Xôi 7 màu vùng Tây Bắc làm từ những nguyên liệu gì

Google News

Ghé những khu chợ vùng cao vùng Tây Bắc, khách du lịch rất dễ bắt gặp những gánh hàng xôi 7 màu sắc.

Nhiều khách du lịch gọi thứ xôi này là xôi cầu vồng bởi nó mang đủ 7 màu sắc rực rỡ nhất: đỏ cam, tím, xanh lam, nâu,… Trong những buổi chợ phiên thị trấn Sa Pa (Lào Cai), thứ xôi 7 màu này thu hút rất nhiều khách du lịch. Bên cạnh các loại đặc sản thường thấy như hạt dẻ nóng, bánh chưng gù,… loại xôi 7 màu mang màu sắc riêng biệt, hấp dẫn hơn. Không chỉ nhờ màu sắc rực rỡ mà còn là hương thơm của gạo nếp đặc trưng của vùng cao.

Xoi 7 mau vung Tay Bac lam tu nhung nguyen lieu gi

Xôi được tạo thành từ nhiều nguyên liệu tự nhiên

Người dân tộc Nùng Dín chính là những người làm nên món xôi 7 sắc màu này. Đằng sau món ăn này, người dân dộc Nùng Dín đã thổi hồn câu chuyện ý nghĩa. Họ thường kể lại với nhau rằng, trước đây ở vùng đã có một cuộc xâm lăng của những kẻ ngoại xâm, những người dân tộc Nùng Dín đã đứng lên chiến đấu anh dũng. Cuộc chiến đấu đó kéo dài suốt 7 tháng và rất nhiều người đã hy sinh. Để ghi nhớ công ơn những anh hùng, người dân tộc Nùng Dín đã làm nên thứ xôi 7 màu này với từng ý nghĩa riêng: số 7 tượng trưng cho 7 tháng chiến đấu, màu đỏ tượng trưng cho màu máu và sự chiến thắng, màu vàng tượng trưng cho sự li tán, màu xanh cho mùa xuân chiến thắng,… Chính từ nguồn gốc đó, người Nùng Dín không chỉ xem xôi 7 màu là một món ăn đặc sản mà còn là một biểu tượng ẩm thực đặc trưng của họ.

Xoi 7 mau vung Tay Bac lam tu nhung nguyen lieu gi-Hinh-2

Gạo nếp được ngâm cùng hoa xôi, lá xôi đũa, nghệ,... để cho ra màu sắc đẹp mắt

Một điều đặc biệt, để làm ra 7 màu xôi này, những người đồng bào sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ tự nhiên. Các loại nguyên liệu được người Nùng Dín sử dụng để làm nên màu sắc cho xôi là: nghệ, hoa vàng, tro bếp, xôi hoa, lá xôi đũa,… Tuy nhiên, không phải là cứ xay nhuyễn các nguyên liệu trên rồi đem ngâm với nếp thì sẽ cho ra màu xôi đẹp. Quá trình ngâm xôi cũng là quá trình kết hợp màu sắc với nhau để cho ra những màu khó như tím hay đỏ thẫm. Chẳng hạn, để nhuộm xôi màu tím, cần sử dụng màu đỏ từ lá xôi đũa kết hợp với tro bếp theo tỷ lệ hợp lý rồi mới đem đi ngâm với gạo nếp. Còn với màu đỏ thẫm, cần mang gạo nếp đã ngâm đỏ với lá xôi đũa trước, sau đó kết hợp cùng lá xôi hoa để cho ra sắc thẫm. Với màu xanh thì nguyên liệu tạo màu chính là xôi hoa và tro bếp. Còn màu vàng sử dụng nguyên liệu là nghệ.

Một điều quan trọng nhất là khi ngâm gạo nếp với nguyên liệu tạo màu, cần sử dụng đúng tỷ lệ thì mới cho ra màu xôi đẹp mà đúng. Chỉ cần sai tỷ lệ, màu sắc của xôi sẽ không được như ý. Điều này đòi hỏi những người đồng bào dân tộc phải nắm rõ các công thức tạo màu xôi và tỷ lệ chia màu đạt đến độ chính xác nhất.

Theo Hà Trang/Gia đình & Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)