Tiểu Kiệt năm nay 14 tuổi, là học sinh trung học cơ sở. Một lần tự học ở nhà buổi tối, cậu thấy đau tức vùng hạ vị, cảm giác quặn thắt vùng bụng dưới ngày càng rõ rệt. Vị trí đau khá nhạy cảm nên cậu bé âm thầm chịu đựng, ngại nói cho bố mẹ biết.
Sáng hôm sau ngủ dậy, Tiểu Kiệt giật mình nhận thấy vùng bìu bên trái sưng tấy, đau nhức không thể chịu được. Đến lúc này, cậu mới kể rõ sự việc với bố mẹ. Biết được tình trạng của con, cả hai nhanh chóng đưa bệnh nhân đến khoa Nam học, Bệnh viện Nhân dân số 3 Chương Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc).
Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn. Do thời gian xoắn quá lâu, các mạch máu xung quanh tinh hoàn bị chèn ép nghiêm trọng, nguồn cung cấp máu gần như bị cắt giảm hoàn toàn.
Tinh hoàn vốn hồng hào ban đầu nay do thiếu máu cục bộ dẫn đến hoại tử, chuyển màu đen. Bác sĩ nhận định bệnh nhân đã bỏ qua “thời điểm vàng” điều trị. Tình trạng thực sự tồi tệ, nếu không nhanh chóng can thiệp có thể gây đau đớn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hệ quả này sẽ khiến bệnh nhân đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.
|
Bỏ qua "thời điểm vàng" điều trị, bệnh nhân buộc phải cắt một bên tinh hoàn. |
Quá trình điều trị, bác sĩ buộc tiến hành cắt bỏ một bên tinh hoàn của bệnh nhân. May mắn thay, ca phẫu thuật thành công, phần tinh hoàn còn lại phát triển khỏe mạnh, đảm bảo chức năng sinh sản.
Theo chuyên gia, xoắn tinh hoàn hay còn gọi là xoắn thừng tinh. Lúc này, thừng tinh bị xoắn, gây chèn ép mạch máu, không thể cung cấp máu cho tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn bị tổn thương hoặc hoại tử. Xoắn tinh hoàn là tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong số đó, trẻ em và người từ 20-25 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Khi phát hiện, cần điều trị càng sớm càng tốt. Để lâu khiến nguy cơ suy giảm chức năng tinh hoàn càng cao, thậm chí có thể dẫn đến hiện tượng teo tinh hoàn do tình trạng thiếu máu cục bộ kéo dài.
Dấu hiệu xoắn tinh hoàn gồm đau bìu và tinh hoàn, tình trạng thường xảy ra khi ngủ hoặc sau khi vận động gắng sức. Ban đầu, bệnh nhân cảm thấy đau âm ỉ rồi đột ngột đau quặn. Dùng tay kiểm tra sẽ cảm nhận cơn đau rõ rệt hơn.
Vùng bìu tấy đỏ; vị trí và góc tinh hoàn bất thường. Khi đó, tinh hoàn bên xoắn có xu hướng to và nhô cao hơn. Nhìn bằng mắt thường, bạn có thể nhận thấy tinh hoàn và bìu hai bên không đối xứng rõ rệt.
Đau bụng dưới, vùng bẹn. Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, nôn. Khi phát hiện dấu hiệu xoắn tinh hoàn, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt, tránh bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị.
Tùy từng góc xoắn là 90, 180, 360 hay 720 độ, thời gian hoại tử tinh hoàn sẽ có sự khác biệt lần lượt là 7 ngày, 3-4 ngày, 12-24 giờ và 2 giờ.
Với trẻ nhỏ, bệnh nhân không biết diễn đạt các triệu chứng nên bố mẹ cần quan sát cẩn trọng. Nếu trẻ liên tục quấy khóc, nôn trớ không rõ nguyên nhân, theo thời gian các triệu chứng không thuyên giảm thì tốt nhất nên đưa đi khám.
Để ngăn ngừa xoắn tinh hoàn, khi vận động gắng sức và nâng vật nặng, chú ý điều chỉnh đúng tư thế, không dùng lực quá mạnh tránh căng cơ.
Cố gắng nằm và ngồi thẳng lưng, không co chân để tránh chèn ép tinh hoàn. Chú ý giữ ấm, kiểm soát nhiệt độ vùng quần xung quanh tinh hoàn, tránh để nhiệt độ vùng tinh hoàn quá thấp.