cha mẹ không tìm nơi chăm sóc và chữa trị cho trẻ. Hãy hỏi các bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc những nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc gia đình để tìm người phối hợp cùng cha mẹ chăm sóc trẻ.
Chăm sóc và chữa trị cho trẻ tự kỷ tất yếu sẽ bị căng thẳng
Những người phải chăm sóc trẻ tự kỷ luôn luôn bị stress hoặc gặp các vấn để sức khỏe liên quan đến tinh thần. Việc tiếp nhận chẩn đoán của bác sĩ và chấp nhận sự thật về chứng bệnh tự kỷ mà con mình mắc phải đã là điều cực kỳ căng thẳng, trong khi để tìm giải pháp cho can thiệp cho trẻ đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai vợ chồng.
Vì vậy, tốt hơn hết là cả hai cùng ngồi bàn bạc và chuẩn bị tinh thần, nêu lên các yếu tố khiến cả hai sẽ bị stress. Thực tế cho thấy nếu cả hai cùng bàn bạc lựa chọn và đưa ra giải pháp chữa trị tốt nhất cho con, học cách kiểm soát những thay đổi trong cuộc sống, nhận sự giúp đỡ của những người khác và duy trì được một quan hệ hôn nhân tốt hơn thì sẽ chăm sóc trẻ tự kỷ tốt hơn.
Đánh giá đúng về mức tự kỷ của trẻ để tìm phương pháp phù hợp
Cha mẹ cần trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá thực trạng bệnh và tìm giải pháp chữa bệnh tự kỷ cho trẻ. Gia đình luôn luôn là một bệ đỡ bất biến đối với cuộc sống của trẻ tự kỷ. Hãy tìm những giải pháp chữa trị lấy gia đình làm trung tâm, đánh giá cao các giá trị gia đình, kết nối thông tin với các gia đình khác và nhận biết được những ưu thế trong hoàn cảnh gia đình mình.
Giải pháp can thiệp thì nhiều nên việc lựa chọn cũng không đơn giản. Có những giải pháp có hệ thống và cần thực hiện chính xác (ví dụ những can thiệp về hành vi như cho trẻ làm quen với việc học). Cũng có những biện pháp chữa trị ít mang tính hệ thống hơn liên quan đến môi trường tự nhiên như dành thời gian cho trẻ tự chơi. Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng cha mẹ cần nhớ là mỗi trẻ tự kỷ đều có những khả năng và nhu cầu khác nhau, dù lựa chọn biện pháp chữa trị nào cũng cần phù hợp với những đặc tính riêng của trẻ. Hãy hỏi bác sĩ hoặc các chuyên gia về khả năng thành công hay thất bại của biện pháp chữa trị cha mẹ muốn lựa chọn.
Đảm bảo các nhu cầu giao tiếp xã hội của trẻ
Các nghiên cứu khoa học cho thấy thời gian tiếp xúc và tương tác giữa trẻ tự kỷ với nhau ít hơn so với thời gian tương tác giữa những trẻ bình thường hay trẻ khuyết tật khác. Cha mẹ cần hiểu rằng sự giao tiếp hay kết bạn thành công giữa những trẻ cùng hoàn cảnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng độc lập và những quan hệ trưởng thành của trẻ sau này. Cần cho trẻ học cách chia sẻ, quan tâm, dạy trẻ cách chơi, dạy trẻ giúp đỡ người khác ngay từ độ tuổi mầm non để giúp trẻ duy trì tương tác xã hội.
Cha mẹ không nên giới hạn các phương pháp giao tiếp của trẻ. Trẻ tự kỷ hay trẻ phát triển bình thường đều có nhu cầu giao tiếp mặc dù hình thức giao tiếp khác nhau. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ sử dụng khả năng nhìn, khả năng ngôn ngữ, hành động, viết, ra hiệu ... Việc sử dụng các phương pháp giao tiếp khác ngoài ngôn ngữ không làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của trẻ mà còn tăng khả năng hiểu và biểu đạt mong muốn và nhu cầu ở trẻ.
Mời độc giả xem video Bệnh tự kỷ ở trẻ em, (Nguồn: VTV2):