Xoắn tinh hoàn, giờ vàng xử trí tránh biến chứng vô sinh

Google News

Nhiều trường hợp trẻ đau vùng bìu, bị xoắn tinh hoàn, không được đưa đến viện ngay khiến trẻ phải cắt bỏ tinh hoàn, mất khả năng làm bố khi trưởng thành.

30 phút mổ ngay khi đến viện “cứu” tinh hoàn 3 vòng xoắn
Bệnh nhi 11 tuổi vào viện với hiện tượng đau quặn vùng bẹn trái. Sau khi tiến hành thăm khám nhận thấy đây là dấu hiệu của xoắn tinh hoàn, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã nhanh chóng triển khai và phẫu thuật thành công.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là dấu hiệu điển hình của hiện tượng xoắn tinh hoàn ở trẻ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.
Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy tinh hoàn của bệnh nhi bị xoắn 3 vòng. Sau khi tháo xoắn, tinh hoàn được ủ ấm hồng hào trở lại và được bảo toàn thành công.
Xoan tinh hoan, gio vang xu tri tranh bien chung vo sinh
 Tinh hoàn của bệnh nhi bị xoắn 3 vòng - Ảnh Bác sĩ cung cấp
Việc triển khai phẫu thuật được diễn ra nhanh chóng chỉ 30 phút sau khi bệnh nhi nhập viện. Bởi theo ThS.BS Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa và tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết: đối với các trường hợp xoắn tinh hoàn mà đặc biệt là xoắn 3 vòng như của bệnh nhi N.M.T thì yếu tố thời gian quyết định tất cả. Vì chỉ khi đó mới có thể bảo toàn tinh hoàn cho bệnh nhi để duy trì chức năng sinh sản sau này. Việc này đòi hỏi các bác sĩ phẫu thuật nhanh chóng, chính xác.
Qua trường hợp này, bác sĩ Long khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất thường như đau ở vùng bìu hoặc bìu sưng to, nề đỏ thì cần cho trẻ đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
BS Lưu Viết Dũng, Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một vấn đề bệnh lý cấp tính liên quan đến mạch máu, thừng tinh bị xoắn quanh trục khiến con đường vận chuyển máu đến cơ quan bị gián đoạn.
Tình trạng này gây tổn thương tinh hoàn do thiếu máu cục bộ, rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em.
Một trong những yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng này là do sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì.
Bên cạnh đó, tinh hoàn quá di động cũng có thể là yếu tố nguy cơ. Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ở bụng. Trong quá trình phát triển, tinh hoàn di chuyển dần vào trong túi bi đôi, kéo theo mạch máu nuôi dưỡng nó và các thành phần liên quan.
Điều này khiến cho tinh hoàn được treo lủng lẳng trong túi bi đôi, dễ bị xoắn hơn. Dần về sau tinh hoàn sẽ càng được cố định vững chắc hơn. Đây cũng là lý do giải thích tại sao xoắn tinh hoàn thường xảy ra nhiều ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì.
Xoan tinh hoan, gio vang xu tri tranh bien chung vo sinh-Hinh-2
Nhiều trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn vì xoắn. 
Bỏ lỡ giờ vàng, xoắn tinh hoàn sẽ “mất đạn”
Thực tế tại các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị xoắn tinh hoàn đến điều trị trễ, các bác sĩ đành phải cắt bỏ tinh hoàn.
BS CKII Phan Tấn Đức, trưởng khoa thận niệu Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ông đã từng gặp những bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 mà bị xoắn tinh hoàn sau 24 giờ, tinh hoàn đã hoại tử nên bác sĩ đã phải cắt bỏ tinh hoàn cho bệnh nhân.
Khi kiểm tra tinh hoàn còn lại, bác sĩ thấy tinh hoàn còn lại này cũng không còn nữa do trước đó đã bị xoắn mà bệnh nhân không biết. "Với một cháu bé bị mất cả hai tinh hoàn như vậy rất khó để có thể có con sau này", BS Đức khẳng định.
Các bác sĩ cho biết khi biết tin trẻ bị cắt mất tinh hoàn, người làm cha mẹ nào cũng rất đau lòng và càng đau lòng hơn khi biết chỉ cần phát hiện sớm và đưa trẻ đi điều trị sẽ giữ được tinh hoàn.
Các chuyên gia cho biết, trẻ bị xoắn tinh hoàn thường hay đau vào ban đêm. Thế nhưng, không ít trường hợp cha mẹ cho rằng đêm hôm đến bệnh viện bất tiện, ráng chờ đến mai mới đưa trẻ đi khám, mà không biết rằng chờ như vậy đã làm mất "thời gian vàng" điều trị của trẻ.
Theo BS Đức, các bậc cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xoắn tinh hoàn như đau bìu một bên đột ngột và dữ dội thường xuất hiện vào ban đêm, sưng đỏ bìu, buồn nôn và nôn, có thể kèm đau vùng bụng thấp.
Trẻ bị xoắn tinh hoàn có thể thức dậy vì đau bìu lúc nửa đêm hoặc sáng sớm. Một số trẻ có triệu chứng không điển hình như đau bụng hạ vị lệch trái hoặc phải trước rồi sau đó mới xuất hiện triệu chứng đau bìu. Vì vậy, khi trẻ than phiền đau nửa bụng dưới, cha mẹ nên quan sát hoặc hỏi trẻ có đau bìu cùng bên hay không, tránh bỏ sót tình trạng xoắn tinh hoàn ở giai đoạn sớm.
Tốt nhất là mổ trước 6 giờ từ lúc bắt đầu đau
Theo BS Đức, xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất trong giai đoạn chu sinh và quanh tuổi dậy thì. Còn BS Dũng cho biết trong thực tế điều trị ông gặp bệnh nhân lớn tuổi nhất bị xoắn tinh hoàn là 25 tuổi.
Theo BS Dũng, tỉ lệ cứu được những trường hợp bị xoắn tinh hoàn sớm rất ít mà đa số các trường hợp xoắn tinh hoàn đến Bệnh viện Bình Dân điều trị trễ sau 24 giờ. Càng đến bệnh viện trễ, tỉ lệ giữ được tinh hoàn càng thấp.
Xoan tinh hoan, gio vang xu tri tranh bien chung vo sinh-Hinh-3
 Tinh hoàn xoắn - ảnh minh họa
Theo một nghiên cứu, bệnh nhân xoắn tinh hoàn được phát hiện sớm và điều trị trong 6 giờ đầu thì tỉ lệ hồi phục chức năng tinh hoàn hầu như là 100%, còn nếu phát hiện trong khoảng từ 6-12 giờ thì tỉ lệ còn 80%; sau 24 giờ tỉ lệ cứu được tinh hoàn chỉ còn 15%.
BS Đức nhấn mạnh trẻ bị xoắn tinh hoàn nếu không được điều trị trong vòng 6 giờ tính từ lúc bắt đầu có triệu chứng thì chứng bệnh này có thể làm tổn thương (nhồi máu) vĩnh viễn tinh hoàn của trẻ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ tinh hoàn bị tổn thương nếu xoắn tinh hoàn không được điều trị kịp thời.
BS Dũng khuyên các bệnh lý về cơ quan sinh dục nam cần được điều trị và bảo vệ chức năng còn lại, chức năng sinh sản không có hoặc khi có nghi ngờ về chức năng này thì có thể liên hệ các bệnh viện, trung tâm.
Trong cấp cứu xoắn tinh hoàn, người bệnh và bác sĩ luôn chạy đua với thời gian để tìm kiếm cơ hội cứu tinh hoàn cho người bệnh. Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là trong vòng 6 giờ từ khi khởi phát tình trạng xoắn của thừng tinh.
Với những trường hợp mất một bên tinh hoàn, các bác sĩ lưu ý nên tránh chơi các môn thể thao đối kháng như đá bóng, đánh võ để phòng nguy cơ chấn thương làm dập vỡ tinh hoàn còn lại.
Sau phẫu thuật, người đã cắt một bên tinh hoàn cần tái khám thường xuyên để được thăm khám, theo dõi các chức năng của tinh hoàn còn lại, trong đó bao gồm chức năng sinh tinh và nội tiết. Trong trường hợp cần thiết, như suy giảm testosterone, người bệnh cần được kịp thời điều trị để tránh các biến chứng về sau.
“Thời gian vàng điều trị bệnh xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Vì vậy, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời. Để phát hiện kịp thời xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần kiểm tra túi bi đôi của bé thường xuyên.
Nếu thấy túi bi đôi thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên thì cha mẹ cần phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Đối với trẻ lớn hơn triệu chứng điển hình là những cơn đau bìu dữ dội khởi phát cấp tính”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)